Yêu cầu người dùng mạng xã hội xác định danh tính: Giải pháp để xử lý vấn nạn tin giả

VA| 24/11/2020 10:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Tin giả xuất hiện từ lâu, ở mọi thời kỳ song những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất là Internet và mạng xã hội thì tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Nhằm gia tăng công cụ đối phó với vấn nạn này, Bộ TT&TT sẽ ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, coi đây là giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn tin giả.

Vấn nạn tin giả hoành hành trên mạng xã hội

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản YouTube. Song, việc người dùng chủ yếu sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới cũng khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, đấu tranh với những vi phạm của người sử dụng mạng xã hội nhằm bảo đảm môi trường lành mạnh và hạn chế những tác động tiêu cực.

"Tin giả ở Việt Nam chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới mà chủ yếu là Facebook và YouTube. Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng. Do vậy, các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp hiện nay. Thời gian qua, Bộ TT&TT xác định, làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và làm rất quyết liệt. Về thể chế đã ban hành Nghị định 75 về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong Phiên chất vấn của Quốc hội chiều ngày 6/11.

Yêu cầu người dùng mạng xã hội xác định danh tính: Giải pháp để xử lý vấn nạn tin giả - Ảnh 1.

Tin giả ở Việt Nam chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới mà chủ yếu là Facebook và YouTube.

Theo đó, về công cụ quản lý, Bộ TT&TT đã xây dựng và nâng cấp Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, có năng lực xử lý mỗi ngày là 300 triệu tin, có thể phân tích, đánh giá, phân loại và phát hiện sớm. Cùng với đó, hiện đã hình thành các đường dây nóng của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) và các Sở TT&TT để tiếp nhận phản ánh về các tin giả, tin xấu độc.

Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT cũng đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu, độc. Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của YouTube là tăng từ 50% lên 90%.

Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Tương tự, số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ tăng 8 lần.

Về xử lý vi phạm hành chính thì từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ TT&TT đã cùng các Sở TT&TT các tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng địa phương xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về tin sai tin giả, xử lý hàng ngàn đơn thư khiếu nại và phản ánh, tố cáo về tin giả.

Yêu cầu người dùng mạng xã hội xác định danh tính: Giải pháp để xử lý vấn nạn tin giả - Ảnh 2.

Yêu cầu người dùng mạng xã hội xác định danh tính là giải pháp để xử lý vấn nạn tin giả.

Không để tình trạng vô danh, vô trách nhiệm trên mạng xã hội

Để giải quyết vấn nạn tin sai, tin giả, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2021, Bộ sẽ tập trung lại một số việc như tiếp tục sửa các Nghị định liên quan về mạng xã hội và tin giả, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm nay, yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội. 

"Chúng tôi coi đây là giải pháp căn cơ để người sử dụng không còn nghĩ rằng, lên mạng xã hội là vô danh, vì thế mà vô trách nhiệm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phát triển các công cụ rà quét và quản lý không gian mạng bắt buộc phải bằng công nghệ; Các nền tảng xuyên biên giới bắt buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ trưởng chỉ ra rằng, hiện nay, 4 công ty lớn GAFA (viết tắt của Google, Apple, Facebook và Amazon) phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế.

Bộ TT&TT sẽ cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.

Một giải pháp mạnh được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị với Quốc hội là thay đổi quy định về xử phạt để có tính răn đe. Hiện nay, xử phạt chủ yếu là con số tuyệt đối mà chưa sử dụng mức phạt dựa trên doanh thu. Nếu phạt 100 triệu đồng là khoảng 5.000 USD thì đối với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ là lớn, nhưng với doanh nghiệp hàng chục tỷ USD thì quá nhỏ. Các nước đã áp dụng hình phạt trên doanh thu với các nền tảng xuyên biên giới, ví dụ 4% doanh thu, với Facebook thì mức phạt này là trên 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, bài học rút ra có 4 điểm đáng lưu ý: Quy trình hành vi vi phạm pháp luật phải rõ ràng trong văn bản pháp luật; Mức phạt phải có tính răn đe; Phải có công cụ phát hiện tự động và quản lý bằng công nghệ; Và sau đó là thực thi nghiêm minh dù là nước ngoài hay trong nước.

Bài liên quan
  • Ứng dụng công nghệ để xác minh độ tuổi người dùng mạng xã hội
    Giới hạn độ tuổi tối thiểu để sử dụng các nền tảng mạng xã hội là một giải pháp được nhiều quốc gia đã và đang xem xét áp dụng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến. Tuy nhiên, điều quan trọng là quy định này được thực thi nghiêm túc. Na Uy đang xem xét yêu cầu liên kết đăng nhập vào mạng xã hội với hệ thống BankID.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu người dùng mạng xã hội xác định danh tính: Giải pháp để xử lý vấn nạn tin giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO