Báo chí - truyền thông thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 ra sao?

Lâm Mộc| 25/01/2021 14:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Trải qua hơn một năm đại dịch COVID-19, chúng ta đã và đang ngấm dần những tác động lâu dài mà sự kiện toàn cầu này gây ra đối với tất cả lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao… và lĩnh vực báo chí - truyền thông cũng không đứng ngoài vòng xoáy khủng hoảng ấy. Những thách thức to lớn mà các hãng truyền thông phải đối mặt trong năm 2020 đã buộc họ phải thay đổi và tìm ra những xu hướng mới để có thể tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.

Báo chí - truyền thông thế giới đối mặt khủng hoảng COVID-19 ra sao? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

COVID-19 ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí truyền thông như thế nào?

2020 thực sự là một năm đầy biến động, đặt ra một vấn đề rất thực tế về các mô hình kinh doanh của báo chí. Mặc dù mức độ truy cập và tương tác với các nội dung báo chí đã tăng kỷ lục trong bối cảnh dịch bệnh khi mọi người có nhu cầu cao về thông tin nhưng doanh thu quảng cáo lại sụt giảm mạnh và đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Mô hình kinh doanh tin tức dựa vào quảng cáo vốn đã bộc lộ nhiều hạn chế nay lại càng trở nên khủng hoảng hơn dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Trong một cuộc thảo luận về Kinh doanh Tin tức tại Đại hội Truyền thông Thế giới FIPP 2020, ông Rasmus Kleis Nielsen - Giám đốc Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã đề cập tới sự khó khăn mà các nhà xuất bản tin tức đang phải đối mặt trong đại dịch và những điều họ đã làm để có thể vượt qua khủng hoảng.

Ông Nielsen chỉ ra rằng mặc dù trong một thời gian dài, quảng cáo đã trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu doanh thu của các nhà xuất bản tin tức nhưng đó thực chất không phải vì các nhà quảng cáo quan tâm đến tin tức. "Họ chi tiền vì họ muốn quảng bá cho sản phẩm và thương hiệu của chính họ. Và nếu các nhà quảng cáo cảm thấy các nhà xuất bản tin tức không thể cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả để đạt được mục tiêu mà họ muốn, họ sẽ chuyển tiền đi nơi khác".

"Mọi thứ vốn đã khó khăn và cuộc khủng kinh tế do tác động của đại dịch đang khiến nó trở nên trầm trọng hơn" - ông Nielsen nhấn mạnh.

Bên cạnh sự sụt giảm doanh thu quảng cáo thì cắt giảm và mất việc làm cũng là một trong những tác động rõ ràng nhất trong cuộc khủng hoảng này. Như Bloomberg đã mô tả: "Nhiều công ty truyền thông đang phải chật vật trong thời kỳ đại dịch do doanh thu từ quảng cáo và các hoạt động kinh doanh khác sụt giảm một cách đột ngột. Một số tổ chức đã xoay sở bằng việc cắt giảm lương và sa thải nhân viên".

Vox Media đã buộc phải cắt giảm khoảng 6% nhân viên. The Guardian đã thừa nhận rằng với việc doanh thu giảm hơn 25 triệu bảng Anh, tờ báo này buộc phải cắt giảm khoảng 180 nhân viên, trong khi đó New York Times đã cắt giảm 68 việc làm, phần lớn là về mảng quảng cáo.

Ở Nam Phi, 17 tạp chí đã bị đóng cửa do 2 công ty truyền thông Caxton và Associated Media Publishing (AMP) đóng cửa vào tháng 5/2020. Chỉ 2 tháng sau, Media24 - một công ty truyền thông khác của Nam Phi cũng đã tuyên bố đóng cửa 5 tạp chí và 2 tờ báo.

Những giải pháp như sa thải, cắt giảm và đóng cửa đã xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực truyền thông trên thế giới. Đó là thực tế mà chúng ta có thể thấy ở bất cứ quốc gia nào. Từ những hãng truyền thông lớn cho đến những hãng nhỏ hay cả những tổ chức lâu đời như Conde Nast và BuzzFeed ở Hoa Kỳ, London Evening Standard.

Cuộc khủng hoảng này khó có thể vượt qua trong một thời gian ngắn và nó sẽ còn tác động lâu dài về sau, do đó bên cạnh những hãng truyền thông đã phải đóng cửa vì những tác động của COVID-19 thì những nhà xuất bản tin tức khác muốn tồn tại và vượt qua được khó khăn buộc phải thay đổi và tìm ra được những hướng đi mới nhằm thích ứng với những tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Những xu hướng phát triển mới

Xây dựng thói quen tiêu dùng là động lực chính để tạo ra lòng trung thành. Nhưng đó không phải là chiến lược duy nhất mà các nhà xuất bản đang sử dụng. Bên cạnh những nỗ lực này, họ cũng đang tìm tòi và khám phá những hướng đi mới để có thể tồn tại và tiếp tục phát triển trong tương lai. Dưới đây là những xu hướng tiêu biểu được các nhà xuất bản tin tức áp dụng trong thời gian đối phó với dịch bệnh.

Phân tán để tồn tại

Quyết định của tờ Quartz (Mỹ) về việc đóng cửa các văn phòng nhưng vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân viên ở tất cả các khu vực là một phần của xu hướng đang diễn ra nhằm cắt giảm chi phí và tìm kiếm những nguồn thu khác.

Vào tháng 8/2020, hãng Tribune của Hoa Kỳ đã tiết lộ rằng sẽ đóng cửa vĩnh viễn các văn phòng của 5 tờ báo (Daily News ở New York, Capital Gazette và Carroll County Times ở Maryland, Allentown Morning Call ở Pennsylvania và Orlando Sentinel ở Florida) mặc dù các phóng viên vẫn sẽ tiếp tục làm việc.

Động thái này sẽ dẫn đến việc thiếu đi sự hiện diện thực tế của họ trong cộng đồng truyền thông, đồng thời cũng hạn chế việc giao lưu trực tiếp giữa các nhân viên trong tòa soạn với nhau. Tuy nhiên, với nhu cầu cắt giảm chi phí, cùng với mong muốn của nhiều nhân viên có thể được tiếp tục làm việc tại nhà hoặc trải nghiệm làm việc ở các địa điểm khác linh hoạt hơn thì xu hướng này là tương đối phù hợp. Trong tương lai, xu hướng này có thể sẽ ngày càng phát triển rõ rệt hơn.

Giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo

Lưu lượng truy cập là thứ có thể chuyển đổi thành doanh thu từ các hình thức kiếm tiền khác nhau. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng, lưu lượng truy cập sẽ không thể tạo ra được quá nhiều giá trị.

Kết quả doanh thu của các cơ quan báo chí đã cho thấy những yếu điểm của mô hình kinh doanh tin tức dựa vào quảng cáo. Theo ông Nielsen, trong tương lai, quảng cáo sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu doanh thu của các tổ chức tin tức. Đây là một thực tế mà các nhà xuất bản tin tức đã biết từ trước nhưng nó chỉ thực sự được quan tâm hơn sau đại dịch.

Các nhà xuất bản tin tức đã cố gắng để phát triển cơ sở người đăng ký trả phí, chuyển từ tổ chức các sự kiện trực tiếp sang trực tuyến và nỗ lực mở rộng phát triển nền tảng thương mại điện tử. Cả 3 xu hướng này đều được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tổ chức các sự kiện kỹ thuật số

Trước COVID-19, một số nhà xuất bản đã đầu tư rất nhiều vào tiềm năng doanh thu của các sự kiện. Như HubSpot đã nhận xét vào năm 2016: "Là công ty truyền thông, một trong những điểm mạnh lớn nhất chính là khả năng tập hợp cộng đồng… Tại sao không mở rộng giá trị của chính mình và tổ chức các sự kiện trực tiếp để có thể thu thập nội dung tin tức phong phú hơn?".

Trước khi COVID-19 bùng phát, các nhà xuất bản đã tự tin về vai trò của việc tổ chức các sự kiện truyền thông đối với tăng trưởng doanh thu. Vào tháng 1/2020, một cuộc khảo sát của Folio với 182 chuyên gia trong ngành cho thấy các sự kiện trực tiếp được coi là động lực lớn thứ hai cho tăng trưởng doanh thu vào năm 2020. Đây là ngành có doanh thu phổ biến thứ hai sau quảng cáo kỹ thuật số và nội dung có thương hiệu.

Các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh COVID-19 đã dập tắt tham vọng này, tuy nhiên nó cũng mở ra một hướng đi mới và các nhà xuất bản cũng đã nhanh chóng chuyển hướng sang các sự kiện kỹ thuật số.

Theo Nikki Clare - Trưởng bộ phận Sự kiện và Dịch vụ Khách hàng Hearst Live, những trải nghiệm trong đại dịch sẽ được chuyển sang chiến lược lâu dài hậu COVID-19 của họ. "Trong ngắn hạn và trung hạn, chúng tôi đang xem các sự kiện trực tuyến là sản phẩm cốt lõi của mình, nhưng chiến lược trung và dài hạn sẽ là các sự kiện kết hợp. Chúng tôi vẫn rất tin tưởng vào sức mạnh của trải nghiệm trực tiếp, nhưng cũng tin rằng các sự kiện ảo hoặc sự kiện kết hợp cũng hoàn toàn có thể làm được những điều đó".

Các sự kiện trực tuyến sẽ tiếp tục khẳng định sự hiện diện của các hãng tin tức trong bối cảnh giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, với hình thức tổ chức này, quy mô khán giả có thể sẽ lớn hơn nhiều so với khi tổ chức các sự kiện trực tiếp.

Đẩy mạnh phát triển mô hình thu phí độc giả

Một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh đại dịch đối với các nhà xuất bản tin tức là việc tăng lượng người đăng ký trả tiền cho việc đọc tin tức. Ngay cả những nhà xuất bản có "paywall" (tường phí) khá cao cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Doanh thu từ độc giả đang trở thành chiến lược trọng tâm được các nhà xuất bản đẩy mạnh khai thác. Tại The Dallas Morning News, một phương pháp mà tờ báo này đã thử nghiệm gần đây là sử dụng mã khuyến mại dành cho từng phóng viên cụ thể để khuyến khích người theo dõi/người hâm mộ đăng ký.

Hãng thông tấn Bloomberg và tờ Wall Street Journal là hai nhà xuất bản đã có số lượng người đăng ký tăng kỷ lục vào đầu năm 2020. Hai nhà xuất bản này cùng với đa số các tờ báo và tạp chí thu phí độc giả đều lựa chọn hình thức miễn phí đối với các tin tức liên quan đến COVID-19.

Báo chí - truyền thông thế giới đối mặt với khủng hoảng COVID-19 ra sao? - Ảnh 2.

The New York Times hiện có hơn 6,5 triệu người đăng ký (báo in và kỹ thuật số), đã tăng thêm 669.000 người đăng ký kỹ thuật số trong quý II/2020. (Ảnh: minh họa)

Hay như The New York Times hiện có hơn 6,5 triệu người đăng ký (báo in và kỹ thuật số), đã tăng thêm 669.000 người đăng ký kỹ thuật số trong quý II/2020. Vào tháng 3, Nytimes.com có 240 triệu lượt khách truy cập và 2,5 tỷ lượt xem trang, tăng từ 101 triệu lượt truy cập trong tháng 1/2020.

Trang web của CNBC lần đầu tiên đạt 1 tỷ lượt xem trang vào tháng 3/2020, tăng hơn gấp đôi lưu lượng truy cập so với tháng 2. Đăng ký CNBC Pro, một gói sản phẩm cao cấp có giá 29,99 đô la/tháng hoặc 299,99 đô la/năm, đã tăng 189% kể từ tháng 1/2020.

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản tin tức nổi tiếng khác như The Atlantic, Quartz, Conde Nast và Bauer… cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng đăng ký trong thời gian giãn cách xã hội.

Mặc dù đại dịch đã giúp số lượng người đăng ký trả tiền cho việc đọc tin tức tăng lên, nhưng những độc giả này sẽ tiếp tục trả phí trong bao lâu và cho bao nhiêu tổ chức tin tức vẫn còn là điều cần phải xem xét. Dự đoán về các quyết định trả phí tin tức của độc giả trong tương lai là điều khá khó khăn đặc biệt trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Tuy nhiên, ông Nielsen vẫn tự tin cho rằng xu hướng trả phí tin tức là có tiềm năng.

Thay đổi dựa trên thói quen truyền thông

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sử dụng truyền thông của rất nhiều người. Theo đó, các hãng tin tức cũng đã nắm bắt được những xu thế và bắt đầu đầu tư vào các ngành dọc mới, bao gồm các lĩnh vực như game và thể thao điện tử - những lĩnh vực đã phát triển mạnh trong thời gian đại dịch. Như CNN đã giải thích: Đây vốn đã là những mảng kinh doanh khá phát triển, nhưng có lẽ đại dịch đã giúp nhiều nhà xuất bản tin tức nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải bao quát những xu hướng mới một cách sâu sắc.

Hơn nữa, COVID-19 đã đẩy mạnh sự tham gia của mọi người vào những phương tiện này. Báo cáo Theo dõi trò chơi điện tử của Nielsen Games (VGT) cho thấy, số lượng game thủ đã tăng lên đáng kể từ ngày 23/3/2020. Nielsen cũng phát hiện ra rằng 82% người tiêu dùng toàn cầu đã chơi và xem nội dung trò chơi điện tử kể từ khi đại dịch bùng phát.

Washington Post, Bloomberg và Wired đều đã công bố các khoản đầu tư vào lĩnh vực game trong những tháng gần đây. Nhiều hãng truyền thông khác cũng đang tìm cách tận dụng ngành công nghiệp đang bùng nổ này. Kế hoạch của họ là điều tra hoạt động kinh doanh và văn hóa của ngành công nghiệp game với những câu chuyện mà có thể thu hút được cả những người chơi game cũng như không phải game thủ.

Báo chí - truyền thông thế giới đối mặt khủng hoảng COVID-19 ra sao? - Ảnh 2.

COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện tử của nhiều người. (Ảnh: Globalwebindex.com)

Đổi mới và Thử nghiệm

Nếu sự cần thiết là mẹ đẻ của phát minh, thì một đặc điểm nổi bật của đại dịch là sự xuất hiện liên tục của các sản phẩm và dịch vụ mới.

Bằng cách khai thác các sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như xoay chuyển các sản phẩm và dịch vụ cũ để đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh đại dịch, các nhà xuất bản tin tức đang sử dụng một số kỹ thuật khác nhau để thu hút sự quan tâm của khán giả như việc đa dạng hóa hình thức các bản tin.

Theo đó, một công nghệ cũ đã được cải tiến nhằm phát huy thế mạnh của mình đó là nhắn tin văn bản. Theo What’s New In Publishing, các nhà xuất bản như BuzzFeed News và Arizona Republic đều tung ra dịch vụ SMS liên quan đến COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hòa vào sự thay đổi này còn có The New Paper, một nhà xuất bản đã áp dụng mô hình kinh doanh dựa trên việc sắp xếp và tóm tắt những câu chuyện hàng đầu trong ngày thành một tin nhắn văn bản hàng ngày rồi gửi đến cho độc giả thông qua dịch vụ SMS.

Trong bối cảnh tin tức tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và việc một ngày phải tiếp nhận quá nhiều tin tức, đôi khi khiến người đọc cảm thấy bội thực thông tin thì hình thức này tương đối phù hợp với những người có nhu cầu chọn lọc và chỉ muốn tiếp nhận những tin tức nổi bật trong một ngày.

Bên cạnh đó, âm thanh cũng là một hình thức đang được ưu tiên mở rộng đầu tư của nhiều nhà xuất bản tin tức.

Correspondent đã ra mắt một ứng dụng chỉ có âm thanh (một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Hà Lan) được thiết kế để hỗ trợ trực tiếp các thành viên, độc giả và tránh việc họ phải sử dụng các ứng dụng của bên thứ ba như Spotify. "Chúng tôi tự hỏi liệu có thể cung cấp bài báo dưới dạng âm thanh hay không, bởi vì việc kết hợp một bài báo âm thanh với các hoạt động như đi du lịch hoặc tập thể dục sẽ dễ dàng hơn với độc giả, họ có thể vừa tập thể dục vừa nghe tin tức", Giám đốc điều hành của Correspondent Ernst-Jan Pfauth chia sẻ.

Còn Audible Suno - dịch vụ phát trực tuyến âm thanh của Amazon ở Ấn Độ, cho rằng phần lớn sự tăng trưởng của họ trong thời gian vừa qua là do những biện pháp giãn cách xã hội.

Đây sẽ là một xu hướng tiềm năng có thể vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lại hậu COVID-19 khi mọi người bị quá tải và quá mệt mỏi bởi một lượng thông tin khổng lồ trên màn hình điện thoại hay máy vi tính.

Báo chí - truyền thông thế giới đối mặt khủng hoảng COVID-19 ra sao? - Ảnh 3.

Âm thanh cũng là một hình thức đang được ưu tiên mở rộng đầu tư của nhiều nhà xuất bản tin tức. (Ảnh: minh họa)

Đa dạng hóa nội dung

Mặc dù sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cú hích cho nhiều tổ chức tin tức, nhưng điều đó dường như đang thay đổi. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew: "Khoảng 71% người Mỹ nói rằng họ cần tạm dừng tin tức về coronavirus và 43% nói rằng tin tức khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn về mặt cảm xúc".

Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số cũng cho biết, việc né tránh tin tức đã là một vấn đề xảy ra trước đại dịch bùng phát. Theo đó, các tác giả cũng đã gợi ý về việc các hãng truyền thông cần tiết chế lại các nội dung tin tức, "có thể là do thế giới đã trở thành một nơi đủ buồn bã hoặc vì phương tiện truyền thông đưa tin có xu hướng tiêu cực không ngừng - hoặc là sự kết hợp của cả hai đã khiến độc giả thực sự mệt mỏi".

Khi các tin tức về COVID-19 bắt đầu trở nên nhàm chán, các hãng tin cần thay đổi để tạo ra những điều khác biệt. Ví dụ như, việc kể những câu chuyện theo những cách mới mẻ và sáng tạo, thay đổi giọng điệu của nội dung, tương tác với khán giả trực tuyến và ngoại tuyến, cũng như khám phá cách tiếp cận mới trong việc truyền tải tin tức.

Đồng thời các hãng truyền thông cũng nên bổ sung nội dung thường xanh và làm nổi bật những câu chuyện mà trong thời gian qua có thể đã bị bỏ qua do những ảnh hưởng của đại dịch. Đặc biệt là cũng nên hạn chế những tin tức tiêu cực về COVID-19. Coronavirus sẽ không sớm biến mất, vì vậy các nhà xuất bản cần phải nhận ra rằng "điều bình thường mới", đối với các nhà quảng cáo và người tiêu dùng, có thể sẽ không khác so với hiện tại.

Xây dựng lòng tin và mối quan hệ lâu dài

Đối với các công ty báo chí truyền thông, nhu cầu xây dựng lòng tin với khán giả và đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời là điều quan trọng nhất. Đây là yêu cầu cơ bản trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, đối với nhiều nhà xuất bản tin tức, điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

"COVID-19 đã cho chúng tôi biết rằng khao khát và nhu cầu tìm kiếm các nguồn thông tin đáng tin cậy chưa bao giờ lớn đến như thế… Nếu Internet là một môi trường phức tạp với một khối lượng nội dung đa dạng và khổng lồ như cơn mưa rào dội xuống khán giả thì các hãng truyền thông cần giữ vai trò làm rõ, giải thích và đưa ra những thông tin đáng tin cậy. Có như vậy họ mới trở thành người chiến thắng trong cuộc đua. Đó là việc giúp mọi người tìm thấy hướng đi đúng đắn trong một cuộc sống đang trở nên phức tạp" - ông Marc Walder – Giám đốc điều hành Tập đoàn truyền thông Thụy Sĩ Ringier chia sẻ.

Để làm được điều này, các công ty truyền thông đã tung ra các sản phẩm mới liên quan đến COVID-19, gỡ bỏ những thông tin sai lệch và tìm ra những cách mới để phân tích diễn biến của dịch bệnh.

Lưu lượng truy cập và số lượng người đăng ký tại nhiều kênh thông tin cho thấy, nếu các công ty truyền thông có thể xây dựng lòng tin và đáp ứng được nhu cầu của độc giả, các nhà xuất bản tin tức có thể tăng lượng khán giả, mở rộng tầm ảnh hưởng, đồng thời tăng doanh thu ngay cả trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, một xu hướng mới cũng được nhiều hãng truyền thông áp dụng đó là hợp tác để phát triển. Trong bối cảnh đại dịch, giai đoạn mà thói quen tiêu dùng, doanh thu và số lượng nhân sự đều bị ảnh hưởng, động lực cho sự hợp tác lớn hơn bao giờ hết và trở thành một xu hướng được nhiều tổ chức hướng tới và nó diễn ra dưới nhiều hình thức. Vào tháng 9/2020, The Washington Post và Financial Times đã hợp tác với nhau đưa một ưu đãi đặc biệt dành cho độc giả mới của một trong hai tờ báo. Cụ thể, độc giả của tờ báo này có quyền truy cập vào tờ báo còn lại trong vòng 90 ngày như một phần trong gói đăng ký của họ.

Báo chí - truyền thông thế giới đối mặt khủng hoảng COVID-19 ra sao? - Ảnh 4.

Hợp tác để phát triển cũng là một xu hướng mới được nhiều hãng truyền thông áp dụng. (Ảnh minh họa)

Sự bùng nổ của đại dịch đã gây ra những gợn sóng lớn trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Và mặc dù những sóng gió ban đầu này đã giảm bớt, nhưng rõ ràng con đường phía trước sẽ còn dài và gập ghềnh. Các nhà xuất bản tin tức cần phải đáp ứng nhu cầu về nội dung hiện tại cũng như dự đoán cách chúng có thể thay đổi và phát triển khi đại dịch vẫn đang tiếp tục và kể cả sau khi đại dịch kết thúc. 

Bất chấp sự sụt giảm của doanh thu quảng cáo, việc làm cắt giảm, nhiều hãng truyền thông phải đóng cửa, vẫn có một số tin tốt cho các nhà xuất bản về số lượng độc giả sẵn sàng thử nghiệm những điều mới và trả tiền cho nó. Tuy nhiên, việc tiếp tục xu hướng này không thể được coi là đương nhiên. Sự nhàm chán, chi phí và những thay đổi trong hoàn cảnh cá nhân (chẳng hạn như tình trạng việc làm, sức khỏe hoặc thói quen và địa điểm làm việc) đều có thể thay đổi. Do đó, việc thu hút và giữ chân độc giả vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà xuất bản tin tức.

Nhìn chung bức tranh tổng thể vẫn còn rất khắc nghiệt và nhiều nhà xuất bản đang phải đối mặt với những khó khăn khó có thể vượt qua được nhưng hy vọng với những nỗ lực thay đổi cũng với những xu hướng mới có thể giúp lĩnh vực báo chí - truyền thông thế giới vượt qua được cơn khủng hoảng toàn cầu này.

Tài liệu tham khảo:

1. https://whatsnewinpublishing.com

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Báo chí - truyền thông thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO