Xu hướng thương mại điện tử trong ASEAN thay đổi vì đại dịch

TH| 25/05/2020 14:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong khu vực ASEAN đã trải qua nhiều biến chuyển do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự xáo trộn vừa mang đến những cơ hội mới, vừa đặt ra thách thức cho các sàn và các website TMĐT.

Một nghiên cứu của Facebook và Bain & Company, một công ty tư vấn quản lý toàn cầu, cho thấy nếu người tiêu dùng ở Đông Nam Á chi trung bình 125 USD cho mua sắm trực tuyến vào năm 2018, thì số tiền đó dự kiến sẽ tăng gấp hơn 3 lần, lên đến 390 USD vào năm 2025.

Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 12.965 người tại sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - và phỏng vấn hơn 30 CEO và các nhà đầu tư mạo hiểm trong khu vực nhằm tìm hiểu về hành vi của người tiêu dùng kỹ thuật số tác động tới chi tiêu trực tuyến trong khu vực.

Ngày càng nhiều lựa chọn, truy cập Internet tốt hơn và thu nhập tăng là các yếu tố sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Báo cáo dự báo khu vực Đông Nam Á sẽ có khoảng 310 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số vào năm 2025, tăng so với con số 250 triệu vào năm 2018 và chỉ 90 triệu trong năm 2015.

Ngành thương mại điện tử ASEAN thay đổi vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Báo cáo cũng cho thấy hơn 90% người dân Đông Nam Á kết nối Internet thông qua điện thoại thông minh và điều này mở ra một cơ hội mới cho các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT. Theo đó, TMĐT không chỉ được xem như một nền tảng để săn lùng các đợt giảm giá đối với các mặt hàng có giá trị lớn như đồ điện tử, ngày nay người tiêu dùng kỹ thuật số còn lên mạng để mua các mặt hàng thường ngày có giá thấp hơn như đồ tạp hóa, quần áo và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Xu hướng này càng rõ rệt hơn trong đại dịch Covid-19

HappyFresh và Honestbee là hai nhà cung cấp sản phẩm tạp hóa trực tuyến lớn nhất trong khu vực. Khi giãn cách xã hội được thực hiện ở nhiều quốc gia như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, các siêu thị như Tesco và Cold Storage cũng đã nhảy vào phân khúc này, sử dụng các dịch vụ giao hàng của mình do nhiều khách hàng quen lựa chọn đặt hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm trực tuyến.

Theo báo cáo, giá trị của ngành TMĐT ASEAN đã tăng gấp 7 lần chỉ trong 4 năm, tăng từ 5,5 tỷ USD trong năm 2015 lên hơn 38 tỷ USD vào năm 2019, và hiện đang trên đà vượt mốc 150 tỷ USD vào năm 2025.

Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn

Sự góp mặt của các công ty mới và sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp hiện tại đang làm thay đổi cục diện TMĐT ở Đông Nam Á, từ đó mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn.

Theo báo cáo của Bain & Company, 67% số người được hỏi cho biết họ không biết chính xác những gì họ muốn mua trước khi mua sắm trực tuyến và hơn 40% đã thử đặt hàng ở một cửa hàng trực tuyến mà họ chưa bao giờ nghe thấy trước đây. Riêng ở Singapore, 75% số người được hỏi nói rằng họ sẵn sàng mở lòng với các thương hiệu mới hoặc sẽ mua từ nhiều thương hiệu khi mua sắm trực tuyến.

"Do đó, việc thiết kế giao diện để thu hút sự khám phá của khách hàng là vô cùng quan trọng, khiến khách hàng gắn kết với một doanh nghiệp thông qua nhiều kênh cùng lúc", Giám đốc điều hành của Facebook Singapore cho biết.

Xu hướng thương mại điện tử thay đổi vì dịch

Báo cáo "TMĐT Việt Nam thời Covid-19: Những cơ hội bị bỏ lỡ" của tập đoàn TMĐT iPrice Group công bố mới đây cho thấy 3 trong số 4 trang TMĐT lớn ở Việt Nam đã bị giảm lưu lượng truy cập trong quý 1/2020. Theo đó, Tiki, Lazada Việt Nam và Sendo đã chứng kiến mức lưu lượng truy cập giảm trung bình 9% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng chỉ có duy nhất Shopee Vietnam là có sự gia tăng lưu lượng truy cập.

Ngành thương mại điện tử ASEAN thay đổi vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nguồn: iPrice

Theo iPrice Group, nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm là do trong mùa dịch, các sàn TMĐT tiết chế các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi, đẩy mạnh livestream và game trên ứng dụng và mạng xã hội nhằm tận dụng tình trạng người dân ở nhà và có nhiều thời gian ngồi trước màn hình để tăng tương tác, tăng độ gắn kết với khách hàng, đồng thời thử nghiệm tính năng mới.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong mùa dịch thay đổi liên tục và khó đoán trước.

Dữ liệu của iPrice Group cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà một số ngành hàng trực tuyến trở nên "nóng" trong quí 1. Chẳng hạn, vào tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhu cầu trực tuyến về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn tăng lên lần lượt 610% và 680% so với tháng 1. Tuy nhiên, đến tháng 3, do người tiêu dùng ở nhà vì lo ngại dịch bệnh, nhu cầu về các sản phẩm tạp hóa trực tuyến lại tăng mạnh ở Việt Nam. Lượng truy cập vào website của Bách Hóa Xanh trong quí này đã tăng 49% so với quý 4/2019.

Đáng lưu ý là trước đây, bách hóa trực tuyến không phải là tâm điểm của thị trường TMĐT Việt Nam. Trong nhóm 50 trang TMĐT hàng đầu ở Việt Nam, người ta chỉ thấy hai trang chuyên kinh doanh hàng tạp hóa là Bách Hóa Xanh và BigC.

Ngược lại, các ngành trước đây là "gà đẻ trứng vàng" của TMĐT Việt Nam như thời trang và điện máy lại chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Cụ thể, lượt truy cập vào các website ngành điện máy trong tháng 2 giảm 17% so với tháng 1. Tuy nhiên, sang tháng 3, nhu cầu mua laptop, webcam, microphone, màn hình đã tăng đáng kể để phục vụ học tập và làm việc tại nhà nên ngành này đã hồi phục.

Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm, thị trường TMĐT đã trải qua nhiều biến chuyển do ảnh hưởng của Covid-19. Sự xáo trộn vừa mang đến các cơ hội mới, vừa đặt ra thách thức cho các sàn và các website TMĐT, đòi hỏi họ phải nhanh nhạy và luôn sẵn sàng thay đổi để thích ứng với nhu cầu thị trường.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng thương mại điện tử trong ASEAN thay đổi vì đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO