Bắc Giang từng bước vững chắc xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số

Đỗ Thêu| 25/06/2021 21:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp để xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT). Từ đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh.

Đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng CNTT

Để triển khai xây dựng hiệu quả CQĐT, Bắc Giang đã đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Theo đó, hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh được đầu tư xây dựng, bước đầu kết nối liên thông các dịch vụ dùng chung của các bộ, ngành qua LGSP của tỉnh.

Các hệ thống phần mềm dùng chung như: Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh, Công báo điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công (DVC) và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc qua mạng và Hệ thống Thư điện tử công vụ đã được đầu tư, nâng cấp phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu thực tế của tỉnh để đáp ứng hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành.

Cụ thể, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 1.417 trạm BTS thu phát sóng, phủ sóng 3G, 4G và đường truyền mạng WAN kết nối từ Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đến 22 sở, ngành, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến xã tới 267 điểm cầu. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc được triển khai đến tất cả các cơ quan đảng, Nhà nước liên thông bốn cấp, bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật.

Một trong những kết quả nổi bật phải kể tới việc triển khai chữ ký số điện tử vào điều hành, giải quyết công việc. Thống kê từ cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang, đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 5.700 chứng thư số, trong đó cấp 4.028 chứng thư số cho cá nhân, 1.676 chứng thư số cho tổ chức. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng, đưa vào sử dụng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trên hệ điều hành IOS, Android; cấp 156 SIM PKI và hòa mạng cho các thuê bao phục vụ ký số trên thiết bị di động.

Theo bà Trần Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông (Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang), việc triển khai ký số điện tử của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khá tốt. Tỷ lệ văn bản lãnh đạo ký số đạt cao, tại cấp tỉnh là hơn 97%.

Việc sử dụng văn bản điện tử có ký số góp phần thay đổi thói quen làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, cùng đó tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng ngân sách mỗi năm cho Nhà nước. Do đó, để xây dựng CQĐT, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các đơn vị tăng cường sử dụng, phấn đấu từ 1/5/2021, 100% văn bản phát hành đều được ký số.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng đã chuẩn hóa các phần mềm một cửa điện tử thành một Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung duy nhất, liên thông 3 cấp tỉnh-huyện-xã. Hiện nay, đang thực hiện thống nhất quy trình giải quyết TTHC ở các cấp. 

Cổng DVC của tỉnh cung cấp 176 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 (139 dịch vụ cấp tỉnh, 29 DV cấp huyện, 08 dịch vụ cấp xã) tích hợp, liên thông với Cổng DVC quốc gia, đồng bộ 1591/2003 TTHC với Cơ sở dữ liệu Quốc gia; đồng bộ 17.546 trạng thái hồ sơ với Cổng DVC Quốc gia. Hệ thống Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đã kịp thời cung cấp thông tin lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông và các lĩnh vực đời sống xã hội được quan tâm, hướng tới xây dựng nền tảng cho dịch vụ số, xã hội số và công dân số trong giai đoạn tới. Bước đầu, tỉnh triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại các tuyến đường trọng điểm; triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Nâng cao chất lượng nhân lực, hướng tới hướng tới chính quyền số

Bắc Giang: Từng bước vững chắc xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số - Ảnh 2.

Việc xây dựng thành công CQĐT, hướng tới chính quyền số góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Bắc Giang

Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Bắc Giang đang đặt mục tiêu hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số.

Để hoàn thành được các mục tiêu này, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đặt ra với quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để triển khai ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT, chuyển đổi số, bảo đảm đồng bộ, thống nhất tránh trùng lặp… góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bắc Giang đặc biệt chú trọng việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND, về đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2025, nhằm phát triển mạnh nguồn nhân lực CNTT, nâng cao kiến thức và kỹ năng vận hành, ứng dụng CNTT, an toàn thông tin (ATTT); đảm bảo đến năm 2025 có đủ nhân lực phục vụ nhu cầu quản lý, phát triển CNTT.

Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT cũng nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số tỉnh Bắc Giang trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tỉnh xây dựng nguồn nhân lực CNTT có đủ số lượng, phẩm chất, năng lực làm chủ công nghệ, có kỹ năng, kiến thức đảm bảo ATTT; đảm bảo đủ nhân lực đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng CQĐT hướng tới chính quyền số của tỉnh.

Cùng với việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Bắc Giang cũng chủ động tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn trong lĩnh vực CNTT như Tập đoàn VNPT; Tập đoàn FPT… nhằm tranh thủ nguồn lực về viễn thông - CNTT để xây dựng thành công CQĐT, hướng tới chính quyền số trong tương lai.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Mai Sơn, trong lộ trình đến năm 2025, tầm nhìn 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng thành công, hiệu quả CQĐT, đồng thời phấn đấu nằm trong top 15 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số đứng đầu cả nước. Tin rằng, với tầm nhìn và hướng đi đúng đắn của cả hệ thống chính trị, đó sẽ là một mục tiêu khả thi trong tương lai gần của tỉnh Bắc Giang./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang từng bước vững chắc xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO