Cà Mau: Hạn hán khiến người nghèo càng nghèo hơn

Quang Anh| 18/06/2020 08:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một trong số những tỉnh chịu tác động nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, nông dân Cà Mau đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có "tác động kép" của thiên tai, dịch bệnh có thể khiến hàng trăm hộ nghèo không thể thoát nghèo và hàng trăm hộ khác rơi vào cảnh tái nghèo.

Nông dân nghèo đối mặt với nguy cơ nghèo

Cà Mau là địa phương duy nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không được tiếp cận nguồn nước từ dòng Mekong, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời để sinh hoạt và sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Bởi vậy, những tác động từ hạn hán đến hoạt động canh tác lúa, màu của nông dân là rất lớn.

Do tình hình hạn hán mùa khô 2019 – 2020 xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt hơn đã gây ra nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hạn hán đã làm cho các kênh, rạch bị khô cạn, mất phản áp nước gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trên 1.600 điểm, vị trí trên tuyến đê biển Tây và nhiều tuyến đường giao thông với chiều dài trên 25,3km.

Cà Mau: Hạn hán khiến người nghèo càng nghèo hơn - Ảnh 1.

Diện tích dưa leo của gia đình anh Phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước tưới. Ảnh: QA

Là một trong những nông dân chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai, anh Quách Văn Phương (ngụ ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đang rất bất an. Hơn 2 hecta rau màu của gia đình anh đã bị khô héo vì khát nước.

Anh Phương tâm sự: "Toàn bộ diện tích rau màu của gia đình đã bị thiệt hại và ảnh hưởng; trong đó có gần 1ha dưa hấu bị thiệt hại trắng. Nếu tính tổng số tiền đầu tư cho rẫy dưa leo, dưa hấu thì gia đình tôi thiệt hại gần 70 triệu đồng".

"Trồng màu là thu nhập chính của gia đình anh với 3 người. Chưa bao giờ anh thấy nắng hạn khốc liệt và kéo dài như năm nay. Đối với người trồng màu, nước tưới rất quan trọng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì thu nhập của gia đình anh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi vụ rau màu tiếp theo vẫn chưa xuống giống được" – Anh Phương cho biết thêm.

Cà Mau: Hạn hán khiến người nghèo càng nghèo hơn - Ảnh 2.

Diện tích dưa hấu của gia đình anh Quách Văn Phương bị mất trắng do hạn hán.

Tỷ lệ tái nghèo còn cao

Do tác động của thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, công tác giảm nghèo của địa phương cũng đang đối diện với nhiều khó khăn. Đầu năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Cà Mau đã phối hợp với UBND các huyện thành phố tiến hành rà soát phân tích khả năng thoát nghèo của các hộ nghèo.

Kết quả có 52% hộ có khả năng thoát nghèo, trên cơ sở phân tích, từng địa phương, đơn vị có giải pháp hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ sinh kế, đã hỗ trợ kinh phí đầu tư trực tiếp cho 930 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ trên 11 tỷ đồng; nước sạch, y tế, giáo dục,... cũng đã được các ngành chức năng triển khai hỗ trợ người dân từ các chương trình mục tiêu cụ thể.

Ngoài ra, còn tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đới với các ấp, các xã đặc biệt khó khăn, xã trong chương trình 135 đảm bảo điều kiện đi lại của bà con, thuận lợi trong giao thương hàng hóa,... thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được chú trọng.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch… ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo từ 9,94% (2016) xuống còn 2,52% (2019), tương đương giảm 21.838 hộ nghèo. Tuy vậy, số lượng hộ tái nghèo vẫn còn cao, tuy tỷ lệ có giảm qua các năm. Cụ thể, năm 2016 có 100 hộ tái nghèo (0,42%); năm 2017 có 52 hộ tái nghèo (0,29%); năm 2018 có 31 hộ tái nghèo (0,26%); năm 2019 có 26 hộ tái nghèo (0,34%).

Đánh giá của Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau cho thấy, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và công tác giảm nghèo của tỉnh. Theo bà Nguyễn Thu Tư - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau, hạn hán dẫn đến thiếu hụt nguồn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con trong tỉnh. Mặt khác, thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ, người già, trẻ em.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến người dân, từ sinh hoạt, sản xuất và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, các hoạt động kinh tế bị đình trệ, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động. Trong khi đây là lĩnh vực đã qua giải quyết một lượng lao động phổ thông khá lớn, giúp họ ổn định cuộc sống.

"Việc gia tăng hộ nghèo, cận nghèo trong bối cảnh chung hiện nay là vấn đề tỉnh đã lường trước. Tốc độ giảm nghèo toàn tỉnh khá cao, mỗi năm trung bình giảm 1,86%. Tuy nhiên, số hộ nghèo còn lại đa phần là các hộ nghèo kinh niên, nghèo lõi khó có khả năng thoát nghèo nhất. Vì vậy công tác giảm nghèo với nhóm nghèo trong giai đoạn sau sẽ càng khó khăn hơn" – bà Nguyễn Thu Tư đánh giá.

Trong 4 năm qua kết quả giảm nghèo của tỉnh đạt khá cao, bình quân mỗi năm giảm 1, 86%, hiện nay toàn tỉnh còn 7.696 hộ nghèo, chiếm 2,52%.

Bài liên quan
  • Ngành GTVT Cà Mau chuyển đổi số để tạo đột phá trong công tác quản lý
    Xác định chuyển đổi số (CĐS) là khâu đột phá, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải (GTVT), góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu, ngành GTVT Cà Mau đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu CĐS.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Hạn hán khiến người nghèo càng nghèo hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO