130 nhà khoa học thảo luận chuyên sâu về "CNTT tiên tiến cho cuộc sống chất lượng hơn”

Lan Phương| 25/09/2019 13:13
Theo dõi ICTVietnam trên

130 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) đến từ 24 quốc gia đã tham dự Hội nghị chuyên đề quốc tế về CNTT-TT lần thứ 19 (ISCIT 2019), diễn ra trong 3 ngày 25-27/9/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

ISCIT là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, kỹ sư và chuyên gia trong ngành trao đổi và thảo luận về các ý tưởng mới, phát triển gần đây và những đột phá trong CNTT-TT.

ISCIT đã được tổ chức tại nhiều thành phố nổi tiếng như Chiangmai (2001), Pattaya (2002), Songkla (2003), Sapporo (2004), Bắc Kinh (2005), Bangkok (2006), Sydney (2007), Viêng Chăn (2008), Incheon (2009), Tokyo (2010), Hàng Châu (2011), Gold Coast (2012), Samui (2013), Incheon (2014), Cairns (2015), Nara (2016), Thanh Đảo (2017) và Bangkok ( 2018). Năm nay, Hội nghị được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Ban Tổ chức và các nhà khoa học tham dự Hội nghị ISCIT 2019

ISCIT được Hiệp hội Truyền thông IEEE Việt Nam (ComSoc Vietnam) và Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) cùng các phân ban chức kỹ thuật khác như Hiệp hội IEEE Việt Nam và các phân hội của Hiệp hội IEEE Việt Nam gồm Phân hội Mạch và Hệ thống phần cứng (SSCS Việt Nam) và Phân ban thông tin Tính toán (CiS Vietnam), Hiệp hội Kỹ thuật Điện/Điện tử, Máy tính, Viễn thông và CNTT (ECTI) của Thái Lan và Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật IEICE (ESS) của Nhật Bản bảo trợ.

Năm nay, Hội nghị do Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc Bộ TT&TT chủ trì tổ chức.

GS. Eryk Dutkiewicz, Đồng chủ tịch Ban chỉ đạo quốc tế Hội nghị ISCIT 2019

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS. Eryk Dutkiewicz, Đồng chủ tịch Ban chỉ đạo quốc tế Hội nghị ISCIT 2019 đã chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã tham dự Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Ông cho biết: ISCIT 2019 thu hút sự đóng góp nghiên cứu theo 5 chủ đề chính: (i) Mạch và hệ thống, (ii) Truyền thông không dây, (iii) Mạng không dây và Internet vạn vật, (iv) Mạng thế hệ tiếp theo và (v) Tính toán Thông minh, Khoa học dữ liệu & AI.

ISCIT đã nhận được 209 bài báo từ các nhà khoa học ở 24 quốc gia trên thế giới, khoảng một nửa số bài báo đến từ các nhà khoa học trong nước. Tất cả các bài nộp đã được thẩm định bởi ít nhất hai phản biện ẩn danh. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn được 116 bài báo chất lượng cao để đưa vào Kỷ yếu Hội nghị, tương ứng với tỷ lệ chấp nhận là 55%.

Ông Vũ Chí Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí TTTT

Thay mặt Ban tổ chức Hội nghị tại Việt Nam lần này, ông Vũ Chí Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Hội nghị là một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, kỹ sư và chuyên gia trong ngành để trao đổi và thảo luận về các ý tưởng mới, phát triển gần đây và đột phá trong lĩnh vực CNTT-TT. ISCIT 2019 với một nội dung chương trình thú vị hứa hẹn là một sự kiện đặc biệt đối với các nhà khoa học ICT quốc tế và Việt Nam cùng chia sẻ chuyên sâu về những đột phá mới trong CNTT-TT.

Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết: Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, băng rộng, đã thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội trên toàn thế giới và làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt hơn.

Trong nhiều năm, Việt Nam rất coi trọng sự phát triển của nghiên cứu khoa học và công nghệ CNTT, đã trở thành nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Là Bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam luôn hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT đã giúp hàng tỷ người trên thế giới cũng như hàng chục triệu người Việt Nam kết nối, học tập, làm việc để có cuộc sống tốt hơn.

Bộ TT&TT Việt Nam hy vọng rằng các nghiên cứu quan trọng được trình bày tại Hội nghị Cộng đồng ISCIT sẽ góp phần phát triển xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong ba ngày của hội nghị, sẽ có 2 bài phát biểu quan trọng (keynotes), 5 bài phát biểu được mời, 18 phiên hội nghị và đặc biệt là 5 phiên chuyên đề về: (i) Analogue và Thiết kế mạch tích hợp RF về công nghệ dựa trên silicon cho 5G và hơn thế nữa, (ii) Học máy để phát đa phương tiện, (iii), Lý thuyết mã hóa và ứng dụng, (iv) Xử lý tín hiệu cho mạng không dây 5G quy mô lớn và (v) An ninh mạng và An toàn thông tin trong công nghiệp 4.0.

Chủ đề của hội nghị chuyên đề năm nay là "CNTT tiên tiến cho cuộc sống chất lượng hơn”, theo đó, Ban Tổ chức hội nghị đã mời hai nhà khoa học nổi tiếng đưa ra những bài phát biểu quan trọng.

Gần đây, chúng ta đã chứng kiến ​​sự thành công lớn của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các ứng dụng thực tế khác nhau. Một thách thức là chúng ta thường không biết chính xác tại sao các ứng dụng lại thành công đến vậy. Nỗ lực nghiên cứu hiện tại về AI đang hướng tới "AI có thể giải thích". Vì thế, GS. Pierre Duhamel, Cộng hoà Pháp có bài phát biểu quan trọng về "Đánh giá độ tin cậy của các thuật toán học máy".

GS. Zahra Moussavi, Canada

Xã hội của chúng ta đang bước vào kỷ nguyên "lão hóa", thách thức chúng ta về cách giúp đỡ người già tốt hơn như vượt qua chứng mất trí nhớ. GS. Zahra Moussavi từ Đại học Manitoba (Canada) có bài phát biểu quan trọng về "Ứng dụng kỹ thuật vào quản lý bệnh Alzheimer: Chẩn đoán và điều trị không dùng thuốc".

Theo GS. Zahra Moussavi, suy giảm trí nhớ và nhận thức có liên quan đến lão hóa não bình thường nhưng cũng là tiền thân của chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer. Mặc dù hiện tại không có thuốc chữa bệnh hay vắc-xin phòng chống bệnh mất trí nhớ, nhưng dựa trên tính mềm dẻo của não bộ, có nhiều hy vọng sẽ trì hoãn sự khởi phát hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Bệnh Alzheimer là thực trạng đa diện, do đó, chìa khóa để chữa trị cần một cách tiếp cận đa ngành. Nghiên cứu của tôi xem xét các phương pháp mục tiêu chẩn đoán và điều trị không dùng thuốc.

Các nhà khoa học tiếp tục trao đổi bên lề Hội nghị

Trên thế giới và Việt Nam, 5G đang nhận được sự quan tâm. GS. Hans-Jürgen Zepernick, Viện công nghệ Blekinge, Thụy Điển sẽ có bài phát biểu “Thực tế mở rộng di động (Mobile Extended Reality - Mobile XR) trong 5G và hơn thế nữa”.

Theo GS. Hans-Jürgen Zepernick, mạng di động thế hệ thứ năm (5G) và các mạng thế hệ tiếp theo sẽ là những yếu tố hỗ trợ thiết yếu để mang XR di động sẽ vươn ra khỏi trò chơi video tới thị trường tiêu dùng và công nghiệp nói chung. 5G và các mạng di động trong tương lai đang được phát triển để phục vụ cho các thông tin liên lạc có độ trễ thấp cực kỳ đáng tin cậy như XR di động.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
130 nhà khoa học thảo luận chuyên sâu về "CNTT tiên tiến cho cuộc sống chất lượng hơn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO