Web 3.0 - Bước ngoặt cho các doanh nghiệp trong vũ trụ kỹ thuật số

Thu Trang| 19/11/2022 05:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Web 3.0 đang định hình một lớp ứng dụng mới cho Internet, hứa hẹn một tương lai gần với những trải nghiệm Internet siêu việt.

Có lẽ trong trí nhớ của người dùng và có thể là cả trong lịch sử Internet, ngày 28/10/2021 đã để lại dấu ấn khi Meta trở thành tên chính thức của công ty Facebook Inc. Sự kiện này được khắc ghi không chỉ do tên công ty mới được công bố, mà còn do cách Meta muốn cách mạng hóa dịch vụ của mình. Và vì thế Web ngữ nghĩa (Web 3.0) đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ.

Thực tế những ứng dụng công nghệ nói chung và Internet nói riêng trong thập kỷ qua là minh chứng thuyết phục để chúng ta kỳ vọng vào một tương lai với những phát triển ngoài sức tưởng tượng của con người. Web 3.0 cũng đang định hình một lớp ứng dụng mới cho Internet, hứa hẹn một tương lai gần với những trải nghiệm Internet siêu việt. Không phải là quá tham vọng nhưng thực sự Web 3.0 đang mở ra một kỷ nguyên mà tại đó người dùng máy tính có thể tương tác với dữ liệu thông qua mạng ngang hàng mà không cần bên trung gian. Nền tảng này đặt yếu tố cá nhân làm trọng tâm. Ngoài ra, tính bảo mật cao sẽ là đòn bẩy cho một nền tảng Internet mới, cởi mở, an toàn và phi tập trung hơn.

Web 1.0 và Web 2.0

Web viết tắt của World Wide Web (WWW) là hệ thống truy xuất thông tin cốt lõi của Internet. Người tiên phong về Internet, Tim Berners-Lee được ghi nhận là người đặt ra thuật ngữ World Wide Web để chỉ mạng thông tin và tài nguyên toàn cầu được kết nối với nhau thông qua các liên kết siêu văn bản. Web 2.0 và Web 3.0 lần lượt là các thế hệ liên tiếp của Web 1.0 (xuất hiện vào những năm 1990 và đầu những năm 2000).

Web 1.0

Khái niệm về Internet đã được Paul Baran mô tả trong 12 tập và được công bố vào năm 1962. Vào năm 1989, tức khoảng 20 năm sau, Internet ở dạng Web 1.0 mới ra đời. Tác giả của Web 1.0 là Tim Berners-Lee, một nhà khoa học máy tính của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), đã đề xuất một giải pháp kết nối tất cả các máy tính để tạo thành một mạng, cho phép trao đổi thông tin.

Trong gần 20 năm, Internet ở phiên bản 1.0 chỉ cho phép đọc thông tin và việc tạo nội dung không dễ dàng như ở phiên bản 2.0. Tuy nhiên, số lượng người dùng ngày càng tăng, bởi dù sao thì Web 1.0 cũng là một thứ gì đó mới mẻ và thú vị mà chúng ta chưa từng biết đến trước đây. Tuy nhiên, chúng ta lại không thể tương tác (bình luận, hiển thị hoặc chia sẻ) với nội dung. Thông báo tương đối chung chung, không nhắm mục tiêu đến các nhóm người nhận cụ thể. Hơn nữa, việc thiếu các quảng cáo tương tác, được tùy chỉnh theo nhu cầu của người dùng cũng là hạn chế của nền tảng Web thế hệ đầu tiên này.

Web 2.0

Vào đầu những năm 2000, phương tiện truyền thông xã hội, liên kết các nhóm người nhận cụ thể, bắt đầu xuất hiện. Internet 2.0 đã mở ra cơ hội để tạo ra nội dung sáng tạo phù hợp với yêu cầu của các nhóm cụ thể. Ngày nay, mọi người đều có thể viết blog, viết báo, chia sẻ ảnh trên mạng xã hội và bình luận.

Trong khoảng thời gian 15 đến 20 năm qua, các trang web nghèo nàn của Web 1.0 đã được thay thế hoàn toàn bằng khả năng tương tác, kết nối xã hội và nội dung do người dùng tạo ra của Web 2.0. Điều này giúp nội dung do người dùng tạo ra có thể được hàng triệu người trên thế giới xem gần như ngay lập tức; phạm vi tiếp cận vô song này đã dẫn đến sự bùng nổ của loại nội dung này trong những năm gần đây.

Những gì mà Web 2.0 đang mang đến cho người dùng thực sự rất ấn tượng, nhưng có lẽ vấn đề thế hệ Internet 2.0 này phải đối mặt lại xuất phát từ thực tế là chúng ta muốn gia tăng sự tiện lợi và đổi mới. Và vì thế, những hình dung về thế hệ Web 3.0 hy vọng có thể đáp ứng những nhu cầu này.

Web 3.0 – Kỷ nguyên mới của Internet sau Web 2.0

Web 3.0 đại diện cho giai đoạn tiếp theo cho sự phát triển của web/Internet, được xây dựng dựa trên các khái niệm cốt lõi về phân quyền, tính mở và tiện ích người dùng cao hơn. Mặc dù vẫn chưa có định nghĩa chuẩn hóa về Web 3.0, nhưng nó có một số đặc tính xác định như sau:

Phi tập trung: Đây là nguyên lý cốt lõi của Web 3.0. Trong Web 2.0, các máy tính sử dụng HTTP dưới dạng các địa chỉ web duy nhất để tìm thông tin, thông tin này được lưu trữ tại một vị trí cố định, thường là trên một máy chủ duy nhất. Với Web 3.0, thông tin sẽ được tìm thấy dựa trên nội dung của nó và được lưu trữ ở nhiều vị trí đồng thời, do đó được phân cấp. Điều này sẽ phá vỡ các cơ sở dữ liệu khổng lồ hiện đang được nắm giữ bởi những gã khổng lồ Internet như Meta và Google và sẽ giao quyền kiểm soát nhiều hơn cho người dùng. Với Web 3.0, dữ liệu được tạo ra bởi các nguồn khác nhau, bao gồm điện thoại di động, máy tính để bàn, thiết bị, xe cộ và cảm biến,... và sẽ được người dùng bán thông qua mạng dữ liệu phi tập trung, đảm bảo rằng người dùng giữ quyền kiểm soát và quyền sở hữu.

Không điểm tin cậy và không cần cấp phép: Những người ủng hộ chuẩn Web 3.0 thường mô tả đây như một mạng Internet "không điểm tin cậy" (tức là người dùng không cần phụ thuộc vào một số ít các công ty Internet lớn khi hoạt động hay giao dịch trực tuyến) và không cần cấp phép (có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể tham gia mà không cần sự cho phép của tổ chức kiểm soát). Do đó, các ứng dụng Web 3.0 sẽ chạy trên các chuỗi khối hoặc mạng ngang hàng phi tập trung hoặc kết hợp.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học: Trong Web 3.0, máy tính sẽ có thể hiểu thông tin tương tự như con người, thông qua các công nghệ dựa trên khái niệm Web ngữ nghĩa và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Web 3.0 cũng sẽ sử dụng máy học, là một nhánh của trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng dữ liệu và thuật toán để bắt chước cách con người học, dần dần cải thiện độ chính xác của nó. Những khả năng này sẽ cho phép máy tính tạo ra kết quả nhanh hơn và phù hợp hơn trong một loạt các lĩnh vực như phát triển thuốc và vật liệu mới.

Khả năng kết nối và phổ biến: Với Web 3.0, thông tin và nội dung được kết nối nhiều hơn và phổ biến hơn, được truy cập bởi nhiều ứng dụng và với số lượng ngày càng tăng các thiết bị hàng ngày được kết nối với web, IoT (Internet of Things) là một ví dụ như thế.

Web 3.0 - Bước ngoặt cho các doanh nghiệp trong vũ trụ kỹ thuật số  - Ảnh 1.

Quá trình phát triển của tương tác kỹ thuật số (Nguồn: Deloitte analysis) [1]

Tiềm năng và cạm bẫy của Web 3.0

Web 3.0 có tiềm năng cung cấp cho người dùng tiện ích lớn hơn nhiều, vượt xa những gì mà Web 2.0 cung cấp như phương tiện truyền thông xã hội, phát trực tuyến và mua sắm trực tuyến. Các khả năng như Web ngữ nghĩa, AI và máy học, là cốt lõi của Web 3.0, có thể ứng dụng trong các lĩnh vực mới và cải thiện đáng kể sự tương tác của người dùng.

Các tính năng cốt lõi khác của Web 3.0, như hệ thống phân quyền và không cần cấp phép, cũng sẽ cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát tốt hơn nhiều đối với dữ liệu cá nhân của họ và lợi ích được tạo ra từ việc sử dụng hoặc bán dữ liệu đó. Điều này có thể giúp hạn chế hoạt động khai thác dữ liệu - đề cập đến thông tin được thu thập từ người dùng web mà không có sự đồng ý hoặc bồi thường của họ - và hạn chế các hiệu ứng mạng đã cho phép các gã khổng lồ công nghệ gần như trở thành độc quyền thông qua các hoạt động quảng cáo và tiếp thị.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng thì Web 3.0 cũng tiềm ẩn nhiều cạm bẫy; việc phân quyền cũng mang lại những rủi ro pháp lý và quy định đáng kể. Các vấn đề như tội phạm mạng, ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch, tin giả vốn đã khó kiểm soát thì nay sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong một cấu trúc phi tập trung vì không có nền tảng kiểm soát tập trung. Điều này cũng khiến cho việc quy định và thực thi rất khó khăn; ví dụ: luật của quốc gia nào sẽ áp dụng cho một trang web cụ thể có nội dung được lưu trữ ở nhiều quốc gia trên toàn cầu? Do đó có thể nảy sinh tranh chấp liên quan đến pháp luật của nhiều quốc gia.

Tác động của Web 3.0 đối với các doanh nghiệp

Sự phát triển của công nghệ luôn có những ảnh hưởng sâu sắc đến cách thức hoạt động của các doanh nghiệp (DN); sự mở rộng của Internet dẫn đến sự ra đời của tiếp thị kỹ thuật số. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã thay đổi cách các DN tương tác với khách hàng của họ. Và bây giờ, Web 3.0 được thiết lập để cải tiến cách thức hoạt động của Internet nói chung và nó cũng có những tác động tới các DN. Vậy một DN nên mong đợi điều gì từ nền tảng kế nhiệm của Web 2.0?

Web 3.0 - Bước ngoặt cho các doanh nghiệp trong vũ trụ kỹ thuật số  - Ảnh 2.

Không có sự tham gia của bên thứ ba

Thường thì, các DN nhỏ hiếm khi có đủ nguồn lực để thu thập dữ liệu cho riêng họ, do đó phải nhờ đến các công ty khai thác dữ liệu của bên thứ ba, vì thế rất tốn kém và mức độ chính xác cũng không đảm bảo. Cụ thể có tới 86% các công ty sử dụng dữ liệu của bên thứ ba cho rằng dữ liệu họ nhận được là không chính xác [2]. Và sự thiếu chính xác của dữ liệu sẽ làm tăng thêm chi phí cho các hoạt động liên quan đến dữ liệu. Đây là lý do tại sao dữ liệu "tạp" được cho là ảnh hưởng đến 88% lợi nhuận của một công ty và dẫn đến trung bình một công ty sẽ mất khoảng 12% doanh thu [2].

Blockchain loại bỏ sự tham gia của bên thứ ba. Tương tự, Web 3.0 dự kiến sẽ xóa sổ các công ty môi giới dữ liệu của bên thứ ba bằng cách cho phép kết nối P2P và các hệ thống phi tập trung cho phép các DN kết nối trực tiếp với khách hàng của họ. Bằng cách này, các DN có thể thu thập dữ liệu trực tiếp từ nguồn, miễn phí hoặc với giá thấp hơn so với nguồn cung từ các nhà môi giới dữ liệu. Độ chính xác của dữ liệu, cũng như mức chi phí thấp hơn, có thể xây dựng các các chiến lược tốt hơn, và kết quả là lợi nhuận thu về của DN sẽ cao hơn.

Tăng cường an ninh mạng

An ninh mạng là một trong những mối đe dọa hiện hữu trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Mọi người rất ngại chia sẻ thông tin do những lo ngại về lộ lọt và đánh cắp thông tin. Vì thế, những người ủng hộ Web 3.0 cho rằng thế hệ tiếp theo của Internet sẽ loại bỏ vấn đề này. Vì toàn bộ cơ sở hạ tầng được phân cấp, Web 3.0 không có một điểm yếu nào mà tin tặc có thể khai thác và lấy được thông tin quan trọng. Công nghệ chuỗi khối khiến tội phạm mạng khó xâm nhập vào mạng và giả mạo hoặc đánh cắp thông tin nhạy cảm.

Nâng cao niềm tin của khách hàng

Web 3.0 sẽ loại bỏ các nhà môi giới dữ liệu của bên thứ ba, những người hiếm khi quan tâm đến quyền riêng tư của người tiêu dùng. Các công ty này thường khai thác dữ liệu mà không thông báo cho người dùng và sau đó kiếm tiền từ nó. Khi các DN mua dữ liệu này sẽ khiến khách hàng hoài nghi và không tin tưởng họ. Web 3.0 giải quyết vấn đề này bằng cách loại bỏ các nhà môi giới dữ liệu. Các DN có thể thu thập dữ liệu từ chính khách hàng và thực hiện minh bạch hoạt động tốt hơn. Một khảo sát chỉ ra 94% người mua sắm vẫn trung thành với các công ty hoạt động minh bạch, trong đó 73% sẵn sàng trả giá cao hơn cho các DN luôn minh bạch [3]. Do đó, Web 3.0 có thể cho phép các DN xây dựng và giữ được lòng tin của người dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu đáng kể.

Trải nghiệm khách hàng tốt hơn

Theo một khảo sát của Gartner [4], ngay cả khi có sẵn dữ liệu thì vẫn có tới 63% các nhà tiếp thị kỹ thuật số tiếp tục phải đối mặt với việc phát triển những trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Web 3.0 có thể giải quyết vấn đề này với dữ liệu sẵn có dễ dàng. Nó có thể giúp các nhà tiếp thị có được dữ liệu khách hàng quan trọng mà không gây phiền toái gì. Và nếu được sử dụng đúng cách, dữ liệu này sau đó có thể giúp mang lại trải nghiệm được cá nhân hóa hơn mà người dùng mong muốn. Vì 48% người mua có xu hướng hướng tới các DN cá nhân hóa thông tin liên lạc của họ [5], nên điều này có thể cải thiện khả năng thu hút khách hàng quay trở lại và kết quả là mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho DN.

Cải tiến chuỗi cung ứng

Công nghệ blockchain, xương sống của Web 3.0, sẽ hỗ trợ phân phối dữ liệu trên tất cả các nút có trong mạng. Điều này giúp loại bỏ các hệ thống thông tin khép kín, không liên kết với hệ thống khác và nâng cao tính minh bạch của dữ liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Một khi các chuỗi cung ứng minh bạch hơn, các DN có thể giảm chi phí liên quan và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng do tăng khả năng truy xuất nguồn gốc.

Kết luận

Để hình dung đầy đủ về Web 3.0, chúng ta hãy so sánh với việc xem một bộ phim. Nếu Web 1.0 đại diện cho thời đại phim đen trắng, thì Web 2.0 sẽ là thời đại của màu sắc/3D cơ bản, trong khi Web 3.0 sẽ là trải nghiệm nhập vai trong vũ trụ số (metaverse).

Vẫn biết rằng, kiến trúc hạ tầng cho Web 3.0 phức tạp hơn nhiều so với Web 2.0 và Web 3.0 mới đang trong giai đoạn hình thành sơ khai cũng như còn nhiều thách thức khác nữa. Và để phát triển một mạng Internet thực sự phi tập trung cần một chặng đường dài. Tuy nhiên, với những tính năng vượt trội của Web 3.0 nói chung và những tiềm năng mang lại cho các DN nói riêng, thì việc tìm hiểu về Web 3.0 ngay bây giờ là cần thiết để lập kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng chuyển đổi sang thế hệ Internet mới này.

Để thay lời kết, xin trích dẫn nhận định của ông Nicholas Soong, Giám đốc Phát triển Hệ sinh thái OKX Chain, khu vựccChâu Á - Thái Bình Dương tại phiên thảo luận "Tối ưu hóa sức mạnh blockchain trong DN" trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Blockchain Summit 2022 diễn ra mới đây: "Ứng dụng Web 3.0 chính là tương lai. Nhưng giai đoạn chuyển giao này không thể diễn ra chỉ trong một đêm"./.

Tài liệu tham khảo

1. https://www2.deloitte.com

2. https://www.entrepreneur.com

3. https://www.linkedin.com/

4.https://www.gartner.com/

5. https://convertrank.com/buyer-persona/

6. Một số trang web khác: https://dotinum.com, https://www.investopedia.com; https://www.dw.com/; https://dotinum.com/blog/; https://www.finextra.com; https://ictnews.vietnamnet.vn.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Web 3.0 - Bước ngoặt cho các doanh nghiệp trong vũ trụ kỹ thuật số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO