Báo chí khoa học lên ngôi sau Covid-19

Bảo Bình| 14/10/2020 08:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 cho thấy mọi người cần tin tức nhiều đến thế nào. Hiện tại, tình hình dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra đã tạm lắng ở Việt Nam, tuy nhiên trên thế giới, diễn biến vẫn rất phức tạp. Những thông tin liên quan đến dịch bệnh vẫn thu hút sự chú ý của người dân trong và ngoài nước.

Không chỉ đến bây giờ, tin tức mới trở nên quan trọng với mọi người dân, mọi quốc gia trên thế giới. Song COVID-19 đã chứng minh điều đó rõ ràng. Tuy nhiên, khi cần nhiều tin tức, mọi người lại càng cảm thấy hoang mang, bối rối và không nhất quán. Bởi vậy, nhu cầu về tin tức chính thống, xác thực, khoa học trở nên quan trọng và rõ ràng hơn bao giờ hết, bởi vì tin tức có tác động trực tiếp đến cách mọi người tiếp nhận và phản ứng với sự lây lan của virus.

Hơn lúc nào hết, đại dịch COVID-19 đã khiến "truyền thông khoa học" (science communication) trở nên cần thiết, cấp bách. Những bài báo mang tính nghiên cứu chuyên sâu, dựa trên các căn cứ khoa học, nhưng lại được chuyển tải bằng ngôn ngữ báo chí dễ hiểu với công chúng, sẽ giúp công chúng tin tưởng và hiểu biết, nhận diện những thông tin sai lệch.

Báo chí khoa học lên ngôi sau Covid-19 - Ảnh 1.

"Infodemic" chính là từ mới (new word) trong thời đại COVID-19, được dùng để chỉ sự lây lan những tin tức giả mạo (fake news) bên cạnh sự lây lan của đại dịch (pandemic) COVID-19. Chính Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom, đã sử dụng từ này, infodemic, để cảnh báo về một khối lượng thông tin quá lớn liên quan đến virus corona mới và căn bệnh mà nó gây ra. Infodemic trở thành cuộc khủng hoảng tin tức khó kiểm soát hơn trên toàn cầu trong thời đại dịch.

Cái khó ca báo chí khoa hc trong thi đại dch

Rõ ràng, với số lượng tin tức áp đảo, chất lượng truyền thông khiến mọi người hoang mang là một vấn đề. Kết quả sơ bộ trong dự án QUEST (https://questproject.eu/) đã nêu bật một số đặc điểm chất lượng và hiệu quả mà một nguồn truyền thông khoa học tốt cần có. Báo chí, truyền thông về tình trạng dịch bệnh khẩn cấp COVID-19 chắc chắn là một loại truyền thông khoa học, vì các bài báo được đưa ra chủ yếu dựa trên các câu hỏi khoa học về SARS-Cov-2 và các chủ đề y tế liên quan đến COVID-19. Hoặc, có thể nói, những bài viết về COVID-19 là truyền thông khoa học ở mức tốt nhất, tại thời điểm mà chất lượng của bài viết chính là chìa khóa, có tác dụng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trong một cuộc khủng hoảng, truyền thông tốt hay xấu có thể tạo sự khác biệt về cách mọi người nhận thức và do đó, hành xử, giúp làm dịu hoặc kiểm soát sự lây lan của bệnh và hậu quả của nó.

Báo chí đưa tin trong "thời kỳ hòa bình" cần gắn liền với những nguồn tin tức tin cậy và có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, chẳng hạn như với SARS-Cov-2, hầu hết thông tin bỗng chốc trở nên có xu hướng gây nhầm lẫn và không nhất quán. Các nhà khoa học cần thời gian để đưa ra những kết luận có căn cứ, trong khi đó các quyết định cần đưa ra ngay lập tức.

Những tháng qua, nhiều bài viết nghiên cứu về virus SARS-Cov-2 đã được xuất bản, dù đó chưa phải là những nghiên cứu hoàn thiện cuối cùng. Một mặt, điều này mang lại lợi ích vô giá cho sự tiến bộ của công việc nghiên cứu, vì nó giúp các nhà khoa học trên toàn thế giới có thể tiếp cận với kiến thức mới của các đồng nghiệp, phần nào giúp đẩy nhanh công việc của họ. Song mặt khác, các loại thông tin này cũng dễ gây hoang mang và hiểu nhầm. Các nhà báo và công chúng cần nhớ rằng nội dung của họ có thể không đáng tin cậy như một nghiên cứu đã được kiểm tra trước khi công bố trên một tạp chí khoa học. Thậm chí, một số trong những bài viết phải gỡ xuống, rút lại vài giờ hoặc vài ngày sau khi được công bố. Sự gấp rút của thông tin, trong một bối cảnh đầy biến động như vậy, khiến báo chí khoa học trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia cũng không thể giúp nhiều trong những tình huống này. Bởi vì, mỗi người trong số họ có thể lại có quan điểm riêng của mình, theo năng lực cụ thể của họ, và bỏ qua hoặc xem quá các vấn đề, trong khi vấn đề lại liên quan đến quá nhiều thành phần, lĩnh vực, bao gồm xã hội học, tâm lý học, kinh tế và nhiều khía cạnh khác. Một số người có thể vô tình bị cám dỗ, đưa ra ý kiến của riêng họ, gây tranh luận trong cộng đồng khoa học. Điều này có thể có tác động ngược lại: gây bất đồng trong công chúng, gây hoang mang và mất lòng tin.

Báo chí truyền thông có tác động mạnh mẽ đến hành vi của mọi người, bởi vì mọi người rất muốn biết họ phải làm gì, để bảo vệ bản thân và gia đình, để biết cách thực hiện. Họ cần và tìm kiếm thông tin liên quan đến các vấn đề khoa học. Tuy nhiên, cố gắng hiểu các chủ đề khó cũng khiến công chúng có thể bị nhầm lẫn, hoặc dễ dàng sa đà vào sự thương xót của các bác sĩ lang băm và các chuyên gia tự bổ nhiệm. Khi cuộc sống bình yên, công chúng thường ít chú ý đến các vấn đề khoa học và truyền thông khoa học ít gây tác động đến cuộc sống của họ, song trong khủng hoảng, truyền thông cần rất cẩn thận vì bất kỳ thông tin nào cũng có thể điều khiển hành vi, đôi khi không mong muốn, của công chúng.

Đó là lý do tại sao một kế hoạch truyền thông chiến lược với các mục tiêu rõ ràng là điều cần thiết hơn bao giờ hết, đại dịch COVID-19 đã chỉ ra sự cần thiết đó. Không chuẩn bị trước, không luyện tập trước cho một tình thế như đại dịch COVID-19 có thể gây nguy hiểm, hoảng loạn. Bởi vì, một nền báo chí khoa học tốt đẹp phải có trách nhiệm xã hội.

Nhìn li cuc khng hong "tin tc khoa hc" COVID-19

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát và lây lan hồi tháng 2/2020, hãng tin Reuters đã phân tích và thống kê thấy có ít nhất 153 nghiên cứu về COVID-19 của 675 nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới được công bố. Con số này cho đến nay chắc chắn đã tăng lên rất nhiều. Điều đó để thấy, có rất nhiều nghiên cứu về COVID-19, từ dịch tễ học, các phân tích di truyền và các báo cáo lâm sàng liên quan đến mọi khía cạnh của dịch. Bài viết của Reuters có nhan đề "Speed Science" (tạm hiểu là: khoa học tốc độ - những rủi ro khi đưa tin, lan truyền tin tức về các nghiên cứu liên quan đến COVID-19).

Reuters đã dẫn chứng một bài báo gợi ý về mối liên kết giữa virus Corona chủng mới và HIV. Rồi lại có một bài viết thứ hai nói rằng virus SARS-Cov-2 có thể đã truyền sang người qua rắn. Trong khi một bài viết thứ ba tuyên bố đó là mầm bệnh lây lan từ ngoài vũ trụ.

Một thực tế dễ dàng nhận thấy qua thời đại dịch COVID-19 là những bài viết về kết quả nghiên cứu dịch bệnh, từ nguồn gốc đến tác hại, ảnh hưởng, đến vaccine, đã được lan truyền mạnh mẽ - đăng tải và chia sẻ với tốc độ chưa từng thấy.

Tất nhiên, những phân tích khoa học "tốc độ", kịp thời rất hữu ích nếu nó tốt, chính xác, nhưng khoa học thiếu sót hoặc sai lệch có thể gây hoảng loạn và có thể khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn khi thúc đẩy các chính sách sai lầm hoặc khuyến khích hành vi nguy hiểm.

Để so sánh, trong đợt dịch SARS năm 2003, phải mất hơn một năm mới có hơn 50 nghiên cứu khoa học được công bố. Điều này cũng cho thấy tốc độ thông tin và báo chí đã phát triển đến mức nào, vào năm 2020.

Richard Horton, Tổng biên tập của nhóm tạp chí Khoa học và Y khoa Lancet, cho biết ông đã thiết lập một đội ngũ "có năng lực cực tốt" để sàng lọc một "mớ hỗn độn từ 30 đến 40 nghiên cứu khoa học mỗi ngày".

Theo các nhà báo của tạp chí Khoa học và Y khoa The Lancet, công việc này rất nghiêm ngặt và hữu ích. Các nhà phát triển vắc-xin, bác sĩ lâm sàng, nhà chẩn đoán và cơ quan chức năng đã tiến hành phân tích, nghiên cứu về virus và tìm cách ngăn chặn sự lây lan của nó.

Nhưng phần lớn nghiên cứu chỉ ở dạng "nguyên liệu thô", chủ yếu được đăng trực tuyến và không có những đánh giá ngang hàng của các đồng nghiệp, cơ quan nghiên cứu. Một số tài liệu thiếu sự nghiêm ngặt về khoa học, một số cho thấy có sự thiếu sót, hoặc sai rõ ràng, và đã bị thu hồi.

Đương nhiên, công chúng không được hưởng lợi gì từ những bài báo đưa tin nghiên cứu vội vàng này, thậm chí công chúng sẽ hoang mang, lo sợ, sai lệnh.

Lúc đó, Tom Sheldon, một chuyên gia truyền thông khoa học tại Trung tâm Science Media Center phi lợi nhuận của Anh, đã nói mối đe dọa do virus Corona mới gây ra đòi hỏi thông tin phải được chia sẻ nhanh chóng và tự do "mà không được các đồng nghiệp nghiên cứu đánh giá" - và điều đó đang gây ra vấn đề. Chính vì thế, có rất nhiều nghiên cứu đã phải "rút lại".

Phân tích của Reuters đã quét tài liệu trên Google Scholar và trên ba máy chủ bioRxiv, medRxiv và ChemRxiv, cho thấy trong số 153 nghiên cứu đã công bố trên báo chí, có khoảng 60% nghiên cứu chỉ là "sơ bộ".

Một số nghiên cứu sơ bộ này lại được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội và được nhiều cơ quan báo chí đón nhận, tiếp tục lan truyền ra công chúng.

Những nghiên cứu sơ bộ cho phép tác giả đóng góp vào cuộc tranh luận khoa học và có thể thúc đẩy sự hợp tác, nhưng cũng có thể khiến các nhà nghiên cứu gần như ngay lập tức, được truyền thông quốc tế và công chúng chú ý. Trong khi đó, một số tài liệu rõ ràng là "không có ích gì", theo Tổng biên tập Horton của tạp chí Lancet.

Một ví dụ về sự lan truyền chóng mặt của những bài báo khoa học sơ bộ như thế này, là nghiên cứu của các nhà khoa học ở New Delhi, Ấn Độ. Ngày 31/1, họ đã đăng tải nghiên cứu chỉ ra những điểm tương đồng mà họ gọi là "kỳ lạ" giữa virus Corona chủng mới và HIV, loại virus gây ra bệnh AIDS.

Công trình bị các nhà khoa học trên thế giới chỉ trích và phải nhanh chóng rút lại, nhưng nó đã kịp xuất hiện trong hơn 17.000 tweet và được 25 cơ quan báo chí chọn đăng.

Efstathios Giotis, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London cho biết: "Do tính chất tiến hóa của virus gây bệnh COVID-19, các nhà khoa học thường chịu áp lực phải truyền đạt kết quả của họ trong thời gian thực".

Trong khi đó, nhẽ ra tất cả các nghiên cứu trước khi tuyên bố phải được xem xét kỹ lưỡng và được các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực kiểm chứng, nhưng điều đó thường không xảy ra với công việc nghiên cứu về COVID-19, Giotis cho biết.

Magdalena Skipper, Tổng biên tập của tạp chí Nature, cho biết nhóm tạp chí của bà, cũng như The Lancet, đã phải làm việc chăm chỉ để "chọn và lọc" các bản thảo nghiên cứu được gửi đến.

"Chúng tôi không bao giờ thỏa hiệp. Các nghiên cứu chỉ được lên báo khi đã được đánh giá cẩn thận", bà nói.

Reuters cho biết trang BioRxiv đã phải gắn nhãn cảnh báo màu vàng vào phần đầu những thông tin nghiên cứu mới về virus Corona với nội dung: "Xin nhắc lại: đây là báo cáo sơ bộ và chưa được các đồng nghiệp đánh giá. Không nên xem đây là kết luận, hướng dẫn thực hành lâm sàng hoặc các hành vi sức khỏe; không đưa tin trên các phương tiện truyền thông như là những nghiên cứu đã hoàn thiện".

Tài liệu tham khảo

1. https://graphics.reuters.com

2. https://en.wikipedia.org

3. https://blog.wan-ifra.org/

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11+12 tháng 9/2020)

Bài liên quan
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí khoa học lên ngôi sau Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO