Bảo hiểm xã hội nâng cao năng lực quản trị hành chính công nhờ công nghệ số
Chuyển đổi số trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, tập trung vào các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện trải nghiệm người dân.
Ứng dụng tối đa công nghệ số vào mọi hoạt động
Quá trình ứng dụng công nghệ số của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là một trong những yếu tố then chốt trong chuyển đổi số quốc gia, với nhiều sáng kiến và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.
BHXH Việt Nam thực hiện số hóa quy trình xử lý thủ tục hành chính (TTHC), liên thông TTHC, triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông với các cơ quan khác: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi: Giảm thời gian xử lý từ 5 ngày xuống còn 2 ngày; Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí: Giảm thời gian từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Các thủ tục như cấp thẻ BHYT và giải quyết chế độ thai sản đều được rút ngắn đáng kể nhờ ứng dụng công nghệ số và cải cách quy trình nội bộ.
Đồng thời, hầu hết các thủ tục chính như đăng ký BHXH tự nguyện, giải quyết hưởng BHXH một lần, gia hạn thẻ BHYT đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp người dân và doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian thực hiện
Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số được triển khai từ năm 2020, đến nay đã trở thành công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong việc: Cung cấp thông tin tra cứu lịch sử đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các quyền lợi được hưởng; Thực hiện dịch vụ công, hỗ trợ thực hiện các dịch vụ như gia hạn thẻ BHYT, nộp hồ sơ hưởng BHXH, tra cứu mã số BHXH.
Ứng dụng giúp người lao động kiểm tra nghĩa vụ đóng bảo hiểm của đơn vị sử dụng lao động, góp phần ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHXH. Hiện nay, VssID đã có hàng triệu người dùng, hỗ trợ đồng bộ trên cả nền tảng iOS và Android, với giao diện thân thiện, dễ sử dụng.
Hệ thống dữ liệu tập trung của BHXH Việt Nam đã được tích hợp và đồng bộ. Đơn vị đã tích hợp hệ thống dữ liệu về BHXH, BHYT và BHTN trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu này liên thông với các bộ, ngành khác, giúp tối ưu hóa quá trình xử lý thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến bảo hiểm đã được số hóa, giúp giảm chi phí lưu trữ và tăng khả năng tra cứu, sử dụng thông tin trong thời gian thực.
Nhờ đó BHXH Việt Nam đã triển khai các công cụ phân tích dữ liệu và nền tảng công nghệ cao nhằm đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong quản lý. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã triển khai các cơ chế liên kết dữ liệu với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giúp liên thông các thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý. Điều này góp phần xây dựng hệ sinh thái chính phủ số đồng bộ và hiện đại.
Để làm được điều này, BHXH Việt Nam thực hiện tích hợp công nghệ tiên tiến hiện nay vào hoạt động quản lý nội bộ và xử lý các thủ tục hành chính:
- Ứng dụng công nghệ đám mây: BHXH sử dụng công nghệ đám mây để lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và có thể mở rộng khi cần thiết.
- Công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data): Công nghệ này giúp phân tích xu hướng, dự đoán và cải thiện chính sách BHXH dựa trên dữ liệu thực tế từ các địa phương.
- Hệ thống bảo mật: Các giải pháp bảo mật tiên tiến như mã hóa dữ liệu và quản lý truy cập đã được triển khai để bảo vệ thông tin của người dùng và ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn thông tin.
Nhờ ứng dụng công nghệ số, các quy trình xử lý hồ sơ đã được tự động hóa, giảm thiểu sai sót và tăng tốc độ phản hồi. Việc số hóa giúp cắt giảm chi phí lưu trữ tài liệu, in ấn và quản lý hồ sơ, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu chi phí vận hành.
Tuy nhiên, khâu quan trọng mang tính quyết định chính là BHXH thực hiện đơn giản hóa quy trình và cải cách thủ tục. BHXH đã loại bỏ hoặc đơn giản hóa nhiều giấy tờ trong quy trình thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số lượng thủ tục hành chính đã giảm từ 114 thủ tục xuống còn 25 thủ tục chính. Các thành phần hồ sơ trong từng thủ tục cũng được tối giản. Các cải cách đã giúp tiết kiệm hàng triệu giờ lao động cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời giảm chi phí in ấn, lưu trữ tài liệu. Đồng thời, thông qua việc tích hợp công nghệ, các quy trình xử lý thủ tục đã được tự động hóa, giảm thiểu sai sót và tăng tốc độ phản hồi, nhờ đó gia tăng hiệu quả quản lý.
Góp phần thúc đẩy hiệu quả quản trị công
Trong năm 2024, BHXH Việt Nam đã hỗ trợ người dân và mở rộng đối tượng tham gia. Luật BHXH 2024 cho phép nhiều nhóm đối tượng mới tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm chủ hộ kinh doanh và người lao động không trọn thời gian, nhằm tăng độ bao phủ bảo hiểm. Các gói hỗ trợ dành cho người lao động tự nguyện tham gia BHXH, như trợ cấp thai sản cho đối tượng này, cũng được triển khai để khuyến khích tham gia.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Chu Mạnh Sinh cho biết: Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai 28 hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; kết nối với khoảng 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng năm hơn 174 triệu lượt thanh toán. Hệ thống giao dịch điện tử và Cổng dịch vụ công BHXH hàng năm tiếp nhận hơn 100 triệu hồ sơ giao dịch, phục vụ hơn 621 nghìn đơn vị và hơn 35,6 triệu tài khoản cá nhân.
Các hoạt động chuyển đổi số của BHXH đã giúp người dân và DN tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN.
Để nhìn nhận một cách khách quan, BHXH Việt Nam đã thực hiện khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH trên 10 tỉnh, thành phố được chọn làm địa bàn đại diện cho 06 vùng kinh tế trong cả nước. Tại lần khảo sát này đã phát phiếu khảo sát trực tiếp tới trên 17.000 cá nhân, đại diện tổ chức… và thu về được rất nhiều ý kiến quan trọng: 81,4% người trả lời khảo sát đánh giá hài lòng và rất hài lòng với sự phục vụ của cơ quan BHXH, vượt 1,4% so với mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW đặt ra.
Quan trọng hơn, cuộc khảo sát đã ghi nhận được những nhu cầu, mong muốn chính đáng của cá nhân, đại diện tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH trên tất cả các yếu tố đánh giá, từ hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách; sự dễ dàng, thuận tiện trong tiếp cận dịch vụ đến năng lực nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết vấn đề của nhân viên BHXH v.v…
Trong nỗ lực tham gia vào chương trình chuyển đổi số của quốc gia, đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tương đối toàn diện, thông suốt theo mô hình tập trung từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động nghiệp vụ của Ngành cũng như tương tác với người dân và đơn vị sử dụng lao động đều dựa trên nền tảng dữ liệu số. Những bước tiến này không chỉ cải thiện dịch vụ công mà còn thúc đẩy sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý quỹ bảo hiểm, góp phần xây dựng chính phủ số tại Việt Nam. Những cải tiến trên giúp BHXH Việt Nam trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho người dân và thúc đẩy hiệu quả quản trị công./.