Dịch vụ ăn uống mùa lễ hội thường rất đa dạng, thuận tiện cho khách tham quan, đi du xuân. Tuy nhiên, lễ hội mang tính chất thời vụ nên nhiều chủng loại thực phẩm được sản xuất, chế biến từ các cá nhân, hộ gia đình thường là không chuyên nghiệp, không đăng ký kinh doanh, không công bố chất lượng nên sản phẩm khó có thể đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Bên cạnh đó, các lễ hội thường tổ chức ở ngoài trời nên dịch vụ ăn uống cũng mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, chất thải không được thu gom, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều hàng quán bố trí ngay ở đường đi, lối lại, môi trường bị ô nhiễm do gió bụi, mưa nắng, ruồi, bọ… làm cho thực phẩm cũng dễ bị ô nhiễm; người bán hàng, chế biến thực phẩm thiếu kiến thức về ATTP; người đi lại, ăn uống đông đúc, dồn dập dễ tạo ra sự lây nhiễm vào thức ăn cũng như sự phục vụ cẩu thả, dụng cụ ăn uống không được rửa sạch. Có thể nói, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây qua thực phẩm do dịch vụ ăn uống ở các lễ hội hiện nay là rất lớn.
Hàng quán bán ngay cạnh đường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nỗi lo của người tiêu dùng. (Ảnh: Hoàng Minh)
Để đảm bảo an toàn cho du khách mùa lễ hội, du xuân, cơ quan chức năng về ATTP cũng đã đưa ra những yêu cầu về tiêu chuẩn đối với địa điểm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng như những khuyến cáo dành cho du khách.
Theo đó, các quán ăn, quầy hàng phải được bố trí đảm bảo thuận tiện cho người đi lại và vệ sinh an toàn trong ăn uống theo quy hoạch, sắp xếp của UBND xã, Ban Quản lý khu lễ hội.
Các cơ sở kinh doanh phải có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống không gây ô nhiễm môi trường.
Nơi chế biến thức ăn, đồ uống; nơi ăn uống phải sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm); khu vực trưng bày phải có ngăn cách giữa thực phẩm sống và thức ăn chín.
Đồng thời, các hàng quán phải đăng ký và ký cam kết về đảm bảo vệ sinh ATTP với Ban Quản lý lễ hội và trạm y tế xã; Đảm bảo các điều kiện thiết yếu như nước sạch, quầy tủ hàng, quán hàng, bàn ghế, phương tiện bảo quản,… không để thực phẩm bị ô nhiễm.
Người bán hàng phải có trang phục riêng, có đủ áo, mũ, khẩu trang che miệng; Phải rửa sạch tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, không dùng tay trực tiếp cầm, nắm, bốc thức ăn chín, thức ăn ngay; Dụng cụ chế biến, chứa đựng và sử dụng thực phẩm phải sạch, phải có dụng cụ riêng cho thực phẩm sống và chín.
Đối với nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc an toàn; thực phẩm bao gói sẵn phải có đầy đủ nhãn theo quy định; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm quá hạn; phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng cần bố trí các đội thường trực, sẵn sàng cấp cứu, điều tra, xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng sức khỏe của người dân; tổ chức phun hóa chất, thu gom rác thải, xử lý môi trường để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm...
Bên cạnh đó, mỗi người dân đi du xuân cũng phải tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình, khi có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm trong khu vực lễ hội cần lựa chọn những cơ sở có cảnh quan sạch sẽ, biển hiệu rõ ràng; thực hiện việc dán công khai các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm ATTP; giấy cam kết bảo đảm ATTP theo quy định. Khi phát hiện cơ sở nào vi phạm về ATTP, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật...