Bắc Giang: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Đỗ Thêu| 05/10/2022 09:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 16/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 130NQ/TU về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tạo ra một đòn bẩy cho ngành nông nghiệp trong tỉnh, mang lại năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Những kết quả từ Nghị quyết 130 mang lại là nền tảng cho một loạt chính sách mới của tỉnh và Trung ương về ứng dụng khoa học CNC vào sản xuất nông nghiệp an toàn...

Bắc Giang là một tỉnh miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ. Lợi thế kinh tế của tỉnh là nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ngành nông nghiệp là một thế mạnh giúp phát triển kinh tế của người dân. 

Tỉnh cũng đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đưa giống mới, phương pháp canh tác mới vào sản xuất và đã thu được những thành tựu nhất định. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay và xác định được tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ giúp đổi thay bức tranh nông nghiệp của tỉnh, đưa nền nông nghiệp hội nhập quốc tế.

Hiện nay, toàn tỉnh có 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC; có 585 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 48 hợp tác xã ứng dụng CNC vào sản xuất; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt bình quân từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với sản xuất thông thường, trong đó mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất CNC và tương đương đạt 40%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng CNC đạt 20%. Và đến năm 2030 mục tiêu của tỉnh đề ra là, tỷ lệ giá trị sản xuất ứng dụng CNC của ngành nông nghiệp đạt 50%, thủy sản đạt 55% và lâm nghiệp đạt 30%.

Từ những mục tiêu trên tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn.

Tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, mô hình tổ hợp tác sản xuất rau sạch của gia đình anh Lê Hữu Khiên cùng hai hộ khác trong thôn đã đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh những sản phẩm theo quy trình VietGAP như dưa lưới, dưa chuột baby thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động, mức lương 250.000 đồng/ngày. Để trồng được những sản phẩm đạt chất lượng cao anh Khiên đã xây dựng 3 mô hình nhà màng với tổng diện tích gần 900m2, vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng trong đó tỉnh, huyện hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Và thời gian tới anh Khiên có hướng xây dựng các sản phẩm OCOP để cung ứng cho thị trường cao cấp.

Tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, mô hình Hợp tác xã Như Hoa do chị Nguyễn Thị Như làm Chủ nhiệm HTX. Hướng đi của chị Như là trồng các loại hoa và phát triển mô hình nhà lưới trồng các loại rau, quả trái vụ, khoai tây, dưa lê Hàn Quốc, dưa lê Đài Loan… Từ mô hình này đã giúp kinh tế của gia đình chị là một trong những gia đình khá giả trong thị trấn, ngoài ra chị tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và khoảng 20 lao động thời vụ với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Mong muốn của chị Như là đưa những sản phẩm CNC do chính cơ sở sản xuất của mình và những đặc sản quê hướng đến với các tình bạn, đến các khu du lịch để nhiều người tiêu dùng biết đến. Đầu năm 2022, chị Như mạnh dạn liên kết mở rộng thị trường, chị đã đưa hơn 100 sản phẩm OCOP của Bắc Giang giới thiệu đến khách du lịch tại Trạm dừng nghỉ Ninh Bình, các khu du lịch của tỉnh Ninh Bình. Tới đây, trong lộ trình phát triển của mình, chị Như sẽ tạo ra chuỗi liên kết để đưa các sản phẩm của mình đến nhiều địa phương trong cả nước.

Bắc Giang: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Vườn vải thiều trồng theo tiêu chuẩn chất lượng cao tại huyện Lục Ngạn

HTX cây ăn quả Lục Ngạn của ông Trần Đăng Vinh tại huyện Lục Ngạn, 100% diện tích cây có múi của HTX đang được sản xuất theo hướng VietGAP. Với mục tiêu tăng diện tích sản xuất theo hướng sạch, đáp ứng yêu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cao hơn nữa là xuất khẩu, HTX đang rất chú trọng và tuân thủ quy trình sản xuất sạch, chú trọng khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái". 

Nhờ sản xuất sạch, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang được thương lái đến tận vườn thu mua. Không chỉ có mặt tại các chợ đầu mối lớn trên cả nước, sản phẩm cam VietGAP của HTX đang bước đầu được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách mới để đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát tiển nông nghiệp CNC trên địa bàn. Đặc biệt, trong ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách xây dựng nhà lưới, nhà màng để hạn chế thiệt hại trong sản xuất do điều kiện thời tiết và sâu hại gây bệnh cho hoa màu và các sản phẩm có giá trị kinh tế cao./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO