Khởi nghiệp

Bí mật đổi mới sáng tạo của Nhật Bản và Hàn Quốc

Anh Minh 09/05/2024 06:00

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, sự hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp (startup) và các công ty lớn được theo đuổi một cách công khai vì lợi ích quốc gia, và đó là điều hiển nhiên với tất cả mọi người.

Thay đổi từ bên trong

Nhật Bản và Hàn Quốc là những cường quốc về đổi mới sáng tạo (ĐMST) và công nghệ. Đây là nơi đặt trụ sở của các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thường xếp ở những vị trí hàng đầu trong các chỉ số đổi mới.

Để có được vị trí như ngày nay, cả hai quốc gia đã khai thác sức mạnh tổng hợp của khu vực công và tư nhân trong nhiều thập kỷ. Các chiến lược đổi mới mà hai nước sử dụng không giống với mô hình của Thung lũng Silicon.

Chính phủ và các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc tin rằng sự hợp tác giữa các startup mới và các tập đoàn hiện nay rất quan trọng để thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế, đặc biệt là trong các công nghệ tiên tiến, như bán dẫn, robot, năng lượng. Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo ra một hệ sinh thái đổi mới mở, trong đó các cơ quan chính phủ, các công ty lớn và các startup nhỏ hơn đều hỗ trợ lẫn nhau.

cropped-16321676782020-06-04t021.jpg
Nhật Bản và Hàn Quốc là những cường quốc về ĐMST và công nghệ. (Ảnh minh họa)

Khi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng nóng lên, mô hình mà Seoul và Tokyo theo đuổi cho thấy rằng các startup là trung tâm của nền kinh tế cạnh tranh, nhưng tiềm năng của các startup sẽ bị hạn chế nếu tự hoạt động. Nền kinh tế quốc gia được hưởng lợi nhiều hơn khi các startup làm việc với chính phủ và các công ty lớn hiện nay.

Ngày nay, Hoa Kỳ không phải là thiên đường cho những doanh nhân lập dị được mô tả trên các chương trình truyền hình và phim ảnh Hollywood. Thay vào đó, cách làm đã có những phần giống với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lấy trường hợp của K-Startup Grand Challenge của Hàn Quốc, một chương trình của chính phủ hỗ trợ các startup có khả năng cạnh tranh quốc tế. Được chính phủ phát động vào năm 2016, chương trình này đã phát triển mạnh cho đến ngày nay. Đây được xem là phiên bản Thung lũng Silicon của Hàn Quốc tại thủ đô Seoul, quy tụ các startup từ khắp nơi trên thế giới cạnh tranh để có cơ hội tham gia chương trình tăng tốc ở Hàn Quốc.

Chương trình này đóng vai trò là bàn đạp để các công ty này mở rộng ở Hàn Quốc và khắp châu Á nhờ sự kết hợp giữa đầu tư, cố vấn, học hỏi ngang hàng, không gian văn phòng và kết nối với các chaebol.

Nhật Bản cũng đã triển khai một chương trình gần như giống hệt vào năm 2018. Theo Sáng kiến J-Startup, các tập đoàn thời hậu chiến của Nhật Bản, được gọi là keiretsu, hợp tác với các ngân hàng lớn của đất nước để đầu tư và hỗ trợ các “kỳ lân” tiềm năng - các startup tư nhân đạt được mức định giá 1 tỷ USD.

Chương trình này không chỉ được hiểu là phương tiện để các startup thay thế những công ty hiện tại mà là để khuyến khích các công ty cùng nhau hợp tác. 6 năm sau và sau hai lần thay đổi chính phủ, sáng kiến này vẫn tiếp tục với mục tiêu hỗ trợ cho các startup mới. Mục tiêu ban đầu là giúp xây dựng 100 kỳ lân vào năm 2023.

Sáng kiến J-Startup vẫn chưa đạt được điều này, mặc dù Nhật Bản đã sản sinh ra 20 kỳ lân trong thời gian đó (cũng như những công ty được gọi là “kỳ lân ẩn”, những công ty đạt được mức định giá cao hơn, hơn 1 tỷ USD bằng cách mua lại). Vào năm 2022, chính phủ Nhật Bản đã công bố mục tiêu nuôi dưỡng 100 kỳ lân mới vào năm 2027 và tạo ra 10.000 startup trong thời gian này.

Vai trò của các startup trong chiến lược an ninh quốc gia đất nước

Hầu hết mọi người nghĩ về Thung lũng Silicon như một vùng đất nơi bàn tay vô hình của thị trường sẽ đảm bảo sự tồn tại của những kẻ mạnh nhất: các startup được dẫn dắt bởi những bộ óc trẻ với những ý tưởng tuyệt vời làm việc trong gara trong khi nhận được đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm để phát triển điều lớn lao tiếp theo.

Những doanh nhân này một ngày nào đó sẽ trở thành Bill Gates, Elon Musk, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg tiếp theo. Trọng tâm của huyền thoại về Thung lũng Silicon là ý tưởng rằng các doanh nhân mới nổi sẽ tạo ra các công ty mới thay thế các công ty lớn ngày nay.

2023-10-02t010145z_1704843644_rc.jpg
Buổi trình diễn robot do con người điều khiển ở Yokohama, Nhật Bản, tháng 9/2023

Hiện nay, chính sách của Hoa Kỳ vẫn có mối quan hệ đối kháng với những gã khổng lồ công nghệ (Big Tech). Một mặt, các startup nhỏ tiếp tục được tôn vinh, trong khi các công ty lớn, đặc biệt là các công ty công nghệ, bị triệu tập đến các phiên điều trần của Quốc hội để trả lời các thẩm vấn gay gắt, và các công ty ngày càng trở thành mục tiêu của các vụ kiện chống độc quyền. Chính phủ Hoa Kỳ cố gắng kiểm soát Big Tech nhưng cũng hiểu tầm quan trọng của các Big Tech đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản và Hàn Quốc đã sớm nhận ra vai trò của các startup trong chiến lược an ninh quốc gia đất nước. Các startup thúc đẩy sức mạnh của Nhật Bản và Hàn Quốc trong các công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia - chẳng hạn như chất bán dẫn, AI và vật liệu tiên tiến. Các nhà thầu quốc phòng không còn là động lực chính tạo nên lợi thế cạnh tranh của một quốc gia. Thay vào đó, việc tiến lên phía trước còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến của quốc gia và những con người có óc sáng tạo đằng sau chúng.

Do đó, sự hỗ trợ của chính phủ cho phép các startup và đặc biệt là các tập đoàn lớn có nguồn tài chính và nhân lực lớn thực hiện cách tiếp cận dài hạn đối với việc lập kế hoạch kinh tế, nhận thức được rằng nguồn đầu tư sẽ tiếp tục ngay cả khi có những gián đoạn kinh tế ngắn hạn như khủng hoảng tài chính hoặc đại dịch.

Nói về Hoa Kỳ, các nhà phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ cần tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc "hôn nhân" giữa các công ty lớn và các startup mới. Bởi vì, mặc dù hấp dẫn nhưng huyền thoại về Thung lũng Silicon thực ra chỉ là huyền thoại. Câu chuyện về nguồn gốc của Thung lũng Silicon cũng chưa bao giờ hoàn toàn có thật.

Chính phủ từ lâu đã là nhân vật chính đóng góp vào thành công của Thung lũng Silicon. Hàng tỷ đô la đầu tư của liên bang và tiểu bang - bao gồm cả Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ - có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Thung lũng Silicon ngay từ những năm 1950.

Sự hỗ trợ của chính phủ dành cho các doanh nhân Hoa Kỳ vẫn tiếp tục trong nhiều thập kỷ. Ví dụ: Tesla đã được hưởng lợi đáng kể từ các khoản tín dụng thuế liên bang cung cấp cho người tiêu dùng khi mua ô tô điện. Người ta ước tính rằng công ty đã nhận được gần 3 tỷ USD tiền trợ cấp và ưu đãi của tiểu bang và địa phương kể từ khi ra mắt. Và năm ngoái, khi Ngân hàng Thung lũng Silicon - được các startup ưa chuộng - sắp phá sản, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đã đến giải cứu khách hàng của mình./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bí mật đổi mới sáng tạo của Nhật Bản và Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO