Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật
Để đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế hải quan, Tổng cục Hải quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. Theo đó, Hải quan tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; định hướng CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ; tháo gỡ vướng mắc phát sinh; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong thời kỳ phòng chống dịch COVID-19.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Tổng cục đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 16 văn bản QPPL (gồm 01 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 04 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 09 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính), đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn bản QPPL quan trọng khác.
Cơ quan Hải quan thường xuyên công khai thủ tục hành chính (TTHC); duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp (DN); giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, DN; thường xuyên đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật, hạn chế vướng mắc, khiếu kiện.
Thường xuyên đẩy mạnh cải cách TTHC
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách TTHC. Trong năm 2020 và 2021, đã nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 5% số quy định và 5% chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; Đề xuất bãi bỏ bản sao giấy chứng minh nhân dân của 02 TTHC tại Thông tư số 22/2019/TT-BTC ngày 16/4/2019 của Bộ Tài chính theo Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư;
Trình ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 19/29 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 22/52 thành phần hồ sơ của các thủ tục công nhận kho, bãi, cảng, cửa hàng miễn thuế;
Thường xuyên thực hiện tốt hoạt động đánh giá tác động của TTHC trong quá trình xây dựng văn bản QPPL góp phần quan trọng bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của quy định về TTHC; Công khai TTHC thường xuyên, kịp thời để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin về TTHC của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm soát TTHC trong toàn Ngành.
Tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng Hải quan số tiến tới mô hình Hải quan thông minh
Cơ quan Hải quan đã xây dựng và vận hành hiệu quả một số hệ thống CNTT quan trọng để phục vụ thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan tự động. Đến nay, các thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) với 100% đơn vị Hải quan trên phạm vi toàn quốc thực hiện, hơn 99% DN tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây.
Tổng cục Hải quan đã ký kết với 44 ngân hàng để phối hợp thu thuế điển tử, số thu đạt khoảng 99,8% số thu ngân sách toàn Ngành; Triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 91% tổng số dịch vụ công; Đã tích hợp 98 TTHC lên lên Cổng DVC quốc gia. Đến nay đã có 259 TTHC của 13 Bộ, ngành kết nối, thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia với hơn 50.000 DN tham gia; Đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN. Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với 495 DN kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lưu lượng hàng hóa lưu thông giữa các quốc gia ngày càng gia tăng; Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các yêu cầu hội nhập toàn diện; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng Hải quan số tiến tới mô hình Hải quan thông minh. Mô hình Hải quan thông minh sẽ có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, DN.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng hệ thống CNTT mới thông qua hình thức thuê dịch vụ CNTT nhằm khắc phục nhược điểm của các hệ thống CNTT hiện hành. Toàn bộ giao dịch được hệ thống mới xử lý theo cách thức thống nhất, đảm bảo áp dụng nhất quán các quy định pháp luật trong nước và đối xử ngang bằng với tất cả các đối tác thương mại. Dự kiến trong 5 năm tới, 92.000 DN XNK, kinh doanh kho, bãi, cảng khi sử dụng hệ thống CNTT mới của Hải quan sẽ tiết kiệm khoảng 920 tỷ đồng, được khai báo thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ.
Cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành
Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019, Tổng cục Hải quan tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt đề án "Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu". Trên cơ sở đó, từ năm 2021, Tổng cục Hải quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, cơ quan Hải quan là đơn vị vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN); các tổ chức được Bộ, ngành chỉ định thực hiện thủ tục KTCN; cơ quan Hải quan chỉ thực hiện phương thức kiểm tra giảm đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Với vai trò cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ điều phối các hoạt động cải cách KTCN của các Bộ, ngành theo kế hoạch của Uỷ ban; Thường xuyên chủ động rà soát các quy định pháp luật về KTCN để kiến nghị các Bộ, ngành xem xét xử lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN; Triển khai rà soát chuyển đổi mã số HS đối với danh mục hàng hoá thuộc diện KTCN.
Tăng cường công tác điều tra chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra
Để ứng phó kịp thời với các hành vi vi phạm pháp luật hải quan nhất là trong thời kỳ dịch bệnh; tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, Tổng cục Hải quan tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; Làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa; Tập trung kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vận chuyển khẩu trang y tế, vật tư y tế, vũ khí và đạn dược trái phép qua biên giới; Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới.
Tổng cục Hải quan tập trung phân tích, xác định trọng điểm, lựa chọn các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, nghi vấn, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát trực tuyến qua hệ thống camera giám sát, hệ thống seal định vị điện tử, cân điện tử, máy soi container… qua đó đã phát hiện nhiều lô hàng nhập khẩu là hàng cấm; xuất khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, nhập khẩu hàng hóa không khai báo; khai báo sai số lượng, chủng loại, mã số, thuế suất để gian lận số tiền thuế phải nộp, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... Cơ quan Hải quan đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời chấn chỉnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, thủ tục còn sơ hở, vướng mắc.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ khoảng 23.000 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 6.700 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 20.000 vụ, thu nộp ngân sách khoảng 500 tỷ đồng; khởi tố 28 vụ, kiến nghị khởi tố 230 vụ; thực hiện 235 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị truy thu khoảng 320 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 280 tỷ đồng; tiến hành 2.400 cuộc kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Chủ động ứng phó kịp thời, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng và diễn biến hết sức phức tạp, Tổng cục Hải quan đã chủ động thực hiện các giải pháp để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021; Chỉ đạo các Chi cục Hải quan trong cả nước triển khai thông quan nhanh hàng hóa viện trợ, biếu, tặng phục vụ công tác phòng chống dịch theo cơ chế thông quan hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; Giải quyết cho DN được nộp bản sao scan (quét) có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy; Bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thông quan liên tục, kịp thời, an toàn trong giai đoạn thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Cơ quan Hải quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm do các tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam và ngược lại hoặc do các DN Việt Nam nhập khẩu để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Tổng cục Hải quan đã đề xuất giao Bộ Y tế, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố (thay cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa được tài trợ phục vụ phòng chống dịch, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại. Từ năm 2021 đến nay, cơ quan Hải quan trong cả nước đã quyết định miễn, giảm, không thu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống dịch hàng chục tỷ đồng.
Để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN, trong giai đoạn 2021 - 2030, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường XNK minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Hải quan xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu phục vụ./.