Truyền thông

Việt Nam hợp tác sâu rộng với ASEAN để phát triển kinh tế bền vững

T.H 18:28 01/11/2023

Việt Nam đã tham gia sâu rộng, toàn diện vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó có hợp tác kinh tế, theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự vươn lên ngày càng lớn mạnh của hợp tác kinh tế ASEAN thời gian qua. ASEAN là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Những năm gần đây, hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, với sự hình thành hơn 50 cơ chế hợp tác ở các cấp khác nhau, kể cả Hội nghị cấp cao hằng năm được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. Các lĩnh vực hợp tác được mở rộng bao gồm cả an ninh-chính trị, kinh tế, tài chính-tiền tệ, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, công nghệ thông tin, y tế, lao động, văn hóa, an sinh xã hội và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

ttxvn_cang_cai_lan(1).jpg
Giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực ngày càng phát triển. (Ảnh: Internet)

Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế

ASEAN là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 5,6%. Dự báo, tăng trưởng của ASEAN năm 2023 đạt 4,5%, cao hơn so với dự báo tốc độ tăng trưởng của nhóm các nước phát triển; thương mại nội khối đạt trên 856 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN; đầu tư nội khối đạt gần 27 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng FDI của cả khu vực. ASEAN ứng phó hiệu quả với các thách thức về an ninh năng lượng, an ninh lương thực; vững vàng vượt qua đại dịch COVID-19…

Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; hiện đã đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN luôn là một trong những chiến lược trọng tâm, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

Trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định và phát triển quan điểm đã nêu trong Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Đó là: Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN, Liên Hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Có thể thấy, thúc đẩy phát triển quan hệ với ASEAN luôn là một nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển đối ngoại của Đảng ta. Trong đó, kinh tế - thương mại luôn là một nội dung được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện sâu rộng, mạnh mẽ. Chính vì vậy, đến nay kinh tế - thương mại của Việt Nam - ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD nhưng đến nay đã đạt trên 60 tỷ USD.

Việt Nam đã tham gia tích cực quá trình định hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn về hợp tác kinh tế ASEAN và các sáng kiến cụ thể trong hợp tác kinh tế ASEAN như: Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể AEC, kế hoạch hành động chiến lược trong các lĩnh vực chuyên ngành nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC 2025, các Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và các Kế hoạch công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN…

Là một nước có dân số lớn thứ 3 và diện tích lớn thứ 4 trong ASEAN, có vị trí địa kinh tế quan trọng, là một hình mẫu của phát triển kinh tế ổn định và bền vững trong khu vực, Việt Nam luôn phát huy vai trò là một trong những thành viên tích cực trong ASEAN về thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối, ngoại khối và thu được những kết quả tích cực. Là nước điều phối hợp tác kinh tế ASEAN - EU, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại hai bên, thúc đẩy khả năng tái khởi động đàm phán FTA ASEAN - EU. Việt Nam cũng được các quốc gia ghi nhận trong vai trò chủ tọa một số Nhóm Công tác trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối.

Hiện nay, nhiều sáng kiến mới cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ để ASEAN kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội từ những xu thế phát triển mới như xây dựng Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Khung Kinh tế tuần hoàn, Khung Kinh tế biển xanh, Chiến lược trung hòa carbon…; đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại và Hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

Củng cố và tăng cường khối đoàn kết

Để ASEAN tiếp tục phát huy vai trò và vị thế cũng như tận dụng và nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, ASEAN cần củng cố và tăng cường đoàn kết nội khối; giữ vững nguyên tắc, lập trường, quan điểm chung của ASEAN; giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.

ASEAN cũng cần duy trì cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các Hiệp định Thương mại tự do, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Bên cạnh đó, các nước cần cùng nhau hoàn thiện thể chế thông qua chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, kinh doanh trong ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; khuyến khích và coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh.

Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cứng về giao thông vận tải, năng lượng và hạ tầng thông minh gồm các nền tảng số, trung tâm đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, Chính phủ và doanh nghiệp cần tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giữa các nước, tạo sự kết nối liên thông của cả khu vực, chú trọng mô hình hợp tác công - tư để phát huy sức mạnh, nguồn lực từ nhà nước và doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ và doanh nghiệp cần cùng nhau xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao với các tiêu chuẩn chung về đào tạo, đánh giá và công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống văn bằng. Đây là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực.

Là thành viên tích cực có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước trong ASEAN để nỗ lực xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư đến với Việt Nam cùng phát triển, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Cảnh báo tình trạng mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam để lừa đảo
    Trong tuần từ 28/10 đến 3/11, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã đưa ra cảnh báo về 3 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là việc mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân.
  • Thanh toán không dùng tiền mặt định hình thị trường tiêu dùng Việt Nam
    Làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đang thay đổi từng ngày.
  • Dịch vụ nhận dạng điện tử và ủy thác tại Ukraine
    Trong những năm gần đây, Ukraine đã có nhiều sự thay đổi theo hướng số hóa. Sự ra đời của phương tiện nhận dạng điện tử (eID) và dịch vụ ủy thác là yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi mang tính cách mạng này.
  • Đẩy mạnh thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số
    Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của không gian số, các vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát. Do đó, việc thiết lập các biện pháp bảo vệ bản quyền trên môi trường mạng trở thành một giải pháp hữu hiệu để từng bước tháo gỡ khó khăn này.
  • Dubai tích hợp chữ ký số vào dịch vụ cho thuê bất động sản như thế nào?
    Wasl, một trong những tập đoàn phát triển và quản lý bất động sản hàng đầu tại Dubai, vừa công bố việc tích hợp chữ ký số UAE PASS cho các hợp đồng cho thuê mới, đánh dấu một bước quan trọng trong việc nâng cao sự tiện lợi, bảo mật và hiệu quả trong quy trình cho thuê.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam hợp tác sâu rộng với ASEAN để phát triển kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO