Đây là quan điểm được nhấn mạnh tại hội thảo Cơ sở hạ tầng số phục vụ Chính phủ số, do Viện Chiến lược TT&TT– Bộ TT&TT vừa tổ chức ngày 27/8 tại Hà Nội.
Hạ tầng số: Nền tảng của phát triển kinh tế số, xã hội số
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh: Việc phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng số quốc gia đồng bộ, hiện đại phục vụ chính phủ số là xu hướng phát triển của thế giới nói chung và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 749QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Giải pháp quan trọng của Chương trình được đặt ra là tập trung là phát triển hạ tầng số, nền tảng của phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết: Theo Bộ TT&TT, hạ tầng số là hạ tầng viễn thông cộng thêm nền tảng điện toán đám mây. Việt Nam phải làm chủ được hạ tầng số.
Hạ tầng số phục vụ Chính phủ số là một thành phần quan trọng trong Quy hoạch hạ tầng TT&&TT. Các thành phần của hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được đảm bảo bởi pháp luật.
Xây dựng hạ tầng số là việc cần kiên trì, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ trung ương đến địa phương. Phải có khung pháp lý cho hạ tầng số (luật về dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân). Việc xây dựng hạ tầng số cần phải được nâng cao nhận thức và tập trung xây dựng hạ tầng số, coi đây là các nhiệm vụ hàng đầu trong thời chuyển đổi số. Đây là 2 nhiệm vụ trong Quyết định 749/QĐ-TTg về chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Phát triển hạ tầng số hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh ở Bắc Ninh
Giới thiệu giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng cho chính quyền số tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Minh Vũ - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Tỉnh Bắc Ninh tập trung xây dựng chính quyền số, hướng tới đô thị thông minh (ĐTTM) theo quan điểm tập trung, ứng dụng dùng chung để bảo đảm khả năng tích hợp, chia sẻ và quản lý, vận hành hiệu quả.
Tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng số trên nền tảng dự liệu và đảm bảo kết nối, an toàn, hiệu quả, không trùng lặp.
Cụ thể, theo ông Vũ, Bắc Ninh phát triển hạ tầng mạng bảo đảm khả năng kết nối cho các cơ quan và hệ thống thiết bị IoT; bảo đảm năng lực tính toán, xử lý, lưu trữ, bảo mật... của Trung tâm dữ liệu của tỉnh; mở rộng các nguồn dữ liệu thời gian thực hữu ích cho hoạt động quản lý của chính quyền. Các nền tảng tích hợp, thu thập và phân tích dữ liệu phù hợp với nhu cầu thiết yếu của xã hội. Tỉnh cũng tập trung nhân lực CNTT tại Sở TT&TT để hỗ trợ các cơ quan chuyển đổi số.
Bắc Ninh đã thực hiện dự án thí điểm lắp camera giám sát, với tổng số camera phân loại theo vị trí lắp là 296 camera, trong đó: Camera lắp trụ sở cơ quan nhà nước (177 chiếc), khu vực công cộng (28 chiếc), các trường học (18 chiếc), các điểm nút giao thông công cộng (73 chiếc). Nhờ đó góp phần xử phạt hàng nghìn trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng, đồng thời cải thiện ý thức tham gia giao thông của người dân.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai định hướng lắp đặt camera giai đoạn II, từ đó rút kinh nghiệm từ dự án thí điểm để định hướng và lập kế hoạch triển khai dự án trọng điểm của tỉnh. Dự kiến trong giai đoạn II này sẽ có 3200 camera được lắp tại 1039 vị trí.
Như vậy, việc xây dựng chính quyền số, hướng tới xây dựng ĐTTM của Bắc Ninh đã được xác định rất cụ thể, nhất là trong việc xây dựng hạ tầng số - xác định rõ hạ tầng phải đi trước một bước nhưng không quá hai bước và nhờ có việc triển khai tăng cường hệ thống công nghệ camera, đã cho thấy tỉnh đã chủ động trong tâm thế "số", thay đổi "số" để phát triển.
Xây dựng khung tham chiếu ATTT trong triển khai chính phủ số
Một nội dung cũng được đề cập tại Hội thảo là khung tham chiếu an toàn thông tin (ATTT) cho chính phủ số. Ông Trần Mạnh Thắng, Cục ATTT cho biết: Đây là nội dung quan trọng, một nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng, triển khai chính phủ số. Bởi lẽ khi xây dựng, hoàn thiện được được bộ khung chuẩn sẽ đảm bảo nguyên tắc vận hành Chính phủ số.
Theo đại diện Cục ATTTT, việc đảm bảo ATTT cho Chính phủ số gồm cần tập trung vào 05 mô hình như: Tổ chức "04 lớp" bảo đảm ATTT; tham chiếu về biện pháp quản lý ATTT; tham chiếu phương án kỹ thuật bảo đảm ATTT; tham chiếu về giải pháp và công nghệ; tham chiếu Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng.
Cụ thể, với mô hình tổ chức "04 lớp" bảo đảm ATTT phải đảm bảo: Người đứng đầu trực tiếp quan tâm, chỉ đạo công tác an toàn, an ninh mạng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiện toàn đầu mối đơn vị chuyên trách về ATTT mạng; thành lập Bộ phận chuyên trách về ATTT/Đội Ứng cứu sự cố ATTT mạng; đăng ký tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia.
Đối với mô hình tham chiếu về biện pháp quản lý ATTT cần thực hiện: Thiết lập chính sách ATTT; tổ chức đảm bảo ATTT; đảm bảo nguồn nhân lực; quản lý thiết kế xây dựng hệ thống; quản lý vận hành.
Đối với mô hình tham chiếu phương án kỹ thuật nhấn mạnh tới việc bảo đảm an toàn như: mạng; máy chủ; ứng dụng; dữ liệu.
Đặc biệt, với mô hình tham chiếu về giải pháp và công nghệ, cần tập trung đến 07 sản phẩm, 01 giải pháp nhóm như: an toàn cho thiết bị đầu cuối; an toàn lớp mạng; an toàn lớp ứng dụng; bảo vệ dữ liệu; trình duyệt; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; nền tảng điện toán đám mây và giải pháp định hướng phát triển theo hình thức cung cấp dịch vụ.
Cuối cùng là nhóm mô hình tham chiếu Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng cần thiết phải tạo dựng vòng tròn tuần hoàn khép kín trong đó hợp thành 03 yếu tố bổ trợ giữa con người - quy trình - công nghệ.
Trong đó, công nghệ là các phương án, giải pháp kỹ thuật được sử dụng để bảo đảm việc giám sát ATTT đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và tính hiệu quả. Quy trình là những quy định trong quy chế, chính sách bảo đảm ATTT của cơ quan, tổ chức được xây dựng để phục vụ việc quản lý, vận hành hệ thống an toàn. Con người là việc tổ chức nhân sự cán bộ chuyên trách, chuyên gia và các đội ngũ khác (nếu có) để vận hành quản lý hệ thống SOC và các thành phần liên quan.
Ngoài ra, đại diện Cục ATTT cho rằng để đảm bảo ATTT cho hệ thống thông tin phục vụ phát triển CPĐT cần phải đẩy mạnh việc xây dựng phương án ứng cứu sự cố ATTT mạng, phòng, chống phần mềm độc hại.
"Cần phải tổ chức theo dõi, thống kê chỉ số lây nhiễm mã độc trên các thiết bị đầu cuối, các hệ thống thông tin trong phạm vi bộ, ngành, địa phương mình, định kỳ hàng quý báo cáo về Bộ TT&TT; đăng ký đầy đủ với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Cục ATTT các dải địa chỉ IP public của các hệ thống thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước phục vụ việc theo dõi, cảnh báo các kết nối bất thường, độc hại; tuân thủ yêu cầu báo cáo, yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Cục ATTT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT", đại diện Cục ATTT nhấn mạnh.