5 định hướng đẩy mạnh triển khai mobile money của MobiFone
MobiFone thúc đẩy mở rộng hệ sinh thái tài chính số với việc triển khai cung cấp dịch vụ tiền di động MobiFone Money, từ đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quyết tâm thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Bối cảnh thị trường mobile money tại Việt Nam
Mobile money vẫn là dịch vụ còn mới mẻ tại Việt Nam so với các dịch vụ tài chính số khác nhưng đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy không dùng tiền mặt.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản, còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất.
Ngoài ra, thị trường mobile money tại Việt Nam cũng được đánh giá là rất tiềm năng, khi có khoảng 75% (92,88 triệu/123,76 triệu thuê bao di động) thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) năm 2022.
Chia sẻ tại phiên hội thảo chuyên môn với chủ đề “Sáng kiến và Cải tiến cho Internet thế hệ mới” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Hội thảo - Triển lãm Internet Day 2023, ông Nguyễn Quang Khánh, Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cho biết, việc triển khai dịch vụ mobile money sẽ giúp tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân, nhất là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội và mở rộng kênh thanh toán kinh doanh thương mại trên di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Dịch vụ mobile money cho phép các doanh nghiệp (DN) viễn thông tham gia vào lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới là dịch vụ trung gian thanh toán, trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống bão hòa. Đây sẽ là những mảnh ghép quan trọng hoàn thiện hệ sinh thái số của nhà mạng, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS).
Thị trường mobile money được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh và phát triển tốt với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Rõ ràng, mobile money mở ra một phương thức thanh toán mới tại Việt Nam, đặt ra cơ hội lớn nhưng cũng nhiều thử thách đối với các nhà mạng viễn thông trong việc triển khai.
Theo đó, một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất hiện nay là về thói quen tiêu dùng. Mobile money được triển khai trong bối cảnh thị trường có rất nhiều sản phẩm thanh toán từ ngân hàng, ngân hàng số…, điều này dẫn đến sự cạnh tranh lớn, khi điều kiện để đăng ký dịch vụ mobile money khá khó khăn. Không những phải xác thực danh tính (KYC) như ngân hàng, mà thông tin thuê bao còn phải khớp hoàn toàn với số chứng minh thư/CCCD, giấy tờ tùy thân.
Bên cạnh đó, các điểm kinh doanh của nhà mạng phủ khắp trên toàn quốc, nhưng điều kiện của điểm kinh doanh mobile money lại phải có tư cách pháp nhân, đặc biệt khó khăn đối với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điểm chấp nhận thanh toán cần phải ký hợp đồng.
Ngoài ra, tập khách hàng mục tiêu, 30% người dân chưa có tài khoản ngân hàng lại là những đối tượng khó mở rộng và tiếp cận nhất.
Triển khai hệ sinh thái tài chính số toàn diện MobiFone Money
Từ cuối năm 2021, MobiFone đã trở thành nhà mạng di động đầu tiên được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ mobile money. Với việc triển khai cung cấp dịch vụ này từ 22/1/2022, dịch vụ mobile money của MobiFone cho phép khách hàng dùng tài khoản tiền di động để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau.
MobiFone Money là hệ sinh thái tài chính số của MobiFone cung cấp và phổ cập cho khách hàng các dịch vụ tài chính trên nền tảng số, bao gồm: dịch vụ ví điện tử MobiFone Pay, dịch vụ tiền di động (Mobile Money), dịch vụ Cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử, các dịch vụ tài chính hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tín dụng (cho vay, bảo hiểm… ) và các dịch vụ tài chính khác một cách dễ dàng, nhanh chóng và an toàn… mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng.
Hệ sinh thái tài chính số MobiFone Money được MobiFone tích cực phát triển với kỳ vọng góp phần đưa dịch vụ thanh toán điện tử, tài chính số có thể tiếp cận đến 100% người dân, đặc biệt với những người ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều mà các dịch vụ ngân hàng truyền thống, ví điện tử chưa làm được.
Các dịch vụ này sẽ góp phần đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh CĐS toàn diện mọi mặt của xã hội.
5 định hướng triển khai mobile money của MobiFone
Cũng chia sẻ tại phiên hội thảo chuyên môn “Sáng kiến và Cải tiến cho Internet thế hệ mới”, ông Nguyễn Quang Khánh cho biết, tham gia vào lĩnh vực mobile money, MobiFone có quan điểm rất rõ ràng đó là mobile money là một dịch vụ mang đến lợi ích cho cộng đồng. Do đó, MobiFone có những yêu cầu tiêu chuẩn riêng rất cao, tương đương hay thậm chí còn cao hơn so với lĩnh vực tài chính ngân hàng, với mức độ bảo mật cao.
Theo đó, ông Khánh đã chia sẻ về 5 định hướng nhằm đẩy mạnh triển khai mobile money của MobiFone trong thời gian tới.
Thứ nhất là phổ cập thanh toán số cho toàn dân, đặc biệt hướng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai là triển khai hệ thống tài chính toàn diện với việc cung cấp cho người dân dịch vụ đơn giản với chi phí phù hợp; Dần dần phổ cập kiến thức tài chính cho người dân; Tham gia các chương trình phát triển nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, các mục tiêu bền vững của Chính phủ.
Thứ ba là đầu tư phát triển công nghệ, cung cấp phương tiện thanh toán nhanh, đơn giản, bảo mật.
Thứ tư là hợp tác liên kết với các ngân hàng, tổ chức tài chính để cung cấp đa dạng các dịch vụ thanh toán, tài chính cho khách hàng.
Và cuối cùng là hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số MobiFone Money, tăng tiện ích nhằm giữ chân khách hàng hiện hữu và phát triển thêm khách hàng mới./.