ASEAN tập trung phát triển nông nghiệp bền vững

TH| 06/10/2022 11:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực. Thực tế cho thấy, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là “điểm tựa” của nền kinh tế giúp các nước vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, để cải thiện hệ thống nông nghiệp, các quốc gia thành viên cần đưa ra biện pháp thiết thực thúc đẩy nền nông nghiệp của khu vực ASEAN tiến kịp với các quốc gia phát triển. Đặc biệt, các nước thành viên ASEAN cần chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp sinh thái và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp sinh thái

Hiện nay, tình hình khu vực và quốc tế ngày càng khó lường, thách thức ngày càng gia tăng, từ tác động đa chiều của dịch bệnh COVID-19 đến đối đầu giữa các nước lớn, từ nguy cơ chạy đua vũ trang tới diễn biến phức tạp…. Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng đặt ra nhiều khó khăn cho mỗi quốc gia nói riêng và ASEAN nói chung. Hơn bao giờ hết, ASEAN cần đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, nỗ lực xây dựng Cộng đồng "thống nhất trong đa dạng", gắn kết, bao trùm và hợp tác.

Ngành nông nghiệp của các nước Đông Nam Á đang đứng trước lựa chọn cấp bách giữa các mô hình canh tác nông nghiệp. Một bên là các mô hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và một bên là phương thức canh tác thâm canh cao dù mang lại năng suất và sản lượng nông nghiệp cao trong ngắn hạn, nhưng đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, rủi ro cho người nông dân sản xuất nhỏ. Nhằm khắc phục những hạn chế của phương thức canh tác thâm canh cao phụ thuộc vào các đầu vào hóa học này, Nông nghiệp sinh thái đang được coi như một lựa chọn đúng đắn để hướng đến một nền Nông nghiệp bền vững và hệ thống lương thực, thực phẩm an toàn.

Nông nghiệp sinh thái được hiểu là nền sản xuất nông nghiệp dựa trên việc áp dụng các nguyên tắc sinh thái để tối ưu hóa các tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường, đồng thời giải quyết được hài hòa các khía cạnh xã hội và kinh tế cần thiết cho một hệ thống lương thực bền vững và công bằng. Nông nghiệp sinh thái là giải pháp để xây dựng và duy trì sự gắn kết hài hòa giữa sản xuất lương thực, an ninh lương thực và dinh dưỡng, sinh kế nông thôn và đồng thời khôi phục các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học cần thiết cho nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.Về thực hành, Nông nghiệp sinh thái bao gồm các hệ thống canh tác sáng tạo, ít phụ thuộc vào hóa chất và bao gồm một loạt các thực hành lành mạnh hơn, thân thiện với môi trường và ổn định về mặt xã hội; cụ thể như các mô hình canh tác sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu địa phương, giảm đầu vào hóa học, canh tác nông lâm kết hợp, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, thiết kế hệ thống canh tác theo cảnh quan, canh tác hữu cơ, nông nghiệp bảo tồn….

Chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Hệ thống lương thực An toàn đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái tại các quốc gia Đông Nam Á. Mục tiêu chung của Chương trình là hướng đến một hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp ở Đông Nam Á bền vững hơn, an toàn hơn và toàn diện hơn, thông qua việc khai thác tiềm năng của Nông nghiệp sinh thái để chuyển đổi nền nông nghiệp và hệ thống thực phẩm. Chương trình được triển khai trong 5 năm từ 2020 đến 2025 ở 4 nước Cambodia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Asean phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 1.

Nông nghiệp công nghệ cao - Xu hướng phát triển mới của nền nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Internet

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp

Thực tế cho thấy, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN thì nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, giúp các nền kinh tế vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của mỗi quốc gia.

Tuy đóng vai trò then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhưng nông nghiệp đang là lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu rất nhiều rủi ro. Ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ ngành kinh tế khác trong việc sử dụng các nguồn lực, tài nguyên đất đai, nguồn nước.

Mặt khác, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức như suy giảm năng suất, trình độ phát triển, đặc biệt là tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong đó, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và phát triển bền vững của các quốc gia.

Do đó, cần đưa ra các giải pháp, sáng kiến thiết thực để nắm bắt các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đưa nông nghiệp ASEAN tiếp kịp các quốc gia phát triển. Các nước ASEAN cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa, giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông lâm nghiệp của khu vực.

Ngoài ra, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết với hộ nông dân; tối ưu hóa các khâu sản xuất, phân phối và quản lý nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, lãnh đạo ngành nông nghiệp của các quốc gia trong khối ASEAN đã đi đến thống nhất nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng phục hồi của Hệ thống lương thực thực phẩm là vô cùng cấp thiết.

Đó là những nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác giữa các ngành về nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và các sáng kiến quản lý đất bền vững nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ thống nông nghiệp sinh thái trong khu vực.

Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam rất coi trọng tiến trình hợp tác khu vực và sẽ tiếp tục đầu tư thích đáng về nguồn lực, nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vì lợi ích thiết thực của người dân ASEAN.

Việt Nam phát triển nông nghiệptrong hội nhập ASEAN

Theo Bộ NN&PTNT Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 33% cơ cấu kinh tế, chiếm hơn 20% kim ngạch thương mại của các nước. Nông nghiệp là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao có khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu là một trong những ưu tiên chính hiện nay của của các nước ASEAN.

Tại Việt Nam, một trong những hạn chế của nông nghiệp chính là đội ngũ khoa học nông nghiệp còn hạn chế về năng lực nghiên cứu, thiếu cán bộ đầu ngành giỏi. Nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ như công nghệ sinh học thiếu nhân lực trình độ cao nên chậm được triển khai. Điều kiện vật chất, kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo còn lạc hậu, không đồng bộ, dẫn đến việc đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa gắn lý thuyết với thực hành, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu trên một đơn vị sản phẩm.

Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ còn chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức, do vậy chưa tạo ra được các bước đột phá cho hoạt động sản xuất. Mức độ đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp thấp, mặc dù một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp nhưng nhìn chung vẫn còn rất ít, chỉ khoảng vài phần trăm; đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp không đáng kể.

Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao chậm chuyển biến, chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng và tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững. Thiết bị và công nghệ chế biến sau thu hoạch còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến còn chưa phát triển, quy mô nhỏ, tỷ lệ hao hụt, thất thoát cao. Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường khu vực thời gian qua.

Để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Chính phủ Việt nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hiệu quả./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASEAN tập trung phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO