Báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam

Phúc Hằng | 09/06/2020 12:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam đã, đang từng bước khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng các biện pháp tổng thể, trong đó có vai trò rất lớn của báo chí.

Báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam  - Ảnh 1.

Tranh cổ động tuyên truyền về COVID-19. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tròn 50 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng. Các ca mắc từ bên ngoài đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có trường hợp mắc COVID-19 nào tử vong...

Kết quả này cho thấy Việt Nam đã, đang từng bước khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng các biện pháp tổng thể, cả trên phương diện phòng, chống trực tiếp và gián tiếp.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các bộ, ngành đã quyết liệt vào cuộc.

Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch, công tác thông tin tuyên truyền đã được đẩy mạnh để người dân hiểu, tuân thủ đúng các chỉ đạo, chung sức, đồng lòng chống dịch.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ngày 23/1/2020, ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam là hai cha con người thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam chính thức bắt đầu.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là chủ động, không chủ quan, huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội.

Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 173/QĐ-TTg công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra. Công tác thông tin-tuyên truyền về phòng, chống dịch được đẩy mạnh.

Với quan điểm "chống dịch như chống giặc," không giấu dịch, hàng ngày, thông tin về các ca mắc mới liên tục được cập nhật cùng với các chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các khuyến cáo của Bộ Y tế được gửi đến người dân cả nước, góp phần giúp người dân hiểu, nắm bắt được tình hình, chủ động có biện pháp tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Sau 22 ngày không có ca mắc mới, tối 6/3/2020, Việt Nam công bố ca bệnh thứ 17, mở đầu cho cuộc chiến chống dịch với các ca bệnh xâm nhập từ các quốc gia khác vào Việt Nam.

Những ngày sau đó liên tiếp ghi nhận các bệnh nhân đi trên các chuyến bay từ các nước Anh, Pháp, Hàn Quốc... Công tác thông tin-tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, đã đưa ra các thông điệp khuyến cáo, vận động người dân tiếp tục vững tin, cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, ngành chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

Hằng ngày, ngoài thông tin về các ca mắc mới, thông tin của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông, các khuyến cáo dưới dạng tin nhắn (SMS) của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo được gửi đến người dân cả nước.

Tính đến 21/3, các nhà mạng đã gửi hơn 13 tỷ tin nhắn tuyên truyền về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tới các thuê bao di động.

Tại cơ sở, nhiều địa phương, nhất là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác thông tin-tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tổ chức truyền thông về phòng, chống dịch bệnh bằng tiếng dân tộc dưới nhiều hình thức; thông tin trên loa truyền thanh; tuyên truyền bằng xe lưu động; phát tờ rơi; băngrôn, panô, ápphích..., giúp bà con nắm được tình hình dịch bệnh và cách phòng, chống hiệu quả.

Hoạt động thông tin-tuyên truyền phòng, chống dịch bằng các loại hình văn hóa cũng được tăng cường. Nhiều bài thơ, bài hát đã ra đời, lấy tinh thần "chống dịch như chống giặc" làm chủ đạo.

Bài hát "Ghen Cô vy" và vũ điệu rửa tay đi kèm ca khúc này đã là một hiện tượng toàn cầu. Sản phẩm của các nghệ sỹ Việt tạo nên sự lan tỏa lớn, ra ngoài phạm vi lãnh thổ đất nước.

Rất nhiều phiên bản cover đã xuất hiện khắp thế giới, dưới những hình thức khác nhau, những sáng tạo khác nhau. Không ít bản cover trở thành hiện tượng trong đời sống xã hội.

Ngoài ra, còn nhiều ca khúc được cho ra mắt công chúng như: "Việt Nam ơi, đánh bay COVID," "Ông bà anh thời COVID-19," "Khúc hát đôi bàn tay"... và đặc biệt là tuyển tập ca khúc "Niềm tin" gồm 60 ca khúc của 52 tác giả được Hội đồng nghệ thuật (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) tuyển chọn từ hơn 100 ca khúc của các nhạc sỹ chuyên và không chuyên của cả nước gửi về Hội Nhạc sỹ Việt Nam trong thời gian cả nước trải qua cách ly xã hội nửa đầu tháng 4/2020.

Không chỉ trên lĩnh vực nghệ thuật, công cuộc phòng, chống dịch bệnh còn được thể hiện qua các cuộc vận động sáng tác áp phích, phát hành bộ tem thể hiện các thông điệp rõ ràng, gần gũi về việc nâng cao ý thức, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Những hoạt động này đã góp phần thông tin-tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch đến với người dân nhanh chóng, giúp người dân dễ dàng đón nhận, ủng hộ.

Vai trò quan trọng của báo chí

Trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, không thể không nhắc đến vai trò chủ lực của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, như: thông tin-tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Báo chí luôn có mặt kịp thời tại các điểm "nóng" về dịch bệnh, kịp thời phản ánh thực tế tình hình dịch bệnh ở trong nước và quốc tế; góp phần khích lệ, động viên, lan tỏa các tấm gương "người tốt việc tốt" trong xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định từ khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên, báo chí đã vào cuộc, luôn cùng với ngành y tế vào vùng trọng tâm của dịch để thông tin, thể hiện bản chất của báo chí cách mạng, đem lại thông tin chính xác, chuẩn mực, kịp thời, phân tích đúng, góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể, giúp người dân nắm được tình hình, nhất là những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đây là mặt trận đóng vai trò hết sức quan trọng để định hướng dư luận, phản ánh thực tiễn, phê phán những sai sót, bất cập trong xã hội; tuyên dương những tổ chức, cá nhân làm việc tốt; lan tỏa những hình ảnh người dân tham gia chống dịch với tinh thần, trách nhiệm cao.

Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cả nước chung sức đối phó với dịch bệnh, đó cũng là những ngày thực sự áp lực với những người làm báo.

Hoạt động của ngành nghề khác có thể tạm dừng, nhưng dòng tin tức của báo chí luôn luôn phải chảy mãi với thời cuộc.

Theo nhận định của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), báo chí đã tuyên truyền tích cực, rõ rệt về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác chỉ đạo được thực hiện theo mô hình tác chiến hiệu quả, tương tác cao, trở thành nguồn tin ban đầu để các báo cập nhật thông tin.

Các cơ quan báo chí không chạy theo việc đưa tin tức đơn thuần về các ca bệnh, mà tăng cường thông tin tuyên truyền việc ứng xử đối với người bệnh, người bị cách ly, khuyến cáo không kỳ thị những nhóm người mắc bệnh.

Báo chí cũng đã chuyển hướng mạnh với những tin, bài nhân văn, chống lại sự kỳ thị, tổ chức các tuyến bài dài hơi, chất lượng, đưa thông điệp để người dân sống tốt, an toàn, ý nghĩa hơn, quan tâm đến người già, gia đình, hướng nội hơn.

Nhiều cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin, bài về những mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế-xã hội, phản ánh những mô hình vượt khó của doanh nghiệp, tổ chức, những cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế khó khăn…

Trung tuần tháng 5/2020, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) đã công bố cuộc thăm dò ý kiến độc giả để đo lường mức độ tín nhiệm đối với truyền thông tại một số quốc gia trên thế giới liên quan đến việc đưa tin về dịch COVID-19.

Trong số đó, 89% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ tin tưởng vào truyền thông trong nước.

Phân tích cũng chỉ ra rằng có đến 97% người Việt Nam tin tưởng Chính phủ xử lý rất tốt dịch COVID-19.

Những con số này phần nào thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả của công tác thông tin-tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã khẳng định báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Phó Thủ tướng, chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Ngoài việc đưa tin, báo chí có rất nhiều phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người. Nhiều nhận định quốc tế đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch. Đương nhiên, chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt, rất kịp thời.

Mặt khác, các cơ quan báo chí cũng góp phần quan trọng để các chính sách đó đến được với người dân và được người dân cả nước đồng lòng ủng hộ, chấp hành. Chính phủ luôn đánh giá cao báo chí - lực lượng trực tiếp cùng xung trận cùng với quân đội, y tế, công an trong công tác phòng, chống dịch.

Để mỗi người dân trở thành một chiến sỹ

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân sử dụng internet, mạng xã hội tăng mạnh, các chủ đề liên quan tới phòng, chống dịch nhận được sự quan tâm rất lớn.

Mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông cập nhật các diễn biến của dịch bệnh, cũng như cách phòng, chống bệnh hiệu quả.

Nhiều mạng xã hội "make in Vietnam" (sản xuất tại Việt Nam) đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đưa ra những thông báo nhanh, chính xác nhất về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo phòng bệnh tới người dùng, như: Lotus, Gapo, Zalo...

Điển hình là Bộ Y tế chính thức ra mắt kênh thông tin chính thống của bộ trên mạng xã hội Lotus với tên gọi là “Bộ Y tế” nhằm truyền tải các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và khuyến cáo, thông điệp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới.

Gapo là đối tác cộng đồng của Bộ Y tế với dự án âm nhạc "Việt Nam Ơi! Đánh bay COVID" với lời ca lan tỏa năng lượng tích cực, kêu gọi toàn dân chung tay vượt qua khó khăn, đồng thời tri ân nỗ lực của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ ngày đêm vì người bệnh.

Dự án được hơn 3 triệu người dùng Gapo đón nhận nồng nhiệt thông qua clip tự quay như: hát cover, lipsync, nhảy, diễn xuất... trên nền nhạc điệp khúc.

Tương tự, mạng xã hội Zalo liên tục đưa ra các khuyến cáo về sức khỏe tới người dùng, đồng thời tung ra bộ sticker ngộ nghĩnh liên quan tới các thông điệp như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng… "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần" - lời kêu gọi người dân chấp hành công tác cách ly là một trong các biểu cảm được người dùng hưởng ứng nhiều nhất.

Ngoài bộ sticker độc đáo, Zalo cũng ra mắt chatbot "Phòng chống virus Corona," đồng thời tích hợp chatbot này vào Trang chính thức của Bộ Y tế nhằm thông tin nhanh đến người dân cả nước.

Bên cạnh đó, mỗi người dân sử dụng mạng xã hội cũng là một kênh thông tin-tuyên truyền góp phần vào cuộc chiến đấu chống lại dịch COVID-19 của Việt Nam.

Nói không với tin xấu, tin giả, nhiều người dân chia sẻ các thông tin tích cực, khẳng định thành quả của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh; lan tỏa những tấm gương quên mình vì cộng đồng, những hành động đẹp, chia sẻ khó khăn với những đối tượng yếu thế, thấm đậm tình người trong đại dịch.

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã đạt được kết quả bước đầu như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: "Có được điều đó vì chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng. Nhưng đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của nhân dân ta với tinh thần "mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch."

Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông

Thành quả bước đầu của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã được quốc tế đánh giá cao.

Ngày 8/4/2020, tờ Workers World của Đảng Công nhân thế giới (WWP) tại Mỹ đăng bài viết cho rằng đại dịch COVID-19 đã bắt đầu cho thấy những sự khác biệt rõ rệt trong cách phản ứng khẩn cấp của các quốc gia trên toàn cầu.

Workers World đánh giá Việt Nam là một điển hình trong việc kiểm soát COVID-19. Một trong những điểm đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch theo bài viết, đó là Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ thông tin để tuyên truyền chống COVID-19 khi gần 90% dân số có điện thoại thông minh hoặc điện thoại di động.

Báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam  - Ảnh 2.

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Chính phủ sử dụng các ứng dụng và nhiều kênh khác nhau để nhanh chóng cảnh báo người dân về các trường hợp và khu vực nghi nhiễm, giúp mọi người được xét nghiệm và cập nhật thông tin chính xác về mặt khoa học để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm virus.

Bộ Y tế Việt Nam còn sản xuất một video âm nhạc hấp dẫn để hướng dẫn mọi người kỹ thuật rửa tay đúng cách và các biện pháp khác để giảm lây nhiễm...

Bài báo kết luận: Việt Nam là tấm gương cho cả các nước đang phát triển và các quốc gia phát triển trong cuộc chiến chống COVID-19.

Tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate nêu rõ nghiên cứu về chính sách phòng, chống dịch của Việt Nam cho thấy thành công ban đầu trong việc làm chậm tốc độ lây lan của virus có được nhờ chính quyền đã tập trung vào truyền thông và tuyên truyền cho người dân ý thức phòng bệnh thông qua các nền tảng công nghệ và tích cực truy tìm mầm bệnh.

Truyền thông minh bạch và sự hợp tác giữa chính phủ và người dân đã giúp Việt Nam kiềm chế số ca lây nhiễm ở mức thấp.

Ngay cả khi đối phó với làn sóng dịch bệnh "nhập khẩu" từ nước ngoài, Việt Nam đã xử lý khủng hoảng hiệu quả và tránh được nguy cơ trở thành một “điểm nóng” về COVID-19.

Project Syndicate cho rằng việc 65% trong số khoảng 96 triệu dân Việt Nam có khả năng tiếp cận internet, các kênh thông tin chính thống và truyền thông xã hội (60% trong số đó có sử dụng mạng xã hội Facebook) đã giúp công tác chia sẻ thông tin về dịch bệnh diễn ra hiệu quả.

Theo thống kê của Project Syndicate, từ ngày 3/1, truyền thông Việt Nam đã mô tả căn bệnh lạ xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc). Từ ngày 9/1 đến ngày 15/3, trung bình mỗi ngày có 127 bài báo về chủ đề này xuất bản trên 13 trong số các trang báo điện tử phổ biến nhất của Việt Nam, khiến tin giả gần như không còn đất sống...

Với những thành quả bước đầu mà đất nước đã đạt được, cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ chiến thắng hoàn toàn đại dịch COVID-19 giống như Việt Nam đã chiến thắng đại dịch SARS vào năm 2003./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO