Nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước (CQNN) trong Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ TT&TT ban hành mới đây, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT và hai Sở TT&TT tỉnh Thái Bình, Hậu Giang đã ký chương trình hợp tác về phối hợp tăng cường quản lý và phát triển tài nguyên Internet trên hai địa bàn.
Theo đó, VNNIC và Sở TT&TT tỉnh Thái Bình sẽ phối hợp triển khai các hoạt động trọng tâm sau: Phối hợp triển khai các hoạt động hướng dẫn, đăng ký sử dụng, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng tài nguyên Internet (tên miền quốc gia ".vn", tên miền quốc tế, địa chỉ Internet, số hiệu mạng) trên địa bàn tỉnh Thái Bình; phối hợp đảm bảo an toàn, an ninh trong việc sử dụng tài nguyên Internet và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng theo quy định của pháp luật; Tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về quản lý, sử dụng tài nguyên Internet và chuyển đổi hạ tầng CNTT của tỉnh sang IPv6.
Riêng công tác thúc đẩy phát triển hạ tầng số tại địa phương, VNNIC sẽ phối hợp với Sở để thực hiện các nội dụng:
- Tư vấn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ tài nguyên Internet (tên miền quốc gia ".vn", địa chỉ Internet, công nghệ bảo mật DNSSEC,…); tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi IPv6, cơ cấu xây dựng hạ tầng mạng lưới cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại phục vụ việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
- Thúc đẩy sử dụng tên miền quốc gia ".vn" trong các dịch vụ trực tuyến của các CQNN, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, trang thương mại điện tử tại địa phương.
Đồng thời, hai bên sẽ phối hợp khảo sát, trao đổi dữ liệu, thông tin về tình hình đăng ký, sử dụng tài nguyên Internet, hoạt động mạng dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Tiến Khoái, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Bình cho biết năm 2019 và 2020, Sở TT&TT tỉnh Thái Bình đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống CNTT, Internet của các CQNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2021 và Đề án chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tỉnh Thái Bình.
Giai đoạn tiếp theo, để thực hiện Kế hoạch của tỉnh và chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho CQNN giai đoạn 2021-2025, ông Vũ Tiến khoái nhận định cần phải có sự hợp tác giữa VNNIC và Sở. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp Thái Bình sẽ sớm hoàn thành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và từng bước quản lý và phát triển tốt tài nguyên Internet trên địa bàn tỉnh.
Về hợp tác giữa VNNIC và Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang, hai bên xác định phối hợp triển khai các hoạt động trọng tâm gồm:
- Triển khai các hoạt động hướng dẫn, đăng ký sử dụng, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng tài nguyên Internet trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; phối hợp đảm bảo an toàn, an ninh trong việc sử dụng tài nguyên Internet và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Thúc đẩy sử dụng tên miền quốc gia ".vn" trong các dịch vụ trực tuyến của các CQNN, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, trang thương mại điện tử tại địa phương.
- Phối hợp khảo sát, trao đổi dữ liệu, thông tin về tình hình đăng ký, sử dụng tài nguyên Internet, hoạt động mạng dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về quản lý, sử dụng tài nguyên Internet.
- Phát triển hạ tầng số tại địa phương, đặc biệt hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cơ cấu xây dựng hạ tầng mạng lưới CQNN theo hướng hiện đại phục vụ việc xây dựng CPĐT, CĐS quốc gia và hành chính công.
Theo ông Lê Ngọc Đức, Chủ tịch Hội đồng quản lý VNNIC, việc mở rộng, tăng cường hợp tác với các tổ chức, CQNN tại địa phương là một trong những mục tiêu trọng điểm VNNIC thực hiện trong giai đoạn tới nhằm phát triển Internet Việt Nam, hỗ trợ chuyển đổi mạng Internet, hạ tầng CNTT của các tỉnh sang IPv6, phục vụ việc xây dựng Chính phủ điện tử và CĐS quốc gia theo chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang đã khẳng định quyết tâm và tin tưởng việc chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh dưới sự hỗ trợ sát sao của VNNIC sẽ sớm thành công theo lộ trình đã thống nhất.
Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 - 2025
Mới đây, VNNIC đã công bố Chương trình IPv6 For Gov định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ CQNN chuyển đổi IPv6 thành công trên mạng lưới, dịch vụ, song song với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của CQNN một cách thống nhất, đồng bộ, hiện đại.
Chương trình nhằm đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ CQNN qua IPv6. Tăng cường tỷ lệ sử dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước tương đương với tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới.
Theo Chương trình, đến năm 2022: 50% Bộ, Ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, Cổng dịch vụ công.
Đến năm 2025, 100% Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch; 100% Cổng Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công hoạt động tốt với IPv6; 100% Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ và sẵn sàng hoạt động thuần IPv6.
Tỷ lệ sử dụng IPv6 trong CQNN tương đương tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam (đạt mức 70% - 80%, sẵn sàng hoạt động thuần IPv6 vào năm 2025).