Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7

Minh Trí| 23/04/2020 18:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày sách Việt Nam không bó hẹp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà ở các địa phương khác cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và trở thành ngày hội của cộng đồng.

Ở Cà Mau đã có nhiều giải pháp trong tổ chức triển khai, duy trì và phát triển văn hóa đọc. Từ đó, ngày càng nhiều ngày hội đọc sách được triển khai rộng khắp, với hàng trăm ngàn lượt độc giả tham gia. Đặc biệt, so với trước kia, thư viện cấp huyện, các phòng đọc cơ sở có sự gia tăng đáng kể.

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 - Ảnh 1.

Cơ sở vật chất, các đầu sách được luân chuyển thường xuyên, đảm bảo nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của mọi đối tượng.

Nhiều mô hình đọc sách

Hệ thống thư viện công cộng tỉnh Cà Mau gồm Thư viện tỉnh, 9 thư viện cấp huyện và trên 80 bưu điện văn hóa xã, hàng trăm thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ quan, đơn vị, công sở, trường học… 

Tỉnh đã phát động và duy trì phong trào đọc sách trong cán bộ, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân bằng nhiều hình thức trưng bày, triển lãm giới thiệu sách chuyên đề, chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật và các loại sách báo, tạp chí chính thống. 

Ngoài ra, tỉnh tổ chức trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí: “Hội thi cán bộ thư viện giỏi”, “Hội thi kể chuyện theo sách”, “Xếp sách nghệ thuật”, kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian gắn với đọc sách như: Rung chuông vàng, Đuổi hình bắt chữ, Ô chữ thông thái, vẽ tranh thiếu nhi… đã thu hút đông đảo độc giả tham gia.

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 - Ảnh 2.

Cà Mau phát động và duy trì phong trào đọc sách trong cán bộ, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân bằng nhiều hình thức trưng bày, triển lãm giới thiệu sách.

Mô hình “Tủ sách dành cho phạm nhân” tại Trại giam Cái Tàu là dấu ấn nổi bật. Hiện tại có 1 thư viện và 3 tủ sách, với trên 3.000 sách và tạp chí.

Hoạt động “Ngày hội đọc sách” và cuộc thi viết cảm nhận về sách được Trại giam Cái Tàu tổ chức thường niên, có gần 300 phạm nhân tham gia, giúp phạm nhân tự cảm hóa, nhận thức về bản thân và cuộc sống, để trở thành người có ích cho xã hội. 

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 - Ảnh 3.

Ở mỗi chuyến xe thư viện lưu động đều có tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí khai thác kiến thức bổ ích, giúp học sinh tìm tòi, say mê đọc sách.

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Cà Mau hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020, với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”. Bà Nguyễn Kim Diệu, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang phát động cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” lần 2 năm 2020. Các thí sinh dự thi chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc một bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc… Đây là hoạt động nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh, thiếu niên; từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho thế hệ trẻ - yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Văn hóa đọc - Hòa nhập nhịp sống số

Tại Quảng Ninh, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid - 19, Thư viện tỉnh  đã chủ động đổi mới cách thức hoạt động chuyên môn nhằm duy trì hiệu quả những hoạt động thường niên hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020. 

Thư viện tỉnh Quảng Ninh đã có những hướng đi mới mang lại hiệu quả cao. Trong đó, việc mở rộng triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động thư viện đang được thư viện tỉnh chú trọng. Đặc biệt, hai cuộc thi trực tuyến: “Tìm hiểu về Covid- 19 - Đẩy lùi dịch bệnh” và “Giới thiệu cuốn sách tôi yêu” đã được gấp rút triển khai nhằm tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về phòng, chống dịch Covid-19. Với cơ cấu giải thưởng hấp dẫn, cách thức tham gia đơn giản, chủ đề độc đáo, các cuộc thi đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Ban tổ chức (BTC) đã nhận được nhiều bài dự thi ấn tượng và chất lượng với nhiều độ tuổi đến từ các địa phương trên toàn tỉnh. 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Ninh cho biết “Hiện, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, các cuộc thi được tổ chức sẽ là một hoạt động thiết thực trong việc phòng, chống dịch bệnh. Mỗi thí sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình, người thân, bạn bè để chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19”

Bên cạnh đó, cuộc thi trực tuyến “Giới thiệu cuốn sách tôi yêu” cũng đã được thư viện tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhằm phát triển văn hóa đọc ngay cả khi nhiều hoạt động thư viện phải tạm ngưng do dịch bệnh. Theo đó, nhiều video gây xúc động sâu sắc, những câu chuyện về sách vô cùng ý nghĩa được các thí sinh chia sẻ và giới thiệu đến BTC.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO