Ngày 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới".
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử (TMĐT), CĐS, ứng dụng công nghệ số… ngày càng được đầu tư phát triển mạnh mẽ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, năm 2021, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.
Trong năm 2021, gần 160.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Về đổi mới sáng tạo, TMĐT, CĐS, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Diễn đàn là cơ hội để cộng đồng DN đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng DN trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Việt Nam đang đẩy mạnh CĐS và chuyển đổi xanh nhằm tang trưởng kinh tế
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.
Riêng năm 2021, Việt Nam thực hiện cả nhiệm vụ thường xuyên; nhiệm vụ không thường xuyên; nhiệm vụ xử lý những khó khăn, tồn đọng từ trước, tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, DN Nhà nước và các tổ chức tín dụng; và đặc biệt là nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ trong bối cảnh có những thử thách chưa từng có tiền lệ với nguồn lực còn hạn chế, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà đứng đầu là Đảng cộng sản Việt Nam, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng DN, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh "bình thường mới" do đại dịch, diễn biến tình hình tiếp tục phức tạp, cạnh tranh chiến lược gay gắt trên toàn cầu và trong khu vực, nhiều yếu tố bất ổn, khó lường chưa thể dự báo hết… Việt Nam triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết về phòng chống dịch (gồm 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị, công thức 5K + vaccine + thuốc + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác, tăng cường năng lực y tế).
Nhấn mạnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng cho biết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH.
Về hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...
Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển nền nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và DN.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh CĐS (xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số) và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế đơn thuần.
Trong điều kiện một nước đang phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực.
Thủ tướng mong muốn các DN, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất./.