Truyền thông

Vai trò, sứ mệnh của báo chí với công tác truyền thông chính sách

Ngọc Anh 26/11/2023 10:25

Các cơ quan thông tin, báo chí cần phát huy vai trò của mình trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để được cung cấp thông tin về nội dung của dự thảo chính sách hoặc chính sách đã ban hành một cách chính xác, kịp thời và chính thức.

824a3b86319de5c3bc8c-3899.jpeg
Một hoạt động nghiệp vụ về truyền thông chính sách của các cơ quan báo chí. Ảnh minh họa.

Các cơ quan thông tấn, báo chí đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng, là kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân. Đảng ta đã nêu rõ: Nhân dân làm chủ, tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội thông qua nhiều phương thức khác nhau, trong đó có việc tham gia đóng góp hoàn thiện dự thảo chính sách pháp luật, hình thành văn hóa đối thoại chính sách pháp luật trong nhân dân, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Báo Nhân Dân với công tác truyền thông chính sách

Việc tăng cường truyền thông chính sách sẽ góp phần đưa mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; thể hiện rõ phương châm coi người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực cho sự phát triển; mọi chính sách đều hướng tới người dân; để cho thật sự “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm", qua đó phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong tiến trình này, với vai trò là cơ quan Trung ương của Đảng, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Báo Nhân Dân đã làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực, tích cực, sáng tạo trong truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ đó góp phần định hướng dư luận xã hội. Báo Nhân Dân đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thông tin rộng rãi, đa chiều về nội dung chính sách trên tất cả các ấn phẩm của Báo Nhân Dân như Nhân Dân hằng ngày, Nhân dân điện tử, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hàng tháng, Thời Nay, Truyền hình Nhân Dân, với nhiều hình thức thông tin đa dạng như mở chuyên mục, triển khai các tuyến bài chuyên sâu, các đợt tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, tổ chức tọa đàm, hội thảo phối hợp với các bộ, ban, ngành…. Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, báo Nhân Dân có sáng kiến thiết lập nhóm Zalo với lãnh đạo 63 báo Đảng địa phương để kịp thời cập nhật thông tin và và định hướng tuyên truyền phù hợp với chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid. Sau đó, nhóm này tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo thông tin hằng tuần, hằng ngày: Những vấn đề trọng tâm trong các nghị quyết của Đảng, nội dung các kỳ họp Quốc hội, các chính sách của Chính phủ được nhanh chóng chuyển tải tới các cơ quan báo Đảng địa phương để kịp thời triển khai thành những tuyến nội dung sâu sắc, mang tính phối hợp “đồng thanh tương ứng,” tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

truyen-thong-chinh-sach-can-duoc-quan-tam-mot-cach-dung-muc-114631776-1-.jpeg

Những năm qua, thực hiện chiến lược chuyển đổi số, công tác truyền thông chính sách cũng được Báo Nhân Dân đổi mới mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh thông tin chính sách đến với nhiều đối tượng độc giả khác nhau trên nhiều nền tảng mới như fanpage trên Facebook, kênh TikTok, Kênh YouTube của Truyền hình Nhân Dân, kênh radio... Đây được coi là những kênh truyền thông chính sách hiệu quả cho người dân trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn và nhiều thông tin sai lệch tràn ngập Internet.

Thông qua công tác truyền thông chính sách, nhiều phản ánh, ý kiến của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức đã được Báo Nhân Dân ghi nhận, kịp thời tổng hợp, chắt lọc, từ đó phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, nhờ đó đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân. Bạn đọc luôn coi Báo Nhân Dân như một kênh chính thống để góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất, xây dựng chính sách cũng như tìm hiểu chính sách pháp luật, đặc biệt là những chính sách liên quan thiết thực người dân và doanh nghiệp như kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội... Kinh nghiệm cho thấy, nếu chúng ta làm tốt truyền thông chính sách, nhất là những chính sách có tác động lớn đến xã hội thì sẽ tạo được đồng thuận trong dư luận xã hội và chính sách sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Công tác truyền thông thậm chí phải đi trước một bước, thay vì đi sau chính sách.

Phát huy vai trò của báo chí với truyền thông chính sách

Để phát huy vai trò của báo chí với công tác truyền thông chính sách, đại diện Báo Nhân Dân một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách...

Truyền thông chính sách, pháp luật cần được tăng cường tiến hành ngay từ khâu dự thảo văn bản - là phương thức cơ bản để người dân nắm và hiểu được chính sách; tăng cường tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan nhà nước đều phải công khai, minh bạch để người dân được biết (trừ những nội dung mật theo quy định của pháp luật).

Thứ hai, các cơ quan thông tin, báo chí cần phát huy vai trò của mình trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để được cung cấp thông tin về nội dung của dự thảo chính sách hoặc chính sách đã ban hành một cách chính xác, kịp thời và chính thức. Tăng cường chủ động khai thác nguồn tin về chính sách trên các kênh thông tin chính thức khác của cơ quan nhà nước, như trên Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Lãnh đạo các bộ, ngành, người có thẩm quyền đại diện cơ quan nhà nước chủ trì soạn thảo chính sách cần giành thời gian thích hợp trả lời phỏng vấn, cung cấp kịp thời các thông tin chính thống cho các cơ quan thông tấn báo chí…

bao-giay3-1687179679823262210565.jpg

Thứ ba, các bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông cần khẩn trương phối hợp xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông chính sách, pháp luật; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách và tiếp cận thông tin; tổ chức tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, phối hợp Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, huy động các nhà khoa học, chuyên gia tham gia công tác truyền thông chính sách, pháp luật.

Thứ tư, cần có các cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật, cùng tham gia thực hiện truyền thông chính sách, trong đó có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ truyền thông chính sách cho cơ quan báo chí thực hiện…. Các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông chính sách, bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động; cần lắng nghe, tiếp thu với tinh thần cầu thị các ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, nhân dân để hoàn thiện chính sách.

Thứ năm, các cơ quan thông tấn báo chí cần tổ chức thực hiện và xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp, đa dạng về hình thức thể hiện đến từng đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội một cách đa chiều, trong đó, chú trọng xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông; giành thời lượng thích hợp, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông về chính sách, pháp luật. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá, chia rẽ của các thế lực thù địch, suy diễn đối với các chính sách pháp luật được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò, sứ mệnh của báo chí với công tác truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO