Ông T.V. Ramachandran, Chủ tịch, Diễn đàn băng thông rộng Ấn Độ (BIF) cho biết: "Trên toàn cầu, dù ở Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng như Ấn Độ, ý tưởng về 6G đã khởi xướng một sự thay đổi mô hình nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khác nhau để đưa thế hệ công nghệ số mới này trở thành hiện thực vào năm 2030".
Trong cuộc đối thoại về "6G: Tầm nhìn và viễn cảnh tương lai" vừa diễn ra, ông T.V Ramachandran cho biết "Cuộc đối thoại về 6G này nhằm mang lại các thông tin ban đầu hữu ích để xác định các cam kết và tiến bộ trong tương lai mà chúng ta cần thực hiện để đạt được năng lực toàn cầu và dẫn đầu trong 6G".
Đối thoại còn có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Kỹ thuật số (DCC) K. Rajaraman, đại diện Cục Viễn thông (DoT), các chuyên gia hàng đầu thuộc lĩnh vực. Họ đã tranh luận về cách các mạng 6G dự kiến sẽ hoạt động như cấu trúc của thế giới vật lý và kỹ thuật số hội tụ, đáp ứng khả năng thông minh, kết nối vô hạn và đồng bộ hóa hoàn toàn.
Các chuyên gia nhấn mạnh: "Bản sao số của các mạng, tài sản, quy trình, hệ thống sẽ kết hợp với nhau trên quy mô lớn và khả năng hội nghị holographic (3D) sẽ trở thành tiêu chuẩn cho công việc và tương tác xã hội".
Tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo rằng chính phủ của ông khởi động các dịch vụ 6G ở nước này vào cuối thập kỷ này.
"Những người trẻ có thể nghiên cứu các giải pháp mới để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ máy bay không người lái trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Ấn Độ cũng đang chuẩn bị ra mắt 6G vào cuối thập kỷ này và khuyến khích các giải pháp của Ấn Độ trong công nghiệp game và giải trí. Với cách chính phủ đang đầu tư vào công nghệ, mọi thanh niên nên tận dụng lợi thế của công nghệ", Thủ tướng Modi nói.
Cuối năm 2021, tại Đối thoại Sydney trực tuyến, Thủ tướng Modi cũng cho biết: Ấn Độ đang đầu tư vào cho công nghệ viễn thông 5G và 6G trong nước bên cạnh việc tập trung vào cho lĩnh vực sản xuất bán dẫn.
6G được dự đoán là một mạng được phân tách, ảo hóa và có thể mở rộng bao gồm các chức năng mạng nhỏ hơn với chức năng chi tiết, sẽ cho phép xử lý giao thức dành riêng cho ứng dụng.
Các dải tần số sóng milimet trong phạm vi 24 GHz - 52 GHz, được 5G tiên phong sử dụng và có khả năng sẽ sớm được mở rộng lên 100 GHz, sẽ được 6G sử dụng.
Theo BIF, dải tần từ 7 - 24 GHz có thể được khai thác cho 6G bằng cách triển khai các cơ chế chia sẻ nâng cao.
Các chuyên gia cho biết: "Hệ thống 6G sẽ tập trung vào các kỹ thuật tiết kiệm mức tiêu thụ năng lượng. Các hệ thống 6G cũng sẽ yêu cầu kiểm thử và xác thực độc lập, không phụ thuộc vào nhà cung cấp./.