Cụ thể, theo nghiên cứu về chỉ số xã hội kỹ thuật số do GSMA Intelligence thực hiện, Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, đạt 49 điểm năm 2019, tăng 12 điểm so với 3 năm trước. Trong đó, "đáng chú ý nhất là chỉ số kết nối, tiếp theo là việc công bố và mở rộng nhanh chóng mạng 4G".
Báo cáo cho biết thêm: "Việc tăng hạng cũng được đóng góp bởi những tiến bộ về định danh số, quyền công dân số và phong cách sống số".
GSMA Intelligence lưu ý rằng Việt Nam đang theo đuổi chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, cũng như chính phủ điện tử và đổi mới.
"Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần được giải quyết để đạt được tiến bộ hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại số và các chính sách hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", báo cáo cho biết thêm.
Ngoài ra, công nghệ di động 5G dự kiến sẽ chiếm 5% kết nối không dây tại Việt Nam vào năm 2025, thấp hơn so với mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương là 23%.
Theo báo cáo, Việt Nam xếp thứ 8 trong tổng số 11 thị trường được khảo sát. Đứng đầu bảng xếp hạng là 4 nền kinh tế "tiên tiến", trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 78 điểm, tiếp theo lần lượt là Singapore, Úc và Nhật Bản.
Báo cáo cho biết, khoảng cách số ở châu Á - Thái Bình Dương đã được thu hẹp trong những năm gần đây.
Nghiên cứu dựa trên đầu vào từ các tổ chức chính phủ và ngành tại các nước Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Tiềm năng của Việt Nam đối với chuyển đổi số
Việt Nam là quốc gia có các lợi thế về chuyển đổi số. Các báo cáo đều cho thấy tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động Việt Nam cao hơn mức trung bình trên thế giới và nhu cầu về các dịch vụ liên quan đến điện thoại di động và Internet đang tăng nhanh.
Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang chịu áp lực gia tăng trong việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và tạo ra trải nghiệm dịch vụ được cá nhân hóa cho từng khách hàng. Chuyển đổi số sẽ giúp các của Việt Nam thực hiện tối ưu hóa trải nghiệm hiệu quả hơn.
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng chuyển đổi số chiếm 25% GDP ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2019 (6% vào năm 2017), trong khi con số này sẽ là 60% vào năm 2021. Năng suất dự kiến sẽ tăng 21% vào năm 2020 nhờ chuyển đổi số. Tuy nhiên, 85% nghề nghiệp sẽ có những thay đổi trong ba năm tới.
Việt Nam hiện đang có tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất Đông Nam Á, hứa hẹn tiềm năng lớn cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Việt Nam cũng có lợi thế lớn về nguồn nhân lực công nghệ. Có rất nhiều trường đang đào tạo nhân lực CNTT, là nguồn cung cấp nguồn lao động chất lượng cao chuyên ngành công nghệ và khoa học dữ liệu.
Mặt khác, do các hệ thống thông tin ở châu Âu và Mỹ rất lớn nên sẽ gặp phải rủi ro cao mỗi khi cần phải điều chỉnh để số hóa các giai đoạn của quá trình sản xuất, đặc biệt là với các hệ thống lõi. Trong khi đó, các hệ thống ở Việt Nam ít chịu rủi ro hơn. Đây cũng là một lợi thế nữa mà Việt Nam có thể được hưởng trong quá trình chuyển đổi số. Việt Nam có thể thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn và an toàn hơn, nắm bắt cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.