Xác thực qua số điện thoại giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng MXH
Việc quy định xác thực mạng xã hội (MXH) thông qua số điện thoại di động (ĐTDĐ) tương tự với các MXH như Facebook, Tiktok… Đồng thời sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm khi chia sẻ thông tin trên mạng.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) chía sẻ tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 8/8.
Phù hợp với quy định hiện nay của các MXH và thông lệ quốc tế
Về nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP có quy định xác thực tài khoản MXH bằng số điện thoại, theo bà Huyền, việc sử dụng MXH đang có 3 hình thức xác thực chính bao gồm email, số điện thoại hoặc chứng minh thư/căn cước công dân (CCCD).
Trong đó, phổ biến nhất là xác thực qua email và số điện thoại. Hiện nay, mạng xã hội trong nước hay xuyên biên giới cũng đều sử dụng 2 hình thức này.
Trên cơ sở đó, xuất phát từ thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013, Ban soạn thảo nhận thấy rằng cần phải tham mưu, bổ sung các quy định để xác thực người dùng thông qua số điện thoại di động (ĐTDĐ).
Bởi vì, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng, nhất là trong thời gian gần đây, Cục liên tục nhận được các yêu cầu xác minh tài khoản trên MXH từ các cơ quan điều tra trong những vụ lừa đảo ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
“Xuất phát từ nhu cầu quản lý thực tế cũng như của người dân cần phải quản lý chặt các tài khoản MXH. Vì vậy, Cục đã đề xuất cần phải có các quy định xác thực người dùng, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm”, bà Huyền cho biết thêm.
Ngoài ra, MXH hiện nay có sức ảnh hưởng lớn và lan toả nhanh nên cần phải xác thực người dùng. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng khi cung cấp thông tin trên MXH.
Bên cạnh đó, việc bổ sung xác thực thông tin người dùng thông qua số ĐTDĐ phù hợp với các quy định hiện hành được quy định tại Luật An ninh mạng.
Cụ thể, tại khoản a, mục 2, điều 26 đã quy định doanh nghiệp (DN) trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
“Đây cũng là cơ sở pháp lý để Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đưa ra quy định này”, bà Huyền bày tỏ.
Cuối cùng, hiện nay, người dùng đang có xu hướng chuyển dịch từ máy tính sang ĐTDĐ. Do đó, cũng cần phải thay đổi phương thức xác thực từ email trước đây sang số ĐTDĐ, giống như các MXH trong và ngoài nước thực hiện, để thuận tiện hơn. Điều này dẫn đến việc xác thực qua số điện thoại trở nên khả thi hơn.
“Một số nước như Trung Quốc cũng yêu cầu xác thực thông qua ID người dùng – tương tự CCCD Việt Nam, hay Nga cũng yêu cầu xác thực qua số điện thoại…”, bà Huyền dẫn chứng.
Biện pháp khẩn cấp giúp hạn chế các nội dung live streaming vi phạm pháp luật
Theo bà Huyền, gần đây, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tính năng live streaming trên MXH để tuyên truyền chống phá nhà nước, kêu gọi biểu tình, hay xúc phạm uy tín, danh dự của các cá nhân khác…
Do đó, để tăng cường việc xử lý đối với những cá nhân, tổ chức lợi dụng Internet này, ban soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã đề xuất bổ sung thêm phương pháp để xử lý nhanh đối với các đối tượng sử dụng livestreaming vì thường bất ngờ diễn ra.
Chưa kể, những nội dung này khi cung cấp, đăng tải thì rất khó để kiểm soát được vi phạm ở mức nào. Vì vậy, những quy định được đưa vào dự thảo để có thể xử lý nhanh thông qua việc ngừng cung cấp dịch vụ đối với những thuê bao tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
“Những quy định này mang tính chất bổ sung, dù chưa thực sự triệt để. Tuy nhiên, nó là những biện pháp mạnh mang tính khẩn cấp và cần thiết để hạn chế việc cung cấp các nội dung vi phạm trong một số tình huống”, bà Huyền cho biết thêm.
Hiện nay, ban soạn thảo đang lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở thống nhất các quy định, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các DN cung cấp Internet để xây dựng quy trình triển khai.
Còn về các quy định quản lý live streaming khác, do đây là một tính năng đang được phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhất là khi bán hàng online hay quảng cáo. Vì vậy, về nguyên tắc, các cá nhân, tổ chức khi thực hiện live streaming sẽ phải tuân thủ các quy định khi cung cấp nội dung trên môi trường mạng cũng như quy định chuyên ngành khác như thương mại điện tử, quảng cáo…
Trước câu hỏi về những clip dàn dựng (nhưng không nói rõ là dàn dựng) chứa những thông tin tiêu cực, vi phạm pháp luật …, theo Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, Cục sẽ có xem xét và đánh giá xem có vi phạm hay không, nếu có sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Còn trước những clip có nội dung không mang tính tích cực nhưng cũng chưa đến mức ảnh hưởng đến cộng động thì sẽ nghiên cứu, đánh giá và có hướng xử lý phù hợp trong thời gian tới.
Ngoài ra, bà Huyền cũng mong muốn các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông sẽ có những phát hiện, cảnh báo các nội dung trên mạng xã hội có ảnh hưởng đến cộng động người sử dụng như trong thời gian vừa qua.
Từ ngày 1 - 24/7/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%). Google đã gỡ 1.052 video vi phạm trên Youtube (đạt tỷ lệ đáp ứng 91%). TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%)./.