Việt Nam cần làm chủ ĐTĐM trên không gian mạng

Đỗ Minh| 27/08/2022 17:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Cộng đồng Vietnam Open Infrastructure (VietOpenInfra), Câu lạc bộ Điện toán đám mây (ĐTĐM) và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC) sáng 27/8 đã phối hợp tổ chức sự kiện OpenInfra Days Vietnam 2022.

Sự kiện thu hút được đông đảo khách mời là các nhà quản lý, kiến trúc sư, kỹ sư chính, lập trình viên, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước có sử dụng hạ tầng, ứng dụng nguồn mở...

Phát triển nguồn mở cần sự quy tụ, chung tay đóng góp của đông đảo lực lượng trí thức Việt Nam tham gia

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ TT&TT nhấn mạnh, sáng kiến Nguồn mở (Open Source Initiative) ra đời từ rất sớm (năm 1983), đến nay các phần mềm nguồn mở đã hiện diện ở mọi lĩnh vực, đóng vai trò quan trọng là công cụ số không thể thiếu, có sức mạnh thúc đẩy mọi sự phát triển, tiến bộ xã hội.

Nguồn mở - sức mạnh thúc đẩy mọi sự phát triển, tiến bộ xã hội - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng, chúng ta cần nỗ lực xây dựng và làm chủ ĐTĐM trên không gian mạng

Ở Việt Nam, chúng ta đã ứng dụng các phần mềm mở từ rất sớm (năm 1988), đến nay thu được nhiều thành tựu, kết quả tích cực. Đặc biệt, trong những năm gần đây khi nhiệm vụ, kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) quốc gia được ban hành, các phần mềm nguồn mở luôn phát huy được nhiều giá trị, đảm bảo phục vụ cuộc sống ngày một chất lượng tốt hơn.

Trong thời gian tới, chiến lược chung của Bộ TT&TT xác định tập trung đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng, bao quát hơn, phù hợp với xu thế sự phát triển trong thời đại số.

Hơn nữa, Bộ TT&TT thúc đẩy, tăng cường hiệu quả quản lý trung tâm dữ liệu (TTDL), ĐTĐM, Internet vạn vật (IoT). "Đây là sẽ là ba hướng mũi nhọn được tập trung sử dụng trên hạ tầng số nhămg thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số ngày càng bền vững", Cục trưởng Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT tạo thêm các cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện, quản lý hiệu quả các TTDL tại Việt Nam, do Việt Nam làm chủ, đồng thời, hướng đến xây dựng và làm chủ ĐTĐM trên không gian mạng Việt Nam. 

Đặc biệt, để làm được điều này nhanh, hiệu quả, về đích sớm, Cục trưởng Thắng cho rằng, cách duy nhất chúng ta cần xây dựng trên nguồn mở và đảm bảo có sự quy tụ, đóng góp của đông đảo lực lượng trí thức Việt Nam tham gia. "Khi chúng ta đảm bảo làm tốt được việc phát triển nguồn mở, chính là góp phần sớm thực hiện hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển về công nghệ, ứng dụng số".

Nhân sự kiện này, Cục trưởng Nguyễn Hồng Thắng mong muốn OpenInfra Days Vietnam 2022 hoàn thành tốt hơn sứ mệnh tạo ra một sân chơi về công nghệ, bổ ích đối với người sử dụng và người tham gia phát triển các sản phẩm liên quan tới hạ tầng mở đồng thời tạo ra mối liên kết và sự gắn kết bền vững giữa người sử dụng, người phát triển, công ty kinh doanh và phát triển các sản phẩm về hạ tầng, phần mềm trên nền tảng nguồn mở.

Hãy sử dụng các dịch vụ đám mây của các đơn vị nhà cung cấp trong nước

Cũng trong sự kiện, nhiều nội dung chuyên môn, chuyên đề tham luận về việc phát triển nguồn mở đã được đại diện các công ty trình bày như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Công ty TNHH FPT Smart Cloud; OpenStack Foundation, Công ty CP NetNam; Công ty CP VCCorp và cùng nhiều các tên tuổi có uy tín khác trong cộng đồng công nghệ trong và ngoài nước…

Trong số đó, đại diện Tập đoàn Viettel, ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc công ty mạng lưới Viettel đã chia sẻ những về kế hoạch, hành trình phát triển hạ tầng số của đơn vị mình trong hiện tai và tương lai, đồng thời, đưa ra các giải pháp, đề xuất, ý kiến, nhằm thúc đẩy, phát triển hạ tầng số nói chung, nguồn mở nói riêng.

Theo Phó Tổng giám đốc Lê Bá Tân, nói đến hạ tầng số là nói đến 4 thành tố không thể thiếu bao gồm: Ứng dụng và dịch vụ số, nền tảng số, hạ tầng kết nối, TTDL và đám mây.

Viettel luôn coi trọng và tập trung phát triển, đảm bảo hiệu quả hoạt động ổn định đối với 04 thành tố trên. Cụ thể, việc phát triển ứng dụng và dịch vụ số là tập trung thực hiện các giải pháp do các đối tác hợp tác, chuyển giao các công nghệ dữ liệu lớn và Al; cơ sở dữ liệu như là một dịch vụ (Database as Service…), những giải pháp Viettel Cloud xây dựng và làm chủ.

Việc Phát triển các nền tảng số từ nay đến năm 2025: phải cung cấp nền tảng xử lý ngôn ngữ, chữ viết tiếng Việt; xây dựng nền tảng quản lý dữ liệu tập trung cho toàn tập đoàn sử dụng trong các hoạt động kinh doanh; cung cấp nền tảng xử lý ảnh dựa trên Al tích hợp vào các giải pháp thương mại, giao thông, đô thị thông minh); cung cấp các nền tảng phân tích dữ liệu lớn cho một số dịch vụ như Al tiếp thị; xây dựng, mở rộng các giải pháp về dữ liệu nền tảng (data platform).

Đối với thành tố phát triển hạ tầng kết nối từ nay đến năm 2025, Viettel tăng cường: băng rộng cố định (số hộ gia đình, người dùng sẵn sàng kết nối internet băng rộng cố định đạt 100%; tốc độ đạt trung bình tối thiểu 200Mbps tăng hơn 02 lần so với hiện tại, thuộc nhóm 20 nước cao nhất thế giới); băng rộng di động (vùng phủ đạt tối thiểu 95% dân số; tốc độ trung bình tối thiểu đạt 80 Mbps, thuộc nhóm 20 nước tốc độ cao nhất thế giới); tỷ lệ thuê bao di động băng thông đạt 97%); hạ tầng IoT (phủ sóng 5G tới 63/63 tỉnh, thành phố, vùng phủ tối thiểu đạt 70% dân số); IoT vùng phủ rộng đáp ứng 44 triệu thuê bao).

Nguồn mở - sức mạnh thúc đẩy mọi sự phát triển, tiến bộ xã hội - Ảnh 3.

Cộng đồng hãy sử dụng các dịch vụ đám mây của các đơn vị nhà cung cấp trong nước.

Cuối cùng đối với TTDL và đám mây, Viettel đặt mục tiêu từ năm 2023 - 2025: Hạ tầng TTDL (11 TTDL/3 khu vực Bắc, Trung, Nam; tổng trang bị mới 3500 Rack thiết bị cho dịch vụ CNTT và đám mây; đáp ứng nhu cầu hạ tầng TTDL đến năm 2025); TTDL đám mây (áp dụng mô hình DC truyền thống với các máy chủ Multinode để tăng khả năng cung cấp, lưu trữ; triển khai trạm nhỏ (Mini) DC, Mini trạm viễn thông (BTS) cho trình duyệt (Edge)/truy cập (MEC); thử nghiệm công nghệ (OCP); tăng cường giải pháp năng lượng xanh, tái tạo ở các khu vực có điều kiện vật lý thuận lợi.

Bên cạnh những nội dung cần thực hiện nêu trên, Phó Tổng giám đốc Lê Bá Tân đưa ra các đề xuất kiến nghị như đổi với Chính phủ, cần ban hành thêm các khung tiêu chuẩn và ràng buộc về khả năng tương trợ, kết nối đám mây giữa nhà cung cấp trong nước với nước ngoài; ban hành thêm các chính sách thúc đẩy việc thuê, mua để sử dụng dịch vụ  mây trong các mô hình giao dịch trực tiếp giữa DN (B2B) cho các DN nhà nước.

Đối với DN: Hãy sử dụng Cloud để giảm chi phí vận hành, sử dụng đám mây trong nước để tận dụng các lợi thế về hạ tầng kết nối; đưa các sản phẩm của mình lên thương mại điện tử trung gian (Market Place) để hợp tác cùng phát triển.

Đối với cộng đồng, hãy sử dụng các dịch vụ đám mây của các đơn vị nhà cung cấp trong nước, thúc đẩy các sản phẩm này phát triển; tích cực tham gia vào các phong trào phát triển, sử dụng phần mềm nguồn mở, hạ tầng mở.

OpenInfra Days Vietnam 2022, đây là sự kiện nối tiếp OpenInfra Days Vietnam (chính thức được tổ chức từ năm 2018) nhằm hưởng ứng sự kiện OpenInfra Days quốc tế được tổ chức bởi cộng đồng các chuyên gia về Công nghệ Mở tại rất nhiều quốc gia trên thế giới (một cộng đồng hơn 110.000 cá nhân ở 187 quốc gia được hình thành từ năm 2012). Sự kiện mang tầm quốc tế và có sức ảnh hưởng rất rộng tới các công ty công nghệ trong những năm gần đây./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cần làm chủ ĐTĐM trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO