6 VẤN ĐỀ CHIẾN LƯỢC TRONG HỢP TÁC CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM – NHẬT BẢN

03/11/2015 20:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Có thể nói ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn khi hàng loạt thương hiệu lớn nổi tiếng của nước ngoài đang chuyển sản xuất sang Việt Nam hoặc tiếp tục mở rộng nhà máy với quy mô lớn

Công nghiệp điện tử (CNĐT) là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Việc ứng dụng công nghệ điện tử vào các ngành nghề khác sẽ trợ giúp có hiệu quả công việc sáng chế, tăng năng suất và tạo ra những thị trường mới với nhiều việc làm hơn. Đây là một trong những ngành chính, quan trọng của công nghiệp, vì thế sự phát triển của công nghiệp điện tử đã được coi là một trong những tiêu chuẩn đánh giá trình độ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Một mặt, CNĐT là một ngành mang lại lợi nhuận rất lớn, trở thành nguồn tích lũy tư bản của nhiều quốc gia. Mặt khác, ngành CNĐT tạo ra khả năng hiện đại hoá các ngành công nghiệp khác và thay đổi tư duy cũng như cách làm việc của cả xã hội. Vì vậy, CNĐT còn được coi là công nghệ cơ sở của xã hội hiện đại, làm chuyển đổi mạnh mẽ công nghệ sản xuất, cơ cấu kinh tế và hiện đại hoá các quan hệ kinh tế, văn hoá xã hội.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp điện tử đã có những chiến lược phát triển như: Quyết định số 75/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử đến năm 2010 và tẩm nhìn 2020; Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật công nghệ thông tin (CNTT) về công nghiệp CNTT. Những chiến lược này đã góp phẩn phát triển CNĐT trong thời gian vừa qua. Nhiều tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài đẩu tư vào Việt Nam đang mở rộng quy mô hoạt động, điển hình là Intel, Samsung Electronics, Canon, Nokia,... Riêng năm 2012, ngành đã xuất khẩu hơn 22,9 tỷ USD sản phẩm, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và lẩn đẩu tiên đưa sản phẩm điện tử (vượt xuất khẩu dẩu thô) trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn nhất nước. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là linh kiện, sản phẩm, thiết bị phẩn cứng, máy tính, điện tử, viễn thông.

Mặc dù CNĐT Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên về tổng thể còn tồn tại nhiều khiếm khuyết. Doanh thu ngành công nghiệp phẩn cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành CNTT, nhưng trên thực tế giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện những dịch vụ thương mại.

CNĐT đã được Chính phủ xác định là một trong  những ngành công nghiệp chủ lực nằm trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, cụ thể ngày 1/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1043/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. CNĐT là một trong sáu ngành công nghiệp được ưu tiên lựa chọn hợp tác với Nhật Bản. Để cụ thể hóa Chiến lược hợp tác này, ngày 01/8/2014 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1290/ QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Mục đích của Kế hoạch hành động là mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ Nhật cũng như các nước khác và để doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp Nhật, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm tăng cường hợp tác công nghiệp điện tử của hai nước.

MỤC TIÊU KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Mục tiêu chung của Kế hoạch hành động (KHHĐ) bao gồm: thứ nhất là thu hút được nhiều dự án đầu tư có chất lượng của nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản vào ngành công nghiệp điện tử và ngành công nghiệp phụ trợ liên quan. Thứ hai là việc huy động tối đa sự tham gia của Chính phủ - doanh nghiệp - nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế, nhất là Nhật Bản, vào toàn bộ quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá hiệu quả phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Và cuối cùng là vấn đề giải quyết khiếm khuyết của CNĐT Việt Nam hiện nay liên quan đến nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, làm chủ công nghệ để có thể sáng tạo, thiết kế, sản xuất các sản phẩm phần cứng, điện tử của Việt Nam.

Dự kiến đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp điện tử tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 10% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp; đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường, gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam. Duy trì tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động cao và phát triển bền vững.

6 VẨN ĐỀ MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC TRONG HỢP TÁC CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, tại Quyết định số 1290/QĐ-TTg đã xác định 6 vấn đề mang tính chiến lược cần thiết thực hiện như sau:

1.Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử:  Đây là một trong những khó khăn lớn nhất phát triển CNĐT tại Việt Nam, mặc dù doanh nghiệp trong nước hiện có thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ nhất định như nhựa, cơ khí, hoá chất,. tuy nhiên do sản phẩm công nghiệp điện tử đòi hỏi chất lượng tiêu chuẩn rất cao, và nhìn chung các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được. Ví dụ, Thái Lan có khoảng 50 - 60 doanh nghiệp lắp ráp hàng điện - điện tử, nhưng họ có tới 1.800 doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm, công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp kia. Trong khi đó, nước ta cũng có khoảng 50 - 60 doanh nghiệp lắp ráp, nhưng chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp cung cấp linh kiện, sản phẩm phụ trợ.

Để giải quyết những khó khăn này, KHHĐ tập trung giải quyết các nhiệm vụ: Xác định được danh mục, tiêu chí đối với những sản phẩm hỗ trợ công nghiệp điện tử đủ tiêu chuẩn để được ưu đãi; Hỗ trợ tín dụng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất sản phẩm hỗ trợ công nghiệp điện tử; Xây dựng Sách trắng cung cấp thông tin công nghiệp hỗ trợ công nghiệp điện tử; Rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử; Xây dựng các chương trình liên kết, kênh thông tin giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản nhằm góp phần tích cực đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ, mô hình quản lý, nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử.

2.Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử:  Chính sách phát triển ngành điện tử tiêu dùng trong giai đoạn phát triển trước đây của CNĐT đã dẫn đến hạn chế phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành CNĐT. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, sản phẩm của ngành CNĐT cơ bản đã thoả mãn nhu cầu thị trường nội địa về các sản phẩm điện tử tiêu dùng thông dụng như tivi, đầu đĩa, điện lạnh,... Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp điện tử trong giai đoạn này chỉ tập trung vào các sản phẩm, dự án được hưởng ưu đãi, không coi trọng khâu nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm mới. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng ít thực sự đầu tư công nghệ cao hoặc chuyển giao công nghệ và Việt Nam chỉ thu được một số kinh nghiệm về tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng. Khi Việt Nam gia nhập WTO, chính sách bảo hộ hay ưu đãi không còn thì lập tức họ rút ra và trong suốt thời gian đó, các doanh nghiệp liên doanh này hầu như không đào tạo cho Việt Nam lực lượng kỹ sư thiết kế mà chủ yếu toàn đào tạo công nhân lắp ráp, quản đốc tiếp thu công nghệ của nước ngoài để sản xuất sản phẩm.

Nhiệm vụ KHHĐ hướng tới khắc phục bất cập này bao gồm: việc xây dựng lực lượng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực cơ điện tử, hệ thống nhúng, vi mạch điện tử, công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử; Nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường đại học trọng điểm nhằm thiết lập các phòng thí nghiệm quốc gia phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu cho ngành công nghiệp điện tử; Hình thành cơ sở hợp tác của các bên liên quan trong việc cung cấp lực lượng lao động ngành điện tử đáp ứng cả về chất và lượng theo nhu cầu sử dụng tại Việt Nam. Khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 bên (doanh nghiệp - viện, trường -cơ quan quản lý nhà nước) và phối hợp với trường đại học thu hút kiều bào về nước đào tạo trí thức cho Việt Nam.

3.Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử:  Do năng lực sản xuất sản phẩm điện tử và nguồn lực Việt Nam nước ta còn hạn chế nên việc tập trung nguồn lực cho các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử có ý nghĩa hết sức cần thiết. Những sản phẩm được chọn lọc cần đảm bảo làm nền tảng thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất lao động và tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế; đồng thời, phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ.

Để thực hiện nhiệm vụ này, KHHĐ tập trung vào những vấn đề cần thiết baogồm: xâydựngchính    sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ(CGCN),đẩy  nhanh ứng dụng công nghệ cao ngành công nghiệp điện tử trên cơ sở liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo, khuyến khích thông qua hình thức hợp tác công - tư; Nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ để sản xuất một số sản phẩm điện tử công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm thương hiệu quốc gia như sản phẩm vi mạch, các thiết bị IPV6: Switch, Router, Access Point,... Hỗ trợ doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý chất lượng sản xuất và giám sát các hoạt động sản xuất sản phẩm điện tử, như các bộ tiêu chuẩn 5S, JIT của Nhật Bản, hiện đang được một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện ở Việt Nam áp dụng.

4.Phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử: Thị trường là yếu tố mang tính quyết định trong  đảm bảo phát triển cho ngành CNĐT, Việt Nam có lợi thế với dân số hơn 90 triệu người và được đánh giá là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Nội dung của KHHĐ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước thông qua tăng cường công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu về sử dụng sản phẩm ngành công nghiệp điện tử trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội và xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ quan nhà nước sử dụng các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước.

Đối với thị trường xuất khẩu, KHHĐ tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh sản phẩm điện tử "an toàn, chất lượng cao" có xuất xứ tại Việt Nam ra các thị trường nước ngoài. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoặc các trung tâm thương mại ở nước ngoài để tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và ký kết hợp đồng, tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

5.Thu hút đầu tư các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới  

Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và hỗ trợ các công ty nước ngoài đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực CNĐT. Việc thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới có ý nghĩa quan trọng trong việc tận dụng sự lan tỏa sản xuất và công nghệ của các tập đoàn lớn để các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận phát triển. Nhiệm vụ cần thực hiện trong KHHĐ bao  gồm: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để thu hút các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới và doanh nghiệp vệ tinh liên quan đầu tư tại Việt Nam; Xây dựng quy định cho phép các doanh nghiệp chế xuất (EPE) bán tại thị trường nội địa các hàng hóa là linh phụ kiện điện tử trong nước chưa sản xuất được nhằm phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hoá đối với doanh nghiệp lắp ráp; Hỗ trợ thu hút và triển khai các dự án đầu tư FDI lớn trong ngành công nghiệp điện tử.

6.Hình thành các cụm công nghiệp điện tử (cluster)

Đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự quy tụ, đầu tư của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự liên kết, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp điện tử. Trong KHHĐ, các địa phương cần hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: cung cấp nguồn điện ổn định và hạ tầng mạng thông tin, hệ thống giao thông thuận tiện cũng như thủ tục cần thiết đảm bảo hình thành các cụm công nghiệp điện tử thuận lợi.

GIẢI PHÁP, TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Với 06 vấn đề mang tính chiến lược trong hợp tác CNĐT Việt Nam - Nhật Bản nêu trên, KHHĐ tập trung giải pháp huy động nguồn vốn để triển khai thông qua nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn viện trợ quốc tế, vốn huy động xã hội, cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ về tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất, nghiên cứu - phát triển và đào tạo nhân lực ngành công nghiệp điện tử thông qua các Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, và các quỹ khác theo quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp điện tử phát triển.

Về tổ chức triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đốc thúc thực hiện kế hoạch. Đến năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng họp kết quả thực hiện đến năm 2016, trên cơ sở đó sẽ xem xét có thể điều chỉnh lại Kế hoạch hành động cho giai đoạn từ sau năm 2017 phù hợp với tình hình thực tế. Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình. Hằng năm, tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án được phân công, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp liên quan hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử căn cứ nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động này, chủ động xây dựng các đề án, dự án cụ thể để đầu tư triển khai thực hiện.

Có thể nói ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn khi hàng loạt thương hiệu lớn nổi tiếng của nước ngoài đang chuyển sản xuất sang Việt Nam hoặc tiếp tục mở rộng nhà máy với quy mô lớn. Trong tương lai, Việt Nam hứa hẹn là cứ điểm sản xuất toàn cầu của nhiều hãng đa quốc gia. Hy vọng rằng việc triển khai hiệu quả 06 vấn đề chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam - Nhật Bản sẽ góp phần tích cực phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tài liệu tham khảo

[1].Nghị định số 71/2007/NĐ-CP.
[2].Quyết định số 75/2007/QĐ-TTg.
[3].Quyết định số 1290/2014/QĐ-TTg. 

Bùi Bài Cường

(TCTTTT Kỳ 2/10/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
6 VẤN ĐỀ CHIẾN LƯỢC TRONG HỢP TÁC CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM – NHẬT BẢN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO