Nữ học giả Jeanette D. Snowball (Đại học Rhoder University, Nam Phi) trong cuốn sách của mình đã nhận xét ngay trong phần mở đầu rằng: "Nhận thức về giá trị của văn hóa trong xã hội kể cả giá trị sản phẩm văn hóa ngày càng được nghiên cứu, phân tích sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới" (1).
Tại sao trên thế giới có nước giàu lại có nước nghèo; có nước thương hiệu quốc gia rất uy tín, có nước vượt qua khoảng cách số, chuyển đổi số (CĐS) thành công, có nước vẫn lạc hậu, văn hóa trì trệ, khó vươn lên…? Có nhiều lý do, nguyên nhân và có lý do liên quan đến việc xây dựng và tôn trọng hệ giá trị văn hóa của quốc gia đó. Vậy hệ giá trị văn hóa là gì?
Có khá nhiều định nghĩa về giá trị: "Giá trị là quan niệm về điều mong muốn đặc trưng hiện hay ẩn cho một cá nhân hay một nhóm và ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương thức, phương tiện hoặc mục tiêu của hành động" (2).
Hệ giá trị của một nền văn hóa phải dựa trên nền tảng những căn tính, tính cách dân tộc, truyền thống, cội nguồn văn hóa lâu đời của dân tộc, tầm vóc văn hóa của dân tộc đó. Hệ giá trị văn hóa gắn bó mật thiết với văn hóa chính trị quốc gia, tập quán kinh tế, lối ứng xử văn hóa trong xã hội; lý tưởng sống, nhân sinh quan, thế giới quan của tầng lớp có vị thế xã hội, đảm nhận chức năng dẫn đạo trong xã hội. Nó cũng liên quan đến luân lý, đạo đức nhà nước và gia đình, mà như Hêghen từng quan niệm: Nếu luân lý nhà nước, luân lý gia đình bị xuống cấp thì xã hội đang suy thoái.
Hệ giá trị văn hóa có thể biến đổi do thời thế, xã hội thay đổi, nhưng thời nào mà các tiêu chí tốt đẹp của hệ giá trị nào được tôn trọng, làm lẽ sống của mọi người từ lãnh đạo đến công dân thường thì chắc thời đó là thịnh trị. Ngược lại, nếu người ta thay các tiêu chí tốt, đúng của hệ giá trị cũ bằng tiêu chí mới nhưng không khả dụng (chưa nói là sai, không dẫn đạo xã hội) thì thời đó đang có vấn đề hoặc gặp thách thức phải giải quyết sớm… Vì thế, có quốc gia thấy giá trị quan truyền thống theo thời gian đã cũ nhưng vẫn tồn tại trong hồn cốt tinh thần dân tộc và mang lại hiệu quả phát triển kể cả trong thời đại số hóa, công nghiệp 4.0 thì cứ tiếp tục duy trì, cổ vũ với hình thức mới phù hợp thực tại.
Ví dụ tiêu chí cao thượng, trọng danh dự, kỷ luật cao trong hệ giá trị văn hóa võ sĩ đạo - Samurai Nhật hiện nay vẫn được nước Nhật, được xã hội tôn sùng là một trong những kinh nghiệm cần học tập trong việc duy trì các tiêu chí hay của hệ giá trị văn hóa cũ. Một số tiêu chí của hệ giá trị văn hóa Nho giáo được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất ưa chuộng. Trong 5 tiêu chí của quân tử: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và 4 điều tâm niệm của kẻ sĩ: Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa được Bác thu gọn thành Nhân, Trí, Dũng, Liêm và Bác nêu thành yêu cầu rèn luyện của cán bộ.
Khái quát về hệ giá trị văn hóa một số nước và của Việt Nam
Một góc nhìn về hệ giá trị văn hóa Mỹ, Hàn, Nhật
Khi xem xét văn hóa Mỹ thì nhiều học giả cho rằng văn hóa nước này là "nồi hầm nhừ" các nền văn hóa nhập cư. Đầu thế kỷ XX, khi châu Âu khủng hoảng, Mỹ là đất hứa. Sau chiến tranh thứ 2, các nước suy sụp, Mỹ trở thành "giấc mơ Mỹ" cho nhiều nơi. Có thể nói là hệ giá trị văn hóa Mỹ thiên về trọng "lòng dũng cảm, tự tin, phiên lưu... sùng bái tự do cá nhân (khẳng định quyền lợi của con người), chủ nghĩa thực dụng, cá nhân phải quyết định lấy số phận của mình. Ai có tài, thành công trong cuộc sống đều được tán đồng" (3).
Tuy còn nhiều mảng tối trong xã hội và thách thức nhưng nước Mỹ khuyến khích sáng tạo, cạnh tranh nhất là các lĩnh vực liên quan kinh tế số, AI, ICT, mạng xã hội, công nghiệp văn hóa hiện đại... Nước Mỹ sử dụng được các kiểu người tài năng có trách nhiệm xã hội nên về mặt nào đấy thì hút được nhân tài từ các quốc gia khác. (Nhiều người nói: Hãy đến châu Âu để nghỉ ngơi, sống an nhàn và đến Mỹ để làm việc, sáng tạo). Ngoài việc một mặt Mỹ trọng hệ giá trị văn hóa Elite - văn hóa tinh hoa trên nền tảng xã hội có cơ chế luôn tạo cơ hội cho mọi người nên công chúng nhiều nước khâm phục, mặt khác nước Mỹ vẫn dung nạp, phát triển văn hóa kiểu đại chúng, nhạc Pop, văn hóa ẩm thực thức ăn nhanh (Bánh McDonald's, Bánh mì Le Sunduch), trang phục quần bò, điện ảnh Holywood; văn hóa tiêu thụ (nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn Mỹ).
Hàn Quốc những năm 50 còn kém miền Nam nước ta nếu so về phát triển nhưng từ khi Làn sóng văn hóa Hàn Quốc khởi động từ đầu những năm 1990 ngày càng mạnh và thành công nhất định vì nhiều lý do, trong đó có việc họ hiểu rằng hệ giá trị văn hóa chỉ có ý nghĩa thực sự khi tính đến kết hợp mấy yếu tố căn bản: Củng cố, quảng bá truyền thống văn hóa nổi trội, nhân văn mang tính nền tảng (Background); Địa lý chính trị (Political Geographic) và địa lý văn hóa (Cultural Geographic); Dùng mũi nhọn kinh tế, khoa học công nghệ hiện đại để tương hỗ văn hóa. Ta biết rõ rằng: một quốc gia muốn phát triển thì phải tích cực giao lưu, hội nhập, cạnh tranh và khi đó thì phải chịu sàng lọc của môi trường khách quan và bản thân chủ quan cũng đòi hỏi tự, tiếp biến, nâng cao, hiểu thời cơ…
Ví dụ, hãng Hyundai ngoài sản xuất tàu biển còn làm ô tô, hiểu địa chính trị nhân lúc người láng giềng khổng lồ Trung Quốc thời mới mở cửa phải bận nhiều việc, Hyundai cùng nhiều hãng khác đã nhắm thị trường Mỹ rộng lớn có hành lang luật rõ, để xuất khẩu ô tô. Tổng giám đốc các hãng dặn các nhân viên chào hàng rằng làm sao mỗi người đi Mỹ phải làm cho Mỹ chấp nhận một mặt hàng của Hãng. Về ô tô phải đảm bảo tiêu chuẩn Mỹ (có điều nếu định dùng cho các thị trường khác phải chú ý khâu nhiên liệu xăng sao cho tiết kiệm, vì chỉ nước Mỹ giàu mới chưa để ý đến tiết kiệm nhiên liệu). Họ biết nếu thị trường Mỹ chấp nhận thì các thị trường khác cũng chấp nhận.
Lẽ đương nhiên sau này nói đến Hàn Quốc bao giờ thường các hãng lớn Hàn Quốc cũng được nêu tên và trở thành một nét của hệ giá trị văn hóa Hàn - làm nên văn hóa thương hiệu quốc gia.
Riêng về văn hóa, Hàn tiếp tục củng cố làm lan tỏa hệ giá trị về điện ảnh (kể cả phim lịch sử dã sử), nhạc Pop, võ Taekwondo Hàn cũng là môn được giới trẻ nhiều nước thích và là môn thi đấu của Olympic. Nước này cũng phát huy truyền thống văn hóa trong thời đại mới: xây dựng quốc gia thông minh, phát triển công nghiệp thông tin cả phần cứng, phần mềm và các dịch vụ đa phương tiện có giá trị cao...
Nhật Bản là nước có nền văn hóa đã nhanh chóng phát triển ngày một đa dạng, đặc biệt là từ sau Cách mạng Duy Tân Minh trị (1868) đến nay. Điều đáng nói là họ phát triển trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống, đặc sắc của chính Nhật Bản và tiếp thu những thành quả tiến bộ của văn hóa nước ngoài (Chủ yếu là tiếp thu tinh hoa văn hóa nói chung, tư tưởng, hệ giá trị văn hóa nói riêng từ Trung Hoa và phương Tây).
Văn hóa Nhật là một nền văn hóa phát triển lấy bản sắc của mình làm cơ sở, nền tảng vững chắc để học hỏi, hỗn dung, tiếp biến, nâng cao; song quá trình tiếp thu các thành tựu, tinh hoa văn hóa nước ngoài của Nhật Bản lại không phải là sự thu nhận đơn thuần, không vay mượn, sao chép cứng nhắc, mà là quá trình tiếp thu, sáng tạo, nâng tầm lên thành cái riêng của Nhật. Tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng, cách ứng xử, phong cách sống, hệ giá trị văn hóa ngoại quốc… một khi được du nhập vào Nhật Bản đều buộc phải biến đổi mạnh để phù hợp với hệ giá trị văn hóa bản địa và trở thành một bộ phận của văn hóa Nhật, mang tính độc đáo Nhật Bản. Do vậy, đến nay Nhật Bản không chỉ là một cường quốc hàng đầu thế giới về nhiều mặt; là đất nước có nền văn hóa phát triển đa dạng và giàu bản sắc với những hệ giá trị văn hóa được nhiều nước nể, phục.
Lật lại trang sử xưa, người Nhật suốt thời phong kiến luôn tin tưởng, noi theo hệ giá trị văn hóa tôn trọng võ sĩ, xã hội cho rằng: "Hoa có anh đào thắm tươi, người có võ sĩ sống chết vì chủ nhân và đất nước". Vì thế, khi quân Nguyên Mông thế kỷ VIII sang đánh Nhật đã bị đội quân samurai đánh bại trên bờ biển (tất nhiên có trận nhờ thêm sức của bão tố). Có những điểm sau thuộc hệ giá trị văn hóa Nhật mà ngày nay người Nhật vẫn tuân thủ: Trọng danh dự; Kỷ luật; Tinh thần tập thể, vì cộng đồng, quốc gia; Hài hòa Thiên, Địa, Nhân; Đề cao sự hợp lý; Hy sinh vì đại nghĩa; Ứng xử theo thứ bậc, trọng Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; Gắn bó với Tổ chức hơn cả gia đình v.v..
Ngoài ra, có thể kể thêm các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ, tô điểm, nhấn mạnh, tôn vinh hệ giá trị văn hóa các nước. Ví dụ, các phần thưởng danh hiệu vẻ vang tưởng thưởng cho người có công lao, như tước hiệu Huân tước nước Anh do Hoàng gia Anh trao tặng; Huân chương Chữ thập tặng người có lòng dũng cảm của Đức, Ý, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Âu; Huân chương Georgy của một số nước vùng Slaver (tặng người dũng cảm vì cộng đồng), Nhật có Huân chương Mặt trời mọc...
Khái quát về hệ giá trị văn hóa nước ta
Đã có rất nhiều học giả trong, ngoài nước bàn về các vấn đề liên quan với hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Nhà văn hóa Đào Duy Anh trong "Việt Nam văn hóa sử cương" từng nói đến 7 đặc tính cơ bản của người Việt, mà chúng tôi cho là nên tham chiếu để làm căn cứ để xây dựng các tiêu chí cho hệ giá trị văn hóa Việt. Đó là, người Việt có: Sức ký ức (trí nhớ) tốt, thiên về nghệ thuật và trực giác; Ham học, thích văn chương; Ít mộng tưởng (thiết thực); Sức làm việc khó nhọc (cần cù) ở mức độ ít dân tộc bì kịp; Giỏi chịu đựng gian khổ và hay nhẫn nhục; Chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; Khả năng bắt chước, thích ứng và dung hòa rất tài. Còn sử gia Trần Văn Giàu trong cuốn "Giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam" cũng nêu lên 7 đặc tính lớn đặc thù cho người Việt Nam là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.
Nói đến Việt Nam nhiều người nhấn mạnh ngay đến các giá trị xoay quanh việc lớn "Dựng nước và chống ngoại xâm giữ nước". Hai việc đó luôn gắn bó với nhau suốt nhiều thế kỷ. Về địa chính trị ta ở cạnh những láng giềng lớn, từng xâm lấn ta nhiều lần và gây khó khăn.
Về truyền thống văn hóa ta có nhiều điểm sáng như yêu nước thương nòi, uyển chuyển, nhưng cũng có nhiều hạn chế do phương thức sản xuất tiểu nông chi phối và các lý do khác nên có nơi có lúc còn rơi rớt các biểu hiện: thích sĩ diện, đố kị, ưa bình quân chủ nghĩa…
Về kinh tế, do chiến tranh liên miên, người Việt không có truyền thống trọng thương nên ta chưa thành công trong việc xây dựng được các mũi nhọn kinh tế mạnh có thể chi viện cho văn hóa nói chung và hệ giá trị văn hóa nói riêng.
Trên thực tế, do mấy chục năm đất nước ta trải qua chiến tranh, mọi nhân tài, vật lực chủ yếu tập trung cho tiền tuyến để giải phóng đất nước, nên việc xây dựng bài bản, chính thức về các tiêu chí cho hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đưa vào đời sống ở nước ta chưa được đầu tư đúng mức.
Sau chiến tranh với hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, chúng ta thu được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, nhưng nếu nhìn thẳng vào thực tế thì đất nước gặp không ít thách thức và khó khăn, ở đây nếu chỉ xét về văn hóa và tiêu chí hệ giá trị văn hóa cũng thấy nổi lên khá nhiều mặt tiêu cực đang được báo đài, xã hội quan tâm mạnh mẽ. Nhiều vụ việc con người bị tha hóa, chạy theo lối sống buông thả, hưởng thụ vô văn hóa; luân thường đạo lý bị xúc phạm; các biểu hiện tham nhũng, chạy chức quyền, mua bằng cấp tràn lan… chính là văn hóa cơ chế, hệ giá trị văn hóa không chuẩn mực, đáng báo động.
Vậy có người sẽ hỏi: Các điều khoản luật pháp; Quy ước, dư luận báo chí truyền thông và dư luận cộng đồng có thay cho Tiêu chí của Hệ giá trị văn hóa không? Vì luật pháp có thể chế tài, còn dư luận thì ai chẳng sợ mang tiếng xấu? Xin thưa; Chắc chắn là không thay thế được. Bởi vì chỉ khi con người tự giác, coi trọng văn hóa, văn hóa và các giá trị văn hóa đã thấm sâu vào suy nghĩ, hành xử thì họ mới tuân theo các tiêu chí giá trị đúng đắn một cách tự nhiên, không ép buộc (có người có học vấn, bằng cấp cao, có người chức lớn chưa hẳn là có văn hóa cao: ví dụ vua quan nhà Nguyễn thời Tự Đức cắt đất hàng Pháp là không có văn hóa trọng danh dự, không yêu nước thực sự).
Liên quan giá trị, vai trò văn hóa, từ lâu các nhà cải cách đã nhấn mạnh sự gắn kết mục tiêu của giáo dục và văn hóa, đó là cung cấp tri thức, tạo nền tảng văn hóa cho con người; góp phần đào tạo con người quan tâm cộng đồng, biết xây dựng chuẩn hệ giá trị văn hóa đúng đắn. Nhà khoa học, nhà cải cách giáo dục Đức Hambold ngay từ thế kỷ XIX đã cho rằng: Cần xây dựng Đại học - văn hóa với người thầy như là nhà văn hóa, khai mở, truyền thụ để cho học trò trở thành người có văn hóa tự khắc họ sẽ yêu nước, hành xử đúng đắn. Không nên quá quan trọng hóa môn Triết và môn Luật (như thời trước đó) mà chú trọng môn văn học để con người hướng tới cảm thụ văn hóa, bồi dưỡng tính nhân văn.
Đến thế kỷ XXI, nhiều nước chú ý phát triển Đại học thông minh (Smart University) với nền tảng công nghệ số, AI, hội tụ ICT, IoT… để đào tạo nhân lực phù hợp công nghiệp 4.0. Ngay thời phong kiến ở phương Đông nói chung và nước ta nói riêng, trừ những kẻ thất phu, tiểu nhân, còn ai cũng noi theo các tiêu chí: Uy vũ bất năng khuất; Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di. Và xã hội rất tôn sùng 5 tiêu chí coi là điều thường nhật, chuyện "bình thường, tự nhiên" của xã hội, đó là "Ngũ thường" (Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Đã là người nam nhi tử tế thì "Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha", "Nhớ câu: kiến ngãi bất vi" (Nguyễn Đình Chiểu - danh nhân văn hóa Việt Nam vừa được UNESCO vinh danh 11/2021).
Ai cũng giữ nếp nhà, sống ngay thẳng, dù gặp khó khăn: "Giấy rách phải giữ lấy lề", giữ khí tiết vì cho rằng: "Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng". Dĩ nhiên là hạng hèn kém trong xã hội thì có triết lý khác về hệ giá trị văn hóa, họ cho rằng: "Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn" hoặc trong khi nhiều kẻ trí giả mong học hành mở mang trí tuệ để "giúp nước cứu đời", chú ý mọi nơi, mọi lúc rèn mình suốt quá trình "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" thì rất đông sĩ tử thời xưa tâm niệm Học để đỗ đạt "làm quan để có mũ cao áo dài, vinh thân, phì gia, thoát ly các hoạt động thực tiễn; coi nhẹ kinh doanh, công thương, khoa học công nghệ, sản xuất lưu thông…(4).
Ngày nay, đất nước ta đã thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đang từng bước tham gia hội nhập quốc tế. Bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến chuyển quan trọng: Toàn cầu hóa kinh tế đã lan sang các lĩnh vực khác, trong đó có văn hóa, nhiều hiện tượng như giao lưu hợp tác văn hóa; tiếp biến hỗn dung văn hóa; xâm lăng văn hóa; chiếm đoạt thị trường văn hóa; đồng hóa văn hóa; giao thoa văn hóa… xảy ra phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội các quốc gia, khu vực. Trong đó "Mỗi nền văn hóa đều những có giá trị đặc sắc riêng. Với các nước nhỏ và chậm phát triển, muốn theo kịp trào lưu phát triển của thời đại để không tụt hậu, không có một con đường nào khác là phải sử dụng tối ưu phép lợi thế của nước đi sau" (5).
Là nước đi sau, chúng ta hiện đi theo con đường kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và kinh tế thị trường có nhiều mặt tích cực nhưng rất nhiều tiêu cực ảnh hưởng tới giá trị văn hóa nói riêng. Làm thế nào để khắc phục được các tiêu cực đó? Làm thế nào để người lãnh đạo và người dân nước ta đồng thuận, niềm tin ngày một củng cố? Làm thế nào để mọi người cùng thống nhất cơ bản, tự giác hướng theo những giá trị văn hóa tốt đẹp, khả thi, bền vững, hợp quy luật?
Về xây dựng con người mới cho xã hội hiện đại, Nghị quyết TƯ 5 (BCH khóa VIII) của Đảng và nhiều văn bản quan trọng khác kể cả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII (2021) đã đề cập khá rõ, nhưng việc quy định ra hệ giá trị văn hóa chuẩn để cả xã hội noi theo thì các ngành chức năng mới dừng ở một số Hội thảo, diễn đàn.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 (họp ngày 24/11 tại hội trường Diên Hồng, trụ sở Quốc hội) khi trình bày một số nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Chiến lược thể hiện 5 quan điểm lớn, trong đó tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm đã ghi trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, rõ hơn, sâu hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện nay, trên cơ sở các quan điểm chung. Bộ trưởng nhấn mạnh điểm 3 là: "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Điểm này liên quan gần gũi mật thiết đến hệ giá trị văn hóa.
Bàn về xây dựng các tiêu chí hệ giá trị văn hóa hiện đại của nước ta
Muốn cho mọi tầng lớp nhân dân ta có thể đóng góp hết sức mình theo năng lực, sở trường mỗi người vì Tổ quốc, cơ quan chức năng cần phải tiến hành đồng bộ về xây dựng chiến lược, cách thức triển khai nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... trong đó có việc xác định đúng đắn mục tiêu đi lên của đất nước, các giá trị về vật chất, tinh thần của công dân, xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề mục tiêu, cương lĩnh xây dựng đất nước giai đoạn mới một cách đầy đủ, khoa học, biện chứng. Vấn đề đặt ra là làm sao để triển khai hiệu quả đường lối của Đảng trong thực tiễn, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đặt ra trong mấy chục năm tới. Bài viết này phân tích một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là các cấp ngành phải nghiên cứu xây dựng được tiêu chí hệ giá trị văn hóa Việt Nam chuẩn xác, nhằm thúc đẩy việc khơi dậy khát vọng vì quê hương đất nước của mọi người Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao nếu có hệ giá trị văn hóa với các tiêu chí chuẩn xác thì có thể khơi dậy được nhiệt huyết, khát vọng xây dựng quốc gia phồn vinh, hạnh phúc vì quê hương đất nước của mọi người Việt Nam khắp nơi? Câu trả lời là:
+ Khi có tiêu chí hệ giá trị văn hóa công khai, đúng đắn, khả dụng thì từ người lãnh đạo đến người dân có thể noi theo với sự thống nhất cao trong xã hội về lý tưởng, thế giới quan, quan niệm sống chân chính. Mọi người từ đó luôn hướng đến các tiêu chí để phấn đấu, theo đuổi, coi như đạo lý, tự giác hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi công dân của mình.
+ Tiêu chí về hệ giá trị văn hóa cũng là một thước đo công bằng, minh bạch để mọi tầng lớp nhân dân kể cả cán bộ, công chức bộ máy nhà nước dựa vào đó kiên trì cố gắng rèn luyện, tu dưỡng. Đồng thời là căn cứ để xã hội và công dân, các tổ chức bình xét, đánh giá đạo đức tác phong, hiệu quả đóng góp của cá nhân, tập thể.
+ Tiêu chí hệ giá trị văn hóa là động lực, sự động viên về tinh thần cho mọi người; khơi dậy lòng hướng thượng, niềm tin, trách nhiệm, phát huy các đức tính tốt đẹp nhiều thế hệ (dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết, hiếu học...), khơi dậy tinh thần dân tộc ở thế hệ trẻ; tạo thành hợp lực các vectơ phân lực từ mọi lực lượng xã hội, để từng bước, thường xuyên xây dựng đất nước vững mạnh.
+ Tiêu chí hệ giá trị văn hóa là một thứ vốn xã hội quý báu, là "sức mạnh mềm" của Việt Nam, có thể làm nền tảng cho cơ chế tổng hợp các nguồn lực xã hội trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa phát triển; bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn người Việt Nam. Tiêu chí hệ văn hóa tạo điều kiện xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo đảm an ninh tư tưởng, hạn chế tác hại từ rác văn hóa thâm nhập, nhất là trong môi trường số hóa, thông tin truyền thông đa dạng hiện nay, cần phát huy tự giác cao; có tiêu chí chuẩn sẽ phát huy tốt vai trò văn hóa gia đình. Chính nhờ có tiêu chí hệ giá trị văn hóa góp phần hình thành, thúc đẩy các chủ thể, các công dân tham gia tích cực trong việc phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam ở mọi nơi, mọi lúc; đồng thời tiêu chí cũng là một tác nhân hỗ trợ cơ chế phát huy nguồn lực chất lượng cao trong phát triển đất nước, làm đầu tàu, tấm gương tốt cho xã hội noi theo.
Do vậy, trước hết về mặt học thuật cần đặt vấn đề rõ ràng việc Xây dựng hệ giá trị văn hóa mới với các tiêu chí cụ thể, khả thi, dễ nhớ, hội tụ đầy đủ truyền thống văn hóa dân tộc, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp thực tiễn đất nước, bối cảnh thế giới ngày nay. Đó là việc làm cần thiết, mang tính thời sự.
Trên thực tế, quy luật xã hội vận hành nhiều khi theo hình xoắn ốc: Cái mới xuất hiện chưa chắc đã là cái tiến bộ. Còn có cái cũ khi đã được xã hội chọn lọc, thừa nhận, noi theo trở thành truyền thống lâu đời, đem lại hiệu quả thì không hẳn là là cái lạc hậu, phản tiến bộ, nên cần lưu giữ, bổ sung, chỉnh sửa cho hợp thực tiễn.
Con người vốn có giá trị quan khác nhau, trái đất có hơn 6 tỉ người thì chắc có hơn 6 tỉ quan niệm giá trị văn hóa khác nhau. Một xã hội sẽ phát triển lâu dài, nếu chọn được hệ giá trị văn hóa có tính phổ quát, khoa học, vừa kế thừa phát huy truyền thống dân tộc vừa hiện đại để mọi người sinh sống, phấn đấu theo giá định chuẩn mực.
Cần mạnh dạn nhìn thẳng vấn đề cốt lõi của mọi xã hội là: có một thứ tinh thần thần văn hóa, dẫn đạo, soi đường, khơi dậy lòng yêu nước, mong muốn cống hiến cho dân tộc, cộng đồng, có thể được dùng với từ ngữ khác nhau, cô đúc phẩm chất con người, chi phối hệ giá trị văn hóa mà xã hội đó phải lựa chọn.
Ví dụ ở phương Tây thời phong kiến và thời tư bản hiện đại nhiều nước phát triển họ vẫn duy trì những giá trị tiêu biểu nhất của tinh thần hiệp sĩ, tinh thần gìn giữ danh dự nhân phẩm, tinh thần vì nghĩa lớn quốc gia với 3 phẩm chất chính là đạo nghĩa, thành tín, trách nhiệm được xã hội coi là tinh thần dẫn đường cho xã hội. Các nước phương Đông chủ yếu tôn trọng tinh thần của "trượng phu, quân tử" luôn phò chính diệt tà, ái quốc, vị dân, trung hiếu lễ nghĩa, liêm chính… Thời hiện đại họ tự động bổ sung các giá trị về tính kỷ luật, cộng sinh, nhân ái, làm chủ công nghệ mới v.v.. để phù hợp thực tại. Còn những nước trải qua đấu tranh giải phóng dân tộc, đi lên Xã hội chủ nghĩa, đã có những thời gian lấy giá trị dám xả thân vì độc lập dân tộc; chịu đựng gian nguy, khó khăn vì dân, vì chính đảng cách mạng… làm thước đo đảng viên và hệ quy chiếu giá trị văn hóa rộng ra xã hội.
Nhưng đến thế kỷ XXI này, khi đời sống xã hội có nhiều biến đổi phức tạp, cách mạng khoa học kỹ thuật tác động mạnh đến xã hội; phương tiện truyền thông phát triển giúp mọi cá nhân dễ tìm kiếm thông tin cần thiết; các thành tố con người, văn hóa, thiên nhiên, thế giới… ở trong mối quan hệ đan chéo, ảnh hưởng lẫn nhau mạnh hơn, nhanh hơn ở các thế kỷ trước rất nhiều, thì mọi quốc gia đều phải xem xét việc luôn hoàn thiện, phát triển hệ giá trị văn hóa (dù ít hoặc nhiều) để giữ cho xã hội lành mạnh, phát triển đúng hướng và nước ta không phải là ngoại lệ.
Theo tác giả bài viết này, có thể xây dựng một bộ tiêu chí của hệ giá trị vừa kế thừa được các tiêu chí trước đây (đã tồn tại và có tác dụng tích cực), vừa phù hợp điều kiện đất nước hôm nay và tương thích với xu thế của thế giới, thời đại.
Thứ nhất, trước hết phải có bộ tiêu chí hệ giá trị văn hóa phổ quát chung cho toàn xã hội. Vì là phổ quát, nên có thể lấy tiêu chí mà nhiều nước phương Đông, trong đó có nước ta mọi công dân hàng ngàn năm đã noi theo và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng rất tâm đắc. Đó là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng, Liêm, Khiêm; Kết hợp cùng các tiêu chí khác hỗ trợ như: Tâm chính, ý thành, chí kiên, sự cẩn, lịch thiệp, nhân văn, dân chủ, cao thượng, thành tín, đạo nghĩa, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo.
Thứ hai, đối với phái nữ thì các tiêu chí là: Công, dung, ngôn, hạnh, tinh tế, duyên dáng, nhu thuận, đảm đang, bình đẳng, tiến bộ.
Thứ ba, đối với những người có vị trí lãnh đạo thì ngoài hệ tiêu chí phổ quát cần thêm: Tâm sáng, tầm xa, tuệ thông, tài cao, vì dân vì nước, trình độ văn hóa quốc tế.
Với tiêu chí đặc thù là:Lo trước lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ, lấy mục tiêu phục vụ Tổ quốc, cộng đồng, kết quả của nhiệm vụ để suy nghĩ, hành động.
Ngoài các tiêu chí cụ thể, cần có các tiêu chí thể hiện phương châm, mục tiêu, lý tưởng, thế giới quan, giá trị quan đối với hệ giá trị văn hóa như:
+ Tư tưởng, đạo đức, tác phong công dân lành mạnh; chánh kiến minh bạch, rõ ràng; đường hoàng phấn đấu vì sự phát triển của Tổ quốc và bản thân.
+ Chân thành học hỏi, giỏi lý luận cùng thực tiễn; hiển đạt hài hòa cả vật chất lẫn tinh thần.
+ Vì quyền lợi quốc gia dân tộc, bộc lộ khát vọng, năng lực, sở trường; đường đường chính chính kiến công lập nghiệp rạng danh đất nước và gia đình thời CN 4.0.
+ Con người Việt Nam của thế kỷ XXI tốt toàn diện, thiện tâm, tài, tầm cao; vào đúng lộ trình tinh anh, tuyệt diệu; hiệu quả công việc dồi dào, đào sâu thuần thục công nghệ hiện đại.
Như vậy, về hình thức, cấu trúc ngôn ngữ, nội dung các tiêu chí cần bảo đảm ngắn, gọn, dễ nhớ, súc tích, ý tại ngôn ngoại, có vần điệu...
Kết luận
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tâm huyết chỉ đạo Đại hội văn hóa toàn quốc 2021 cũng đưa ra nhiều vấn đề mang tầm chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI. Tổng bí thư đã nhấn mạnh 5 lần đến việc "chấn hưng, phát triển văn hóa của đất nước". Muốn triển khai chiến lược to lớn, đặc biệt quan trọng đó, có nhiều công việc phải thiết kế, tổ chức thực hiện bài bản, trong đó có việc đề ra tiêu chí hệ giá trị văn hóa quốc gia.
Tóm lại, việc nghiên cứu để xây dựng tiêu chí hệ giá trị văn hóa Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ và sau khi được cơ quan chức năng thống nhất, ban hành rồi phải có biện pháp quảng bá trong, ngoài nước trên truyền thông hiện đại, được nhận diện liên tục, phổ cập bằng các nền tảng số với hình ảnh, hình thức, giao diện phù hợp để mọi người Việt Nam trong, ngoài nước dễ nhận biết, hưởng ứng, thực hiện. Phải coi là việc làm của cả hệ thống chính trị, làm sao để dần dần, mọi thành viên xã hội noi theo, coi là tiêu chí đánh giá đúng sai, thiện ác, hay dở, tốt xấu, giỏi kém của mỗi cá nhân và thấm sâu thành nhận thức thành tư duy, hành động tự giác của các công dân. Nếu làm đúng, bài bản và lâu dài thì quá trình này sẽ có tác dụng góp phần cho việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, chính sách Nhà nước và tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy nền văn hóa Việt Nam phát triển lành mạnh, tạo thành một sức mạnh mềm, thành thương hiệu hay về đất nước con người chúng ta trong thế kỷ XXI này.
Cùng với việc đề ra tiêu chí hệ giá trị văn hóa chuẩn mực, phải tìm ra các những giải pháp cụ thể, phù hợp khác để xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, nhất là môi trường văn hóa đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trọng tâm là:
- Văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy giá trị tích cực của thuần phong mỹ tục của gia đình, cộng đồng và xã hội;
- Chú trọng bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, phát triển một số lĩnh vực văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa, phát huy vai trò truyền thông quảng bá văn hóa;
- Chú ý bảo vệ chủ quyền văn hóa, vừa chủ động hội nhập, hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa.
Mục tiêu lâu dài, cuối cùng là:
- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, hợp yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;
- Vượt qua những tác động to lớn đối với kinh tế, xã hội và con người do thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, sự chậm chạp đổi mới công nghệ (nhất là chuyển đổi số)...;
- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế;
- Chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với nội lực văn hóa quốc gia hùng mạnh, đất nước Việt Nam chúng ta sẽ ngày càng có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế, được các nước tín nhiệm, góp phần nhiều hơn cho cộng đồng thế giới. Và chắc chắn hệ giá trị văn hóa đúng đắn sẽ góp phần tăng cường cho nội lực nói chung của Việt Nam và nội lực văn hóa nước ta nói riêng; có thế đứng vững chắc để phát triển mọi mặt kể cả khâu hiện đại quản lý (chính phủ số), kinh tế số, công nghiệp văn hóa (sử dụng số hóa), các đô thị thông minh (smart city), đất nước thông minh (Smart National)... như xu hướng các nước hiện nay./.
Tài liệu tham khảo:
1. Kim Lehman, Mark Wickham (2021), Exploring Cultural Value: Contemporary Issues for Theory and Practice, Published by Emerald Publishing Limited
2. Jeanette D. Snowball (2008), Measuring the Value of Culture, Springer-Verlag Berlin Heidelberg,
3. Quynh Thi Nhu Nguyen, The Vietnamese Values System: A Blend of Oriental, Western and Socialist Values, International Education Studies; Vol. 9, No. 12; 2016 ISSN 1913-9020 E-ISSN 1913-9039 Published by Canadian Center of Science and Education
4. Mark W McLeod (2008), Culture and Customs of Vietnam (Cultures and Customs of the World) Published by Illustrated Edition
5. Lê Thanh Bình, Một số vấn đề QLNN Kinh tế, văn hóa, giáo dục trên thế giới và Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, Hà Nội 2009
6. Lê Thanh Bình (CB), Giao thoa văn hóa và chính sách ngoại giao văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, H. 2012; tr. 45- 46.
7. Giáp Văn Dương, Tạp chí Tia Sáng 25/05/2015 8. Trần Văn Giầu. Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nxb. KHXH. H., 1980
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2022)