Chuyển đổi mạnh mẽ
Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã đẩy mạnh việc xem tin tức truyền hình và trực tuyến trên toàn cầu mặc dù mối lo ngại về thông tin sai lệch vẫn còn cao. Đặc biệt, Facebook và WhatsApp được coi là các kênh chính lan truyền tin giả.
Báo cáo kỹ thuật số hàng năm (www.digitalnewsreport.org) của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters đã chỉ ra rằng sự bùng phát của dịch bệnh đang thúc đẩy các xu hướng do cuộc cách mạng công nghệ tạo ra, bao gồm cả sự gia tăng việc tiêu thụ tin tức trên điện thoại thông minh.
Theo ED Rasmus Kleis Nielsen, Giám đốc Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, cho biết: "Chúng ta đang thấy một sự chuyển đổi nhanh chóng sang các phương tiện truyền thông số, di động hoặc trên các nền tảng khác nhau".
"Đi kèm với đó là sự sụt giảm niềm tin liên tục vào tin tức và mối lo ngại ngày càng tăng về thông tin sai lệch, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội và từ một số chính trị gia".
Việc kinh doanh tin tức vẫn ảm đạm dẫn đến việc các hãng truyền thông trên thế giới đang phải cắt giảm nhân sự để đối phó với tình trạng doanh thu quảng cáo sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, vẫn có tia hy vọng mới mở ra đó là ngày càng có nhiều người sẵn sàng trả tiền cho tin tức trực tuyến, mặc dù điều đó có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng thông tin vì nhiều người sẽ không đủ khả năng tiếp cận được với những tờ báo chất lượng hàng đầu.
Cũng theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, khoảng một nửa số người ở Mỹ đăng ký bất kỳ gói bạn đọc trực tuyến nào đều sử dụng New York Times hoặc Washington Post. Một xu hướng tương tự cũng có thể thấy ở Anh với The Times hoặc Telegraph.
Và đối với những dự báo về sự thống trị của tin tức video, báo cáo đã chỉ ra rằng ở một số quốc gia như Anh, Úc, Pháp và Hàn Quốc, những người dưới 35 tuổi thích đọc trực tuyến hơn là xem tin tức trực tuyến.
Một nhân viên làm việc tại một cơ quan báo chí trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: REUTERS/Juan Medina)
Bạn đọc báo điện tử trả phí có xu hướng tăng trên toàn thế giới
Theo báo cáo, số lượng độc giả trả tiền cho tin tức trực tuyến trên toàn thế giới đang ngày càng tăng ngay cả khi mức độ tin tưởng vào các phương tiện truyền thông nói chung vẫn còn rất thấp.
Cụ thể, khoảng 20% người Mỹ được hỏi trả lời rằng họ đã đăng ký theo dõi một trang cung cấp thông tin trực tuyến, tăng 4% so với năm ngoái. Tỷ lệ này tại Na Uy là 42% (tăng 8%), tại Hà Lan là 13% (tăng 3 %) và tại Pháp và Đức đều là 10%.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 30 - 50% số lượng đăng ký theo dõi tin tức đến từ một vài hãng truyền thông lớn như tờ New York Times.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng một số độc giả đã bắt đầu theo dõi nhiều hơn một kênh thông tin, trả tiền cho một số kênh thông tin địa phương hoặc kênh của các chuyên gia bên cạnh nguồn tin tức quốc gia. Nhưng một tỷ lệ lớn người dùng Internet đã chia sẻ rằng không có gì đáng để có thể thuyết phục họ trả tiền cho những tin tức trực tuyến, và tỷ lệ này chiếm khoảng 40% ở Mỹ và 50% ở Anh.
Tháng 1/2020, YouGov đã thực hiện các cuộc khảo sát trực tuyến trên 40 nước, với khoảng 2.000 người được hỏi ở mỗi quốc gia. Các khảo sát sâu hơn cũng đã được thực hiện tại 6 quốc gia vào tháng 4 vừa qua để phân tích những tác động ban đầu của dịch Covid-19 tới nhu cầu tin tức.
Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do Covid-19 đã làm "hồi sinh" sự quan tâm dành cho các tin tức trên truyền hình. Với lượng khán giả tăng trung bình 5% đã giúp truyền hình trở thành nguồn thông tin chính cùng với phương tiện truyền thông trực tuyến.
(Ảnh minh họa)
Ngược lại, số lượng báo in phát hành lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Cuộc khảo sát này cũng đã cho thấy niềm tin vào tin tức đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ báo cáo đầu tiên vào năm 2012, chỉ với 38% số người được hỏi cho biết họ tin tưởng hầu hết vào các tin tức mà họ đọc được.
Tuy nhiên, niềm tin vào tin tức cũng có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Ở Phần Lan và Bồ Đào Nha với 56% số người được hỏi cho là các tin tức đáng tin cậy, trong khi đó ở Pháp con số này chỉ có 23% và ở Hàn Quốc chỉ là 21%.
Tại Chile, nơi các cuộc biểu tình chống lại sự bất bình đẳng diễn ra thường xuyên, cũng đã cho thấy niềm tin vào truyền thông giảm 15% trong khi ở Anh cũng đã giảm 12% khi xã hội đã bị phân cực bởi các vấn đề như Brexit.