Chuyển đổi số

Xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt Nam

Nguyễn Nhàn 08:05 21/11/2024

Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp là một công cụ quan trọng giúp quản lý và xử lý thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Việc xây dựng và duy trì một cơ sở dữ liệu (CSDL) hiệu quả không chỉ giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn hỗ trợ các nhà nghiên cứu và quản lý trong việc đưa ra quyết định chiến lược.

Cần xây dựng CSDL ngành nông nghiệp

Trong ngành nông nghiệp, thông tin không chỉ quan trọng cho nhà nông mà còn cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Thông tin không chính xác có thể dẫn đến những quyết định sai lầm và thiếu hiệu quả trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy hải sản.

Tuy nhiên, thông tin ngành nông nghiệp hiện nay đang bị phân tán trên nhiều nguồn khác nhau, gây khó khăn cho người dùng trong việc tiếp cận và tìm kiếm, cản trở quá trình trao đổi thông tin, giao lưu kinh nghiệm và cập nhật xu hướng mới trong ngành.

51554fa909da54439a06103e79d97753.jpg
Việc đầu tiên cần làm của chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xây dựng CSDL. Ảnh Internet

Tháng 5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp”. Phát biểu tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Ngành nông nghiệp là ngành nhiều dữ liệu nhất nhưng thu thập được ít dữ liệu nhất hiện nay. Vì vậy dẫn đến nhiều khó khăn”.

Với quan điểm không có dữ liệu không có chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh việc đầu tiên cần làm của chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xây dựng CSDL. Điều này phải đặt dưới sự chỉ đạo xây dựng của Bộ NN&PTNT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số của ngành nông nghiệp sẽ cho phép lao động nông nghiệp giảm được tới 23% chi phí. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số (CNS), nhất là GPS, giảm được chi phí tới 14%. Dùng CNS để bón phân tuỳ biến theo từng loại cây trồng thì tiết kiệm được tới 12%. Lái xe tự động trong nông nghiệp cũng giúp giảm tới 13% chi phí.

Nhiều giải pháp được triển khai

Hiện nay, hệ thống Quản lý CSDL ngành NN&PTNT do Tập đoàn VNPT xây dựng và triển khai trên các nền tảng Web. Với giao diện thân thiện và dễ sử dụng, đầy đủ các chức năng về quản lý, thu thập, lưu trữ, xử lý và truy cập thông tin liên quan đến các hoạt động NN&PTNT.

Tại diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II diễn ra vào giữa tháng 11/2024, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đã có bài tham luận quan trọng về "Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu".

Theo đó, Tập đoàn VNPT đã xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp thông minh - VNPT Green toàn diện, kết hợp giữa các giải pháp nông nghiệp thông minh và công nghệ mới, giúp nông dân giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sản xuất.

resize_vnpt-aims.jpg
Hệ thống quản lý thông tin ngành nông nghiệp (AIMS). Ảnh VNPT

Thông qua việc áp dụng IoT và phân tích dữ liệu hiện đại, VNPT Green không chỉ giúp dự báo tình hình sản xuất, mà còn giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu một cách chủ động. Hiện tại, VNPT Green đã được thử nghiệm ở 8 tỉnh, thành phố và sẽ tiếp tục được “tinh chỉnh”, hoàn thiện hơn nhờ các tri thức thu nhận từ quá trình vận hành thực tiễn.

Bên cạnh đó, như một phần ứng dụng của hệ sinh thái này, VNPT cũng cung cấp CSDL nông nghiệp cho chính quyền địa phương để phục vụ sử dụng các dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực nông nghiệp tại hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, để tạo dựng ngành nông nghiệp thông minh bên vững, ông Ngô Diên Hy cũng đề xuất cần phải xây dựng bộ chỉ số nông nghiệp thông minh (CSA) phù hợp với điều kiện Việt Nam, nghiên cứu các chỉ số của Ngân hàng Thế giới (WB) và áp dụng chúng vào các mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp; xây dựng bộ khung công nghệ và cách đánh giá, hướng dẫn triển khai CSA; Thí điểm, điều chỉnh và nhân rộng áp dụng CSA cho các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp.

Định hướng đến 2025, nếu được đưa vào sử dụng rộng rãi, nền tảng cốt lõi hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT sẽ kết nối với các hệ thống thông tin chính phủ nông nghiệp số nhằm hỗ trợ phía chính quyền điều phối, giám sát, cấp phát mã số vùng nuôi/trồng, quản lý sâu bệnh dịch hại, truy xuất nguồn gốc. Như vậy, việc triển khai hệ sinh thái nông nghiệp số sẽ tự động hình thành dữ liệu xã hội nông nghiệp, mang lại những giá trị về chất lượng, kinh tế cho các bên tham gia nền tảng.

Tỉnh Đồng Tháp - một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số ngành nông nghiệp đã phát triển và vận hành thử nghiệm nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp từ tháng 5/2023 và dần tiến đến tích hợp các thiết bị IoT vào tất cả hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động, quản lý tất cả hoạt động với công cụ số, quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số dựa trên nền tảng thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn hướng đến tự động hóa trong thu thập.

Nền tảng được triển khai tại Đồng Tháp là nền tảng mở, có thể đồng bộ với các phần mềm liên quan khi cần. Đến nay, nền tảng đã tích hợp được 100% diện tích/số liệu thống kê ngành NN&PTNT; số hóa quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát, quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm; tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến canh tác thông minh bền vững.

Được biết, sau khi được Bộ NN&PTNT chấp nhận, nền tảng sẽ được đề xuất ban hành tiêu chí để áp dụng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế lân cận, tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận và thuê sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin. Theo kế hoạch, Hệ sinh thái nông nghiệp số tỉnh Đồng Tháp sẽ sớm được đưa vào vận hành chính thức tại tỉnh, sau đó nhân rộng trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tiến trình chuyển đổi số ngành NN&PTNT đang diễn ra mạnh mẽ, nền tảng này không những đóng vai trò là một bộ công cụ hữu ích cho ngành nông nghiệp mà còn hỗ trợ đắc lực nông dân và các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí, nguồn lực, tạo ra nhiều giá trị gia tăng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam đảm bảo không gián đoạn dịch vụ khi thay đổi địa giới hành chính
    Bưu điện Việt Nam đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để đảm bảo dịch vụ không gián đoạn, người dân không bị ảnh hưởng và không phát sinh thêm chi phí trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính từ ngày 1/7/2025.
  • AI có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp
    Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp hàng năm đến năm 2050. Điều này đã được Deloitte Toàn cầu đưa ra trong báo cáo mới đây.
  • AI lõi "Make in Viet Nam" được xếp hạng Top 12 thế giới
    Trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi AI tại Việt Nam đang diễn ra, công nghệ OCR (Nhận dạng ký tự quang học) ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc số hóa tài liệu, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị.
  • Làm sao để tăng hiệu quả bảo mật môi trường đa đám mây?
    Khi cuộc tranh luận về việc nên triển khai hệ thống máy chủ tại chỗ hay trên đám mây đã dần lắng xuống, doanh nghiệp (DN) giờ đây lại phải đối mặt với một bài toán khác khó khăn hơn: làm thế nào để bảo mật hiệu quả môi trường đa đám mây (multicloud)?
  • Cỗ máy gia tốc từ Nghị quyết 57: Một bài học sống động
    Sau nửa năm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (2/1/2025 – 29/6/2025), CT Group đã tổ chức Lễ Sơ kết 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW với hàng loạt sản phẩm hoàn thiện rất phong phú từ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số đến Đổi mới sáng tạo. Thành tựu đạt được chính là minh chứng sống động cho khát vọng làm chủ công nghệ lõi, tạo lực đẩy đột phá và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng vị thế quốc gia trên tiến trình hội nhập, vì một Việt Nam hùng cường.
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO