Chuyển đổi số

Yếu tố then chốt trước khi doanh nghiệp chuyển đổi số

NK 01/11/2023 05:58

Theo đại diện Coca Cola, trước khi lên kế hoạch chuyển đổi số (CĐS), doanh nghiệp (DN) cần có sự đánh giá khách quan, phân tích nội tại của công ty. Điều này là yếu tố then chốt dẫn đến CĐS thành công hay thất bại.

Một trong số những đơn vị ứng dụng "cloud" sớm nhất tại Việt Nam

Chia sẻ tại sự kiện được tổ chức mới đây, ông Rahul Shinde - Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc CNTT của Coca Cola Beverages Việt Nam - đã chia sẻ về tư duy CĐS và chiến lược từ công ty sản xuất đồ uống hàng đầu thế giới.

Theo ông, CĐS bao gồm rất nhiều yếu tố thay vì chỉ gói gọn trong công nghệ. Đồng thời, cũng cần xem xét các yếu tố khác như an ninh mạng.

Với Coca Cola, hãng này đã hiện diện ở Việt Nam từ năm 1994 và đã có sự phát triển thần tốc với mạng lưới 80.000 cửa hàng khắp Việt Nam. Theo ông Rahul Shinde, hãng đã địa phương hoá cách thức tiếp cận của sản phẩm để có nhiều đơn vị phân phối sản phẩm nhất có thể.

Cũng giống như các hãng khác, Coca Cola đã đặt ra bài toán phải tăng cường ứng dụng các công nghệ khác nhau, thay đổi cơ cấu, cách thức tổ chức… để có thể vận hành mạng lưới của mình. Để giải quyết vấn đề này, Coca Cola đã triển khai hệ thống quản lý dựa trên trên nền tảng điện toán đám mây (cloud).

Coca Cola là một trong số những công ty ứng dụng hệ thống cloud trong công tác điều hành đầu tiên tại Việt Nam”, ông Rahul Shinde chia sẻ.

Để tạo môi trường làm việc hạnh phúc cho cán bộ, nhân viên của mình, Coca Cola đã đẩy nhanh quá trình CĐS DN thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm quản trị nhân sự, hỗ trợ công tác điều hành và tạo ra công cụ để kết nối và tương tác với hơn 2.500 nhân sự, bằng cách tạo ra cách thức đơn giản nhất để họ tương tác với công ty chỉ với laptop, smartphone, tablet…

Ngoài ra, với cloud, Coca Cola có thể phát hiện những thay đổi cần phải thực hiện để giải quyết những đứt gãy, gián đoạn trong quá trình vận hành để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp.

8607-1698289255.jpg
Ông Rahul Shinde: Để CĐS thành công, DN cần đánh giá khách quan, phân tích nội tại của công ty trước khi lên kế hoạch thực hiện.

3 giai đoạn CĐS của Coca Cola

Cũng theo ông Rahul Shinde, Coca Cola đã và đang trải qua 3 giai đoạn CĐS: Giai đoạn 2019 - 2020; Giai đoạn 2020 - 2022 và giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó giai đoạn đầu tiên là thời điểm mà hãng này đánh giá thực trạng của mình cũng như về xu hướng công nghệ.

Chúng ta cần phải hiểu bản chất của những xu hướng này, nó có ý nghĩa như thế nào đối với công ty”, ông Rahul Shinde nói.

Do đó, trong 2 năm 2019 - 2020, Coca-Cola tập trung tìm hiểu đâu là yếu tố công nghệ sẽ tác động để cung cấp giá trị hay thiết lập phương thức tăng cường số hoá trong quá trình vận hành.

Tiếp theo, công ty sẽ phải bảo đảm những trải nghiệm của nhân viên. Để làm được điều này, Coca Cola đã phải có những trao đổi với các lãnh đạo cấp cao để có những đánh giá, theo dõi về sự thay đổi, dịch chuyển, sự ra vào của người lao động. Qua đó, đánh giá mức độ và tìm ra công cụ số phù hợp cho nhân viên sử dụng.

Ở giai đoạn tiếp theo, Coca Cola xác định sẽ phải nâng cao yếu tố công nghệ hơn nữa và lấy đây là trung tâm để tăng cường quản lý, dựa trên cloud trước đó đã được sử dụng.

Chúng tôi xác định và nhìn nhận xem phải tự động hoá các khâu nào trong quá trình vận hành và những công nghệ nào có thể áp dụng được nó”, ông Rahul Shinde chia sẻ thêm.

Để rồi, Coca Cola cũng đã được trải nghiệm việc ứng dụng những công nghệ đó khi COVID-19 ập và đã gây ra các đứt gãy, gián đoạn trong hoạt động trên toàn cầu nói chung và tại thị trường Việt Nam nói riêng.

Ngoài ra, công ty đã tập trung vào các thành phần chính liên quan đến công nghệ khi tiến hành CĐS như quá trình kiểm soát, tương tác với khách hàng, nhất là việc ứng dụng những giải pháp mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật.

Ông Rahul Shinde cho biết: “Để làm được điều này, Coca Cola cần có sự tương tác với dữ liệu để hiện thực hoá cách tiếp cận”.

Một yếu tố quan trọng khác cũng được Coca Cola chú ý đến, đó là việc bảo đảm bảo văn hoá của công ty trong quá trình CĐS, khi mà quá trình này cần được lan toả và truyền tải đến toàn thể cán bộ, nhân viên. Chỉ khi đó, việc CĐS mới được thực hiện một cách toàn diện trong tổ chức.

Để làm được điều này, Coca Cola đã xây dựng văn hoá số trong toàn bộ công ty để tất cả các bộ phận, phòng ban đều phải hướng theo những mục tiêu chuyển đổi này. Việc này cần thực hiện thông qua các dự án, đào tạo, nâng cao kỹ thuật, năng lực cho chính đội ngũ trong công ty cũng như chia sẻ với các đối tác.

Chúng ta cũng cần nhìn từ trên cao xuống để thấy được chiến lược CĐS một cách tổng thể”, ông Rahul Shinde cho biết thêm.

Nhìn lại kết quả quá trình CĐS, theo ông Rahul Shinde công nghệ là một trong số những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo quá trình này thành công. Thậm chí, ngay cả trong giai đoạn khó khăn, Coca Cola vẫn cho rằng, đầu tư công nghệ là một việc làm đúng đắn của DN.

Ông Rahul Shinde đúc kết ra hai yếu tố để đảm bảo CĐS thành công cho DN, đầu tiên, cần đánh giá khách quan, phân tích nội tại của công ty như mức độ tiếp cận, hệ thống quản lý, phân phối…. trước khi lên kế hoạch CĐS.

“Đây là yếu tố then chốt trong việc bảo đảm CĐS thành công”, ông Rahul Shinde nhận định.

Yếu tố thứ 2 là cần đánh giá hiệu quả sau khi ứng dụng công nghệ và liên tục CĐS.

Cuối cùng, trong bài chia sẻ của mình, ông Rahul Shinde khẳng định, CĐS là hành trình mà Coca Cola sẽ tiếp tục nhưng có những điểm mà hãng sẽ phải cải thiện nhiều hơn nữa để đảm bảo kết quả tích cực./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố then chốt trước khi doanh nghiệp chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO