Khu vực Đông Nam Á có số ca nhiễm nhỏ so với các nước Mỹ, Ý hoặc Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, khi đại dịch bắt đầu càn quét qua hàng triệu người nghèo đang sống trong các khu ổ chuột trên khắp các nước ASEAN.
WHO kêu gọi ASEAN bảo vệ nhóm người yếu thế trước dịch Covid-19. (Ảnh: AFP)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi chính phủ các nước ASEAN cần thực hiện các hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Dịch Covid-19 đang tác động lớn đến cộng đồng người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương ở các quốc gia ASEAN.
Tại Thái Lan, các công trình, các khu chung cư và văn phòng cao tầng vẫn được xây dựng trong bối cảnh đất nước bị phong tỏa một phần đã khiến hàng trăm công nhân xây dựng bị mắc bệnh. Hầu hết trong số họ không được trang bị khẩu trang, thuốc khử trùng tay và không thể tiếp cận các thông tin về dịch bệnh.
Singapore cũng là nước có nhiều lao động nhập cư. So với những công dân được chính phủ cấp khẩu trang miễn phí và thuốc khử trùng tay thì người lao động nhập cư phải dựa vào các nhóm xã hội cộng đồng.
Họ sống trong các khu ký túc xá dành cho người nhập cư với mật độ đông đúc, thiếu vệ sinh và rất ít thông tin về dịch bệnh. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong nhóm này là rất cao.
Hay tại Philippines, lệnh phong tỏa Malina trong vòng một tháng được thông báo một cách bất ngờ đã gây hoang mang cho hàng triệu người dân. Đặc biệt, một số người dân trong khu ổ chuột đã lên tiếng rằng họ không nhận được bất kỳ gói thực phẩm hay đồ cứu trợ nào từ chính phủ kể từ khi phong tỏa.
Và lệnh phong tỏa cũng gây ra khó khăn cho khoảng 30 triệu người Indonesia đang sống trong các khu ổ chuột. Hầu hết họ không thể tự bảo vệ mình trước dịch bệnh và được hưởng rất ít quyền lợi về chăm sóc y tế và thất nghiệp.
Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng đối với người nghèo và cộng đồng dễ bị tổn thương ở Đông Nam Á, như người lao động nhập cư, dân tộc thiểu số, người già và người khuyết tật.
Phụ nữ và trẻ em gái cũng phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương khi gánh nặng của công việc chăm sóc người thân đổ dồn lên họ khi các thành viên trong gia đình bị ốm.
Một nhóm người có nguy cơ bị ảnh hưởng khác là những người làm việc không chính thức và bán thời gian, chiếm khoảng 70% lực lượng lao động của ASEAN. Nhiều người làm công ăn lương hàng ngày và sinh kế của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, như lệnh phong tỏa hay hạn chế đi lại trong các khu vực có dịch.
Các quốc gia ASEAN đang nỗ lực thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. (Ảnh: TTXVN)
Mặc dù hiện nay chính phủ các quốc gia ASEAN đang tập trung vào việc làm chậm sự lây lan của Covid-19, nhưng điều quan trọng không kém chính là tăng cường bảo trợ xã hội cho những người yếu thế trong khu vực.
Chính phủ các nước ASEAN cần phải nhanh chóng đầu tư vào việc củng cố và mở rộng các hệ thống bảo trợ xã hội và mở rộng khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, nước và vệ sinh.
Có như vậy, ASEAN mới có thể có cơ hội giảm thiểu thiệt hại từ Covid-19, đặc biệt giảm thiểu tác động đối với các nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương trong khu vực.