Truyền thông

Vẫn thiếu cán bộ truyền thông chính sách chuyên sâu, chuyên nghiệp

Trường Thanh 16:13 27/04/2025

Phát huy các nguồn lực cho truyền thông chính sách, trước hết cần có chiến lược, kế hoạch, lộ trình và đầu tư thỏa đáng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ truyền thông chính sách chuyên nghiệp, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Truyền thông chính sách (TTCS) là một phần hành động của chính phủ để thực hiện chính sách cụ thể; giúp cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân, thuyết phục họ thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi theo đúng chính sách, pháp luật. Đồng thời, đây là kênh để chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội.

TTCS không thể tách rời các khâu của chu trình chính sách công, cần được tiến hành từ khâu hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận TTCS tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bùng nổ thông tin như vũ bão, công tác TTCS càng cần được chú trọng, đẩy mạnh, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách. Đặc biệt là công tác đào tạo đội ngũ cán bộ TTCS chuyên nghiệp, chuyên sâu.

Cần lộ trình và đầu tư thỏa đáng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TTCS chuyên nghiệp, chuyên sâu

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, TS. Lê Đức Hoàng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết: TTCS là quá trình liên tục trao đổi hoặc chia sẻ thông tin, tạo sự liên kết để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi về chính sách công. Với mục tiêu thu hút người dân và những bên liên quan tham gia vào các chu trình chính sách, TTCS trở thành kênh bày tỏ sáng kiến chính sách cũng như chính nó áp dụng cho các công cụ quản lý truyền thông.

Ở Việt Nam, cán bộ TTCS cũng là cán bộ trong các cơ quan nhà nước, nhưng họ vừa là cán bộ chính trị, vừa là cán bộ truyền thông. Đây là những người biết tổ chức và sử dụng các phương tiện truyền thông trong chu trình chính sách; vừa phải có kiến thức và kỹ năng về chính trị học, vừa cần có kiến thức, kỹ năng về truyền thông, báo chí, quan hệ công chúng...

Vị trí việc làm của cán bộ TTCS là tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Ngoài ra, còn có thể là cán bộ thông tin, truyền thông và cán bộ tuyên giáo của Đảng.

Cán bộ TTCS là những người tham mưu ở cơ quan chính quyền các cấp, trực tiếp xây dựng kế hoạch và sử dụng các phương tiện truyền thông trong nhận diện, hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách công, nhằm huy động người dân tham gia vào chu trình chính sách công, góp phần xây dựng niềm tin, thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, tạo đồng thuận xã hội thực thi chính sách công.

Thực tế, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, tuyên giáo, truyền thông nói chung rất đông đảo, nhưng đang thiếu cán bộ TTCS chuyên sâu, chuyên nghiệp. Rất nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có cán bộ làm TTCS chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác này.

Nguyên nhân sâu xa của hiện trạng đó, phần chính là do chúng ta chưa thống nhất về những vấn đề lý luận cơ bản của TTCS, chưa bắt nhịp với sự phát triển của thế giới, chưa coi trọng đúng mức việc cử cán bộ học tập về TTCS ở nước ngoài.

“Do đó, phát huy các nguồn lực cho TTCS, trước hết cần có chiến lược, kế hoạch, lộ trình và đầu tư thỏa đáng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TTCS chuyên nghiệp, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay”, TS. Lê Đức Hoàng cũng chia sẻ.

1.png

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, chuyên sâu có ý nghĩa quyết định hiệu quả TTCS

Theo TS. Lê Đức Hoàng, để đào tạo đội ngũ cán bộ TTCS, điều kiện tiên quyết là phải thống nhất nhận thức về những vấn đề lý luận cơ bản của TTCS, nhất là xác định rõ đặc điểm và yêu cầu về cán bộ TTCS.

Trong đó, phải thống nhất về mặt khái niệm TTCS, xác định rõ chủ thể, nội dung, phương thức, hiệu quả TTCS; các công đoạn thực hiện, sự khác biệt giữa TTCS với tuyên truyền nói chung; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ TTCS...

Việc đào tạo cán bộ làm TTCS chuyên nghiệp, chuyên sâu, cần có chiến lược, xây dựng kế hoạch, vạch lộ trình và đầu tư thỏa đáng về cơ chế, kinh phí, cơ sở vật chất - phương tiện kỹ thuật thỏa đáng, với sự quyết tâm cao của chính phủ và các cơ sở đào tạo có gắn kết với cơ quan tuyển dụng.

“Phát huy nguồn lực cho TTCS, không thể không bàn đến nguồn nhân lực, kinh phí, điều kiện làm việc, phương tiện kỹ thuật... Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, chuyên sâu có ý nghĩa “nguồn lực gốc” của các nguồn lực, quyết định chất lượng, hiệu quả TTCS”.

dsc_0126.jpg
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, chuyên sâu có ý nghĩa “nguồn lực gốc” của các nguồn lực, quyết định chất lượng, hiệu quả TTCS”.

Giải pháp thực hiện

Cũng theo TS. Lê Đức Hoàng, thực tiễn xã hội Việt Nam hiện nay đang rất cần có một đội ngũ cán bộ TTCS chuyên nghiệp, chuyên sâu về chất lượng và đủ số lượng. Từ thực tiễn yêu cầu đó, TS. Lê Đức Hoàng đề xuất:

Thứ nhất, các cơ quan Đảng, cần đặt công tác TTCS nói chung, đào tạo cán bộ TTCS nói riêng là một chủ trương lớn, có sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, cần xây dựng, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác TTCS; có các hướng dẫn tuyên truyền sâu rộng về TTCS, tạo thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, toàn xã hội.

Thứ hai, các cơ quan Chính phủ, cần có chiến lược cụ thể đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ TTCS chuyên nghiệp, chuyên sâu (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình hiện nay và tầm nhìn chiến lược đến năm 2045 - khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên cơ sở xác định rõ vị trí việc làm, hoạch toán số lượng cán bộ cần bố trí phụ trách công tác TTCS ở bộ, ngành, địa phương, giao chỉ tiêu đào tạo, bố trí các nguồn lực để thực hiện.

Trong chiến lược tổng thể, cần lấy Học viện Báo chí và Tuyên tuyền làm cơ sở chủ công đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TTCS. Vì nơi đây không những có thế mạnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư tưởng, tuyên giáo, báo chí, tuyền thông mà còn là địa chỉ duy nhất của cả nước đã và đang đào tạo chuyên ngành TTCS.

Thứ ba, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tạo điều kiện hơn nữa hỗ trợ để Học viện Báo chí và Tuyên tuyền cùng cơ quan liên quan tăng cường các nguồn lực phục vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ TTCS chuyên nghiệp, chuyên sâu.

Trong đó, rất cần thiết có những nghiên cứu sâu về kinh nghiệm TTCS, đặc biệt là kinh nghiệm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ cán bộ TTCS của các nước phát triển trên thế giới.

Bênh cạnh việc gửi giảng viên nghiên cứu, học tập ở nước ngoài, trở về giảng dạy chuyên ngành, cần tăng cường các chuyến đi khảo sát, học tập thực tế tại các nước trên thế giới có thế mạnh về TTCS.

Thứ tư, đối với Học viện Báo chí và Tuyên tuyền, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về TTCS và việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào mục tiêu đào tạo chuyên ngành; thường xuyên đánh giá chất lượng đào tạo, kịp thời điều chỉnh, đổi mới chương trình, đảm bảo chuẩn đầu ra sát yêu cầu xã hội đang cần.

Trong chương trình giảng dạy chuyên ngành TTCS, cần lưu ý tính liên thông; giảm giờ lý thuyết, tăng giờ học thực hành, thực tế, tăng kỹ năng nghề nghiệp cho người học tại các cơ sở có nhu cầu sử dụng cán bộ TTCS; Tuyển dụng thêm người có năng lực, trình độ, nhiệt tâm, trách nhiệm về công tác phục vụ đào tạo TTCS, đặc biệt là cán bộ hướng dẫn thực hành TTCS.

Đồng thời, có cơ chế mời các nhà hoạch định chính sách công, chuyên gia có kinh nghiệm về TTCS tham gia giảng dạy, hướng dẫn kỹ năng thực hành cho sinh viên TTCS.

Cùng với đó, huy động tổng hợp các nguồn kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ tốt hoạt động dạy - học, thực hành TTCS....

Ngoài ra, cần chú ý các hoạt động truyền thông quảng bá sản phẩm đào tạo TTCS, kết nối các nhà tuyển dụng thông qua tọa đàm, hội thảo, gửi sinh viên kiến tập, thực tập.../.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vẫn thiếu cán bộ truyền thông chính sách chuyên sâu, chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO