“Xây” cơ chế thúc đẩy báo chí đối ngoại phát triển
Theo bà Nguyễn Thị Hoa Mai, tập sự Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, để nâng cao sức ảnh hưởng của báo chí đối ngoại góp phần xây dựng và nâng cao thứ hạng hình ảnh Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó giải pháp quan trọng hàng đầu đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy báo chí đối ngoại phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Những mặt nổi bật của báo chí đối ngoại
Theo thống kê của Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 816 cơ quan báo chí được cấp phép, báo chí đối ngoại (BCĐN) được quy hoạch gồm 6 đơn vị: 1 báo in đối ngoại quốc gia; 1 tạp chí in đối ngoại quốc gia; 1 báo điện tử đối ngoại quốc gia; 1 kênh chương trình phát thanh đối ngoại quốc gia; 2 kênh chương trình truyền hình đối ngoại.
Hệ thống quy hoạch BCĐN bắt đầu được hình thành từ năm 2012, nhưng đã nhanh chóng trở thành “hệ thống loa” phát ra thế giới (với 13 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Trung, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Thái, Khmer và Indonesia), góp phần làm cho thế giới thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá về Việt Nam, từ hình ảnh một đất nước anh hùng trong chiến tranh, Việt Nam nay được biết đến là đất nước năng động trong hòa bình, với chế độ chính trị ổn định, chính sách đối ngoại cởi mở và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.
Về địa bàn và phương thức phát hành, truyền dẫn, phát sóng: (i) đối với báo in, tổ chức phát hành đến 706 địa chỉ tại 121 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; (ii) đối với truyền dẫn, phát sóng kênh phát thanh, truyền hình qua vệ tinh, hiện phát sóng trên hạ tầng của gần 40 đối tác với khoảng 50 triệu thuê bao, tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ (vệ tinh châu Âu và Bắc Mỹ); (iii) đối với trang tin điện tử, hiện có 214 quốc gia và vùng lãnh thổ truy cập trang, số lượng truy cập đến từ 14.480 thành phố trên thế giới.
Hoạt động BCĐN cũng có những mặt nổi bật khác như: Tổ chức đăng, phát trên các nền tảng số, mạng xã hội (Youtube, Facebook, Twitter, Tiktok),… để tăng số lượng người xem. Hiện nay, số lượng người truy cập tăng dần theo năm, theo đó phải kể đến năm 2021, kênh VTV4, phát trên hệ thống VTVgo với hơn 2 triệu lượt xem/tháng; Vietnam Plus với 999.610.045 lượt người xem; Việt Nam News, bản e-paper với 40 triệu lượt đọc trên các kênh Social media.
“Nhìn chung, cơ quan BCĐN đã ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình sản xuất thông tin điện tử, sản xuất các bài chất lượng cao, theo định dạng phong phú long-form/mega story, infographics, megastory (tác phẩm báo chí bao gồm âm thanh, video, ảnh, dữ liệu thể hiện bằng công nghệ kỹ thuật số), timeline (thông tin tư liệu tổng hợp theo dòng thời gian),… kết hợp nhiều yếu tố đa phương tiện, cập nhật những xu hướng nổi bật của báo chí thế giới hiện nay là Visual Journalism (báo chí thị giác), Data Journalism (báo chí dữ liệu)” bà Nguyễn Thị Hoa Mai đánh giá.
Vẫn còn tồn tại
Bên cạnh những mặt làm được, vấn đề BCĐN cũng còn những tồn tại như: Thiếu chính sách đặc thù cho BCĐN. Hiện, nhà nước chưa có chính sách, đơn giá để thuê đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, dẫn chương trình nước ngoài; chưa có chính sách đặc thù để đưa kênh truyền hình Việt Nam vào hạ tầng các nước (ở các nước việc đăng, phát tin, bài, đưa kênh vào truyền hình bản địa thực hiện theo Luật Thương mại, không theo Luật Đấu thầu như ở ta). Bên cạnh đó, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật đặt hàng riêng cho BCĐN; hiện tượng chảy máu chất xám đang diễn ra ở nhiều cơ quan BCĐN; số lượng người đọc, xem, nghe nhìn, truy cập và xếp hạng lượng truy cập chưa cao; chưa có công cụ đo lường, đánh giá thống nhất để đánh giá hiệu quả thông tin của BCĐN.
Cần xây dựng và phát triển các cơ quan báo chí đối ngoại quốc gia hiện đại
Theo bà Nguyễn Thị Hoa Mai, BCĐN quốc gia là lực lượng chủ lực phục vụ công tác tư tưởng và nhiệm vụ thông tin đối ngoại, do đó, cần xây dựng, củng cố và phát triển các cơ quan BCĐN quốc gia hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu từ các cơ quan BCĐN và qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn từ nước ngoài, Cục Thông tin đối ngoại đề xuất một số giải pháp bước đầu nhằm nâng cao sức ảnh hưởng của BCĐN góp phần xây dựng và nâng cao thứ hạng hình ảnh Việt Nam.
Trong đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy BCĐN phát triển ngang tầm khu vực và thế giới, trong đó, chú trọng về cơ chế chính sách đặc thù, định mức kinh tế - kỹ thuật riêng để đặt hàng báo chí thực hiện nhiệm vụ TTĐN, có chính sách thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm tuyên truyền ở các nước sở tại. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển BCĐN, xây dựng kênh truyền hình đối ngoại quốc gia VOV World. Đồng thời, đặt ra chỉ tiêu phát triển cụ thể cho BCĐN, định hướng hoạt động truyền thông quảng bá cho các cơ quan báo chí.
Song song đó, cần xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế giữa Chính phủ với Chính phủ, trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí hai nước có thể ký biên bản ghi nhớ, liên kết để thực hiện. Trong biên bản ghi nhớ, có thể thêm một vài cơ chế khác như cơ chế trao đổi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Về việc này, năm 2018, 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Hàn Quốc ký hiệp định đồng sản xuất chương trình. Trên cơ sở đó, các đài truyền hình trung ương và địa phương hai nước hỗ trợ nhau và đồng sản xuất các chương trình truyền hình.
Thêm nữa, xây dựng bộ công cụ để đo hiệu quả thông tin một cách hiệu quả, thống nhất. Đào tạo nâng cao kiến thức chuyển đổi số, ngoại ngữ, kỹ năng, nghiệp vụ TTĐN cho phóng viên, biên tập viên.
Đối với cơ quan báo chí đối ngoại, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, phát triển nội dung số theo hướng dựa trên công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (từ khâu sản xuất tin, bài, dựng cho đến truyền dẫn, phát sóng); tổ chức phân phối nội dung trên các nền tảng mạng xã hội nhằm đảm bảo sự đầu tư có hiệu quả vừa thu được lợi nhuận từ quảng cáo, vừa đáp ứng nội dung phục vụ khán giả.
Cùng với đó cần tổ chức truyền thông quảng bá theo Khung nội dung thống nhất với 22 Chỉ số cụ thể do cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn. Chủ động liên kết trong hoạt động đào tạo nhân lực, công nghệ. Tăng cường hoạt động sản xuất chung với báo chí nước ngoài, báo chí cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Và tổ chức phân phối nội dung trên nền tảng mảng xã hội. Sử dụng hiệu quả các mối quan hệ với các tập đoàn truyền thông, tập đoàn công nghệ trên thế giới để phân phối sản phẩm báo chí đặc sắc lên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới. Mặt khác, tạo diễn đàn tương tác với cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam, gắn kết với các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách của Việt Nam./.