Vì sao Đức đang đi chậm hơn về phát triển chính phủ điện tử?

Bảo Bình| 21/07/2021 14:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù là quốc gia giàu có và phát triển của châu Âu, nhưng công cuộc số hóa và phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) của Đức lại chậm hơn nhiều quốc gia khác.

Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ở Đức, những tiềm năng to lớn của CPĐT và dữ liệu mở vẫn chưa được khai thác nhiều tại quốc gia châu Âu này, mặc dù Đức đang nắm giữ những cơ hội kinh tế to lớn và CPĐT cũng như dữ liệu mở là điều kiện tiên quyết cơ bản để xây dựng các thành phố thông minh (TPTM) hơn.

Theo nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) được công bố ngày 9/7, Đức đang chậm hơn khá nhiều nước trong lĩnh vực chính phủ số. Cụ thể, Đức xếp thứ 24 trong số 29 quốc gia được khảo sát, sau Chile, Colombia và Brazil. Trong lĩnh vực khu vực công dựa trên dữ liệu, Đức đứng cuối cùng và ghi nhận giá trị thấp nhất trong số các nước OECD.

Mới đây, cố vấn kỹ thuật số của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi cuộc cải cách sâu rộng để giúp Đức bắt kịp Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trong cuộc cách mạng số hóa chính phủ. Theo đó, sự phân chia quyền lực được ghi trong hiến pháp là một phần nguyên nhân đang cản trở sự tiến bộ rất cần thiết cho nước Đức.

Vì sao Đức tụt hậu trong phát triển chính phủ điện tử? - Ảnh 1.

Các tòa thị chính trên khắp nước Đức chậm thích ứng trong thời kỳ đại dịch, chỉ cung cấp một số - thậm chí không có - các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Ảnh: DW

Đức chậm chạp trong công cuộc số hóa 

Trường học ở Đức vẫn sử dụng những máy tính lạc hậu. Cơ quan y tế vẫn dựa vào máy fax. Các văn phòng thị trấn chỉ cung cấp rất ít hoặc không có các dịch vụ trực tuyến - đó là một thực tế ở Đức vào năm 2021.

Những phản ứng của Đức đối với đại dịch COVID-19 đang cho thấy những thiếu sót về kỹ thuật số trong khu vực công của Đức - khiến các nhà quan sát trên khắp thế giới bối rối. Cố vấn kỹ thuật số hàng đầu của Merkel nói rằng hệ thống chính trị phi tập trung của Đức có một phần nguyên nhân.

"Hệ thống được thiết kế khi không có nền tảng... không số hóa, không có CNTT", Katrin Suder, Chủ tịch hội đồng cố vấn chính phủ của Hội đồng kỹ thuật số, cho biết.

Nhằm ngăn chặn sự tập trung quyền lực, 16 bang của Đức đã tự định hình các chính sách về các lĩnh vực bao gồm y tế, văn hóa và giáo dục. Tuy nhiên, sự phân chia quyền lực này đã ngăn cản đất nước thúc đẩy quá trình hiện đại hóa các khu vực công của mình, Suder lập luận. 

Đại dịch đã giúp Đức thay đổi

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã cảnh báo rằng khu vực công của Đức đang bị tụt hậu khi nói về sự đổi mới công nghệ. Nhưng phải đến khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, những biện pháp hạn chế tiếp xúc được áp dụng, tình thế bắt buộc chính phủ nỗ lực thúc đẩy phần lớn công việc hành chính trên môi trường trực tuyến. Và thực tế này bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều người Đức.

Vài tháng sau đại dịch, các cơ quan y tế Đức vẫn báo cáo số ca dương tính với COVID-19 bằng máy fax. Mọi người gặp khó khăn khi làm việc tại nhà do kết nối Internet bị lỗi. Và trên khắp đất nước, các trường học thiếu công nghệ cơ bản để học từ xa.

Suder nói về tình hình tại các trường học: "Đây là một vấn đề rất lớn. Đó là trẻ em của chúng ta - thế hệ R&D của đất nước chúng ta. Bà lập luận rằng "nguyên nhân sâu xa" của vấn đề là do các bang giám sát giáo dục ở Đức.

Điều này đã ngăn cản quốc gia này tổng hợp các nguồn lực và phát triển một nền tảng học tập điện tử quốc gia mà tất cả các bang có thể thích ứng. Thay vào đó, một loạt các công cụ học tập trực tuyến khác nhau được sử dụng trên toàn quốc, dẫn đến sự khác biệt lớn về chất lượng học tập.

Chiến lược và đạo luật dữ liệu mở

Suder tin rằng cần phải có nhiều cải cách chính trị hơn nữa để đưa khu vực công của Đức tiến bộ. Theo bà, cần phải có một cơ quan chuyên trách về các vấn đề kỹ thuật số. "Nhưng chúng ta phải cực kỳ cẩn thận khi thiết lập cơ quan này bởi vì nếu chúng ta thiết lập sai cách, chúng ta sẽ tạo ra một loạt các vấn đề mới”, bà lưu ý.

Bà cho rằng Bộ mới nên có ngân sách và nhân viên riêng và cũng cần phối hợp các nỗ lực của tất cả các bộ, trong khi đi đầu trong các sáng kiến chính sách được lựa chọn. Chẳng hạn, Bộ có thể sớm giám sát các nỗ lực như phát triển chiến lược dữ liệu của Đức - điều mà cho đến nay vẫn là một trong nhiều nhiệm vụ của Thủ tướng Merkel. Tuy nhiên, theo bà, "Nhưng chỉ một bộ mới sẽ không thay đổi cuộc chơi"

Đức cũng cần phải cải thiện tốt hơn trong việc thuê các chuyên gia  số cho các công việc của chính phủ, bà nói. Những người làm việc trong lĩnh vực quản trị cần nhiệt tình hơn với những khả năng mới của chuyển đổi kỹ thuật số.

Một trong những giải pháp lớn mà chính phủ Đức thực hiện gần đây để bắt kịp với sự tiến bộ của kỹ thuật số, của cuộc cách mạng chuyển đổi số trên toàn thế giới là áp dụng Chiến lược Dữ liệu mở và sửa đổi Đạo luật Chính phủ điện tử, cả hai đều chú trọng hơn đến việc mở cửa dữ liệu khu vực công.

Hồi tháng 1/2021, Đức đã công bố chương trình chiến lược dữ liệu. Trong đó, chính phủ Đức đã đặt cho mình mục tiêu đưa nhà nước trở thành người tiên phong trong lĩnh vực số hóa, với mục đích giải phóng tiềm năng kinh tế của khu vực công.

Với việc thông qua Luật sử dụng dữ liệu của Liên minh Châu Âu vào tháng 2/2021 và Luật Chính phủ điện tử sửa đổi vào tháng 6/2021, Đức đã tiến gần hơn một bước tới mục tiêu này.

Trên hết, nội các Đức đã thông qua Chiến lược Dữ liệu mở vào ngày 6/7/2021, trong đó đặt ra các mục tiêu chính trong vài năm tới. Chiến lược dữ liệu mở đại diện cho “một bước quan trọng khác hướng tới việc ổn định các sáng kiến cung cấp dữ liệu mở của chính quyền liên bang”.

Chính phủ liên bang nhấn mạnh không chỉ vì đại dịch Covid 19 đã cho thấy thực tế rõ ràng rằng “những dữ liệu hiện tại, có thể truy cập miễn phí và máy móc có thể đọc được quan trọng như thế nào”; mà dữ liệu mở sẽ hỗ trợ “đưa ra các quyết định dựa trên thực tế và có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thông tin”. Các công nghệ tiên phong như Trí tuệ nhân tạo (AI) và TPTM phụ thuộc vào sự sẵn có của “nguồn dữ liệu phong phú và chất lượng cao”.

Chính phủ cho biết: “Để thực hiện các nhiệm vụ công của mình, các cơ quan chức năng liên bang đã thu thập nhiều dữ liệu đa dạng và do đó có một kho dữ liệu khổng lồ. Để tận dụng khối dữ liệu này, các thông tin và các giá trị đo lường phải được cung cấp cho càng nhiều công dân, công ty, khoa học và các tổ chức khác càng tốt, theo khuôn khổ pháp lý hiện hành”.

Chính phủ Đức muốn thúc đẩy các hình thức “sử dụng dữ liệu sáng tạo và có trách nhiệm”. Cổng thông tin chuyên dụng và nền tảng trực quan hóa dữ liệu sẽ được phát triển hơn nữa. Theo thỏa thuận với hội đồng lập kế hoạch CNTT, chính phủ muốn nền tảng này, ví dụ như GovData.de là "cổng siêu dữ liệu quốc gia cho dữ liệu mở từ cấp liên bang, tiểu bang và địa phương". Kế hoạch của Đức là “cung cấp một dịch vụ cơ bản mà qua đó chính phủ liên bang sẽ chuyển siêu dữ liệu của mình sang GovData một cách tập trung và theo cách thức chuẩn hóa”.

Viện Robert Koch (RKI) đã bắt đầu cung cấp dữ liệu nghiên cứu hàng ngày để sử dụng mở trong thời kỳ đại dịch. Siêu dữ liệu sẽ được sử dụng song song thông qua cổng kết nối Zenodo.org. Đến năm 2025, tất cả dữ liệu sẽ dần được cung cấp theo thời gian thực.

Chính phủ Đức cũng rất quan tâm đến việc “dữ liệu có thể đọc được bằng máy, việc xuất bản và sử dụng chúng không xung đột với bất kỳ yêu cầu bảo vệ nào, chẳng hạn như các vấn đề bảo vệ dữ liệu, các quyền khác của bên thứ ba hoặc nhu cầu bảo mật”. 

Ngoài ra, chính phủ Đức cũng muốn thúc đẩy “tăng trưởng nền kinh tế dựa trên dữ liệu”. Ủy ban EU ước tính rằng giá trị của nền kinh tế dữ liệu ở các quốc gia thành viên sẽ tăng gần gấp ba lần lên 825 tỷ euro vào năm 2025. 

Vì sao Đức tụt hậu trong phát triển chính phủ điện tử? - Ảnh 2.

Theo một nghiên cứu, thị trường TPTM của Đức sẽ liên tục tăng trưởng lên 84,7 tỷ euro vào năm 2026, đạt mức tăng trưởng hơn gấp đôi. (Ảnh: Euractiv)

Tiềm năng to lớn của dữ liệu mở

Dữ liệu được coi là tiền tệ của tương lai và dữ liệu sẽ hình thành nền tảng cho chuỗi giá trị trong công nghiệp 4.0 - thời đại công nghiệp 4.0 chính là thời đại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu đang diễn ra, cũng như xây dựng các TPTM. Với việc khu vực công là một trong những khu vực sử dụng nhiều dữ liệu nhất và cũng đang nắm giữ nhiều dữ liệu nhất, thì việc cung cấp nguồn dữ liệu này cho khu vực tư nhân sẽ mang lại tiềm năng kinh tế lớn.

Dữ liệu mở cũng có thể có tác động tích cực đến thị trường lao động. Ví dụ, nghiên cứu của Ủy ban châu Âu đánh giá nền kinh tế dữ liệu có thể tạo ra tới 883.000 việc làm mới trên khắp châu Âu. Việc cung cấp dữ liệu khu vực công cũng là một trong những điều kiện tiên quyết cơ bản để phát triển các dịch vụ hướng tới tương lai trong thành phố thông minh.

“Dữ liệu mở cho phép số hóa trong khu vực công để có các quy trình hiệu quả hơn, bằng cách quản lý hành chính tốt hơn và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số của chính phủ,” Oliver Süme, Giám đốc điều hành của hiệp hội ngành công nghiệp Internet sinh thái, cho biết.

Theo một nghiên cứu, thị trường TPTM của Đức sẽ liên tục tăng trưởng lên 84,7 tỷ euro vào năm 2026, đạt mức tăng hơn gấp đôi.

TPTM không chỉ cho phép phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo mà còn đóng một vai trò thiết yếu trong chính sách phân phối, ứng dụng công nghệ, vì sự tăng trưởng của thị trường TPTM dự kiến sẽ thu hút đầu tư của các công ty khổng lồ và thúc đẩy sự hình thành các công ty khởi nghiệp đổi mới và định hướng tương lai.

Marc Danneberg của hiệp hội kỹ thuật số Bitkom cho biết: “Quyền truy cập miễn phí và sử dụng rộng rãi dữ liệu sẽ tạo thành một trụ cột quan trọng cho việc số hóa hành chính, kinh doanh và xã hội dân sự”.

Danneberg nói thêm: “Mục tiêu phải là một hệ sinh thái dữ liệu mở và hiện đại, thúc đẩy các đổi mới xã hội và kỹ thuật ở Đức và Châu Âu”.

Tuy nhiên, theo truyền thông, chiến lược dữ liệu mở của Đức vẫn còn một số vấn đề chưa được giải đáp. Cả hai hiệp hội kỹ thuật số - Bitkom và eco - đều nói rằng chiến lược này vẫn thiếu cam kết rõ ràng trong việc thiết lập yêu cầu pháp lý của các bên tư nhân để truy cập dữ liệu của khu vực công. Những yêu cầu pháp lý như vậy rất cần thiết để thực sự khai thác hết tiềm năng đổi mới và đầu tư của dữ liệu mở.

Các nhà lập pháp Đức đang hy vọng về một bước tiến lớn với Đạo luật dữ liệu hiện đang được đàm phán ở cấp EU. Đạo luật sẽ thúc đẩy hơn nữa việc khai thác dữ liệu kinh tế và đặc biệt, bao gồm việc chia sẻ dữ liệu trong doanh nghiệp (DN) với DN và DN với các lĩnh vực chính phủ.

Trong một cuộc tranh luận tại Hạ viện, nghị sĩ Đảng Dân chủ Xã hội Elvan Korkmaz-Emre cho biết Đạo luật dữ liệu mới của EU sẽ tạo động lực mới “cho một bước tiến lớn hơn trong tương lai”.

“Chúng tôi muốn xây dựng một nền kinh tế dữ liệu châu Âu. Facebook, Google và những hãng công nghệ khác đã thực hiện cuộc cách mạng dữ liệu cá nhân. Nhưng châu Âu có một nền tảng công nghiệp thực sự mạnh mẽ, do đó việc cung cấp dữ liệu công nghiệp cho các mục đích thương mại là rất quan trọng”, Angelika Niebler, nhà đàm phán chính của EU cho hay. 

Tuy nhiên, đề cập đến một nghiên cứu gần đây của hiệp hội ngành công nghiệp BDI, Niebler lưu ý rằng 90% các DN vừa và nhỏ của Đức miễn cưỡng chia sẻ dữ liệu vì họ sợ bị truy cập trái phép. Dự luật về quản lý dữ liệu dự định sẽ khai thác tiềm năng của việc chia sẻ dữ liệu ở Châu Âu bằng cách cung cấp các trao đổi dữ liệu đáng tin cậy và sự chắc chắn về mặt pháp lý./.

Bài liên quan
  • 10 năm dấu ấn vì cộng đồng của Rapido - thương hiệu gia dụng chất lượng Đức
    Trong suốt 1 thập kỷ, Rapido không chỉ khẳng định vị thế là một thương hiệu gia dụng chất lượng Đức mà còn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Với sứ mệnh mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, Rapido đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, từ việc hỗ trợ giáo dục, tài trợ thể thao đến việc tặng quà cho những đối tượng đặc biệt.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Đức đang đi chậm hơn về phát triển chính phủ điện tử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO