Phương pháp tiếp cận này không có sự hỗ trợ về tài chính, tuy nhiên, đây chính là một trong những vũ khí sắc bén nhất để cộng đồng đạt được mục tiêu vệ sinh môi trường.
Một buổi kích hoạt phương pháp “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” tại cộng đồng. Ảnh: Đỗ Oanh
Nội dung chính của phương pháp “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” là “kích hoạt”. Tại đây, những cộng tác viên sẽ thuyết phục cộng đồng thông qua việc hướng dẫn cộng đồng vẽ sơ đồ về vị trí nhà ở và vị trí mà họ hay đi vệ sinh ngoài trời, sau đó thực hiện các tính toán đơn giản để tính số lượng phân mà cộng đồng thải ra môi trường sống và phân tích con đường lây nhiễm từ phân đến miệng.
Nhờ các hoạt động trên mà vấn đề về đi vệ sinh ngoài trời được trực quan một cách rõ ràng và sinh động, tạo cho người dân có cảm giác sốc, ghê sợ, kinh tởm và xấu hổ từ đó tự nguyện tìm cách từ bỏ thói quen đi vệ sinh ngoài trời bằng việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cùng một số tổ chức đã thực hiện thí điểm “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” trực tiếp tại cộng đồng thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Kon Tum, Ninh Thuận... Kết quả thu được từ việc triển khai mô hình thí điểm này cho thấy “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” là một phương pháp tiếp cận tốt, có khả năng áp dụng tại cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa để giải quyết vấn đề phóng uế bừa bãi.
Đơn cử, tại tỉnh Lào Cai, nhận thức được tính khả thi của phương pháp này, ngay từ năm 2015, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lào Cai đã tiến hành thực hiện kích hoạt mô hình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” tại 4 thôn: Pờ Hồ, Lao Hầu, Sín Chải A, Nậm Pản xã Mường Khương với sự tham gia của 190 hộ gia đình và đem lại hiệu quả thiết thực, từ đó nhân rộng ra nhiều địa bàn trong tỉnh.
Cụ thể, buổi kích hoạt được diễn ra theo tiến trình: Người dân lập bản đồ địa phương, sơ đồ khu thải phân, vẽ con đường phân di chuyển và tác động đến con người, tính lượng phân và các chi phí y tế về điều trị bệnh liên quan đến hành vi vệ sinh không an toàn. Mối liên hệ giữa phóng uế bừa bãi, con đường lây bệnh từ phân đến người đã tạo phản ứng sốc cho người tham gia. Chính điều này là mấu chốt để người dân thay đổi nhận thức về việc phóng uế bừa bãi, tiến tới thay đổi hành vi trong xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo đó sau khi thực nghiệm, người dân đã cam kết không thải phân bừa bãi, đồng thời tham gia lập kế hoạch và đăng ký mô hình nhà vệ sinh phù hợp cho gia đình mình. Quá trình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại thôn sẽ được thực hiện trên cơ sở cộng đồng cùng xây dựng kế hoạch và tham gia giám sát. Tại buổi kích hoạt này đã có nhiều hộ gia đình tự nguyện đăng ký sửa chữa, xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh,…
Tương tự, tại tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai mô hình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” ở một số huyện đã góp phần làm thay đổi rõ rệt nhận thức, hành vi của người dân.
Ghi nhận tại huyện Đại Từ cho thấy, ngay từ năm 2013, các buổi kích hoạt “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” đã bắt đầu được thực hiện tại các xã Quân Chu, Phú Thịnh, Phúc Lương, thị trấn Quân Chu... Qua đó, đã giúp các hộ gia đình, cộng đồng nhận thức được được việc nhất thiết phải có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đến nay, tất cả các xóm triển khai mô hình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” đã đạt từ hơn 80% đến 100% số gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ví dụ tại thị trấn Quân Chu, trước khi thực hiện dự án, chỉ có 418/1.009 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm 41,12%); 127 hộ chưa từng có nhà tiêu, thì đến nay, 13/13 xóm đã triển khai thực hiện tốt mô hình, xã trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu “Cộng đồng 100% có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”. 100% số hộ ở các xóm Kim Tào (Phú Thịnh), Na Khâm (Phúc Lương) đều đã xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…