Bình Dương hiện thực hóa nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Trường Thanh| 15/09/2021 16:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020, Bình Dương xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu khu vực phía Nam.

Kết quả cải cách hành chính (CCHC) đạt được toàn diện trên các lĩnh vực đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh; đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Chỉ số CCHC tăng vượt bậc, đứng đầu khu vực phía Nam

Trong những năm qua, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiếp tục được quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Kết quả vừa được công bố thể hiện rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung tay, đồng lòng, nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Điểm nổi bật trong CCHC giai đoạn 2011-2020 của tỉnh là việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm hành chính tập trung tỉnh, hướng đến xây dựng một nền hành chính tập trung, thống nhất, thông suốt, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó là việc thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một, bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện, như: TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát… đã có những giải pháp, cách làm hay, sáng tạo được người dân, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng Bình Dương vẫn là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Thành tựu đạt được trên đây có sự đóng góp quan trọng của hoạt động CCHC.

Bình Dương hiện thực hóa nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả - Ảnh 1.

Người dân đến làm TTHC tại Trung tâm hành chính công. (Ảnh: binhduong.gov.vn)

Theo kết quả công bố, năm 2020, Chỉ số CCHC tỉnh Bình Dương đạt 86,93/100 điểm, tăng 4,63 điểm so với năm 2019. Trong đó, điểm thẩm định đạt 55,48/65 điểm, tăng 5,72 điểm so với năm 2019; điểm khảo sát lãnh đạo, quản lý 20,27 điểm, tăng 1,91 điểm; điểm đánh giá tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội đạt 11,18 điểm. Kết quả chung, tỉnh Bình Dương đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 4,63 điểm và tăng 14 bậc trên bảng xếp hạng và đứng đầu trong các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Có thể thấy, chỉ số CCHC tỉnh Bình Dương năm 2020 cải thiện rất lớn, tăng đều trên các lĩnh vực từ điểm số cho tới vị trí trên bảng xếp hạng. Cụ thể, đã tăng 6/7 chỉ số thành phần so với năm 2019, nổi bật có chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) tăng 37 bậc; chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính tăng 36 bậc; chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tăng 28 bậc so với năm 2019…

Thực hiện đồng loạt các giải pháp để cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC

Nhìn tổng thể, sự thành công trong công tác CCHC của tỉnh năm 2020 do nhiều nhân tố, từ sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC, đến công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC và các tầng lớp nhân dân; qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội và góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, thân thiện, minh bạch và hiệu quả.

Thời gian qua, các ngành, các cấp tỉnh Bình Dương luôn xem công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quản lý, điều hành. Công tác triển khai, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo Chương trình, Kế hoạch của Trung ương và địa phương luôn được đặt lên hàng đầu. Hiệu quả công tác CCHC là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBCCVC, từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC từ cấp tỉnh tới cấp xã.

Với tinh thần quyết tâm cao độ, các cấp, các ngành ở Bình Dương đã thực hiện đồng loạt các giải pháp để cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC năm 2020. Song song đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương thi đua tìm giải pháp, sáng kiến, cách làm hay trong triển khai các nhiệm vụ CCHC để áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác CCHC.

Một yếu tố quan trọng phải kể đến giúp Bình Dương dẫn đầu khu vực phía Nam về chỉ số CCHC năm 2020 đó là chú trọng "nâng chất" đội ngũ CBCCVC. Điều đó thể hiện qua kết quả chỉ số thành phần về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC năm 2020 của Bình Dương tăng 37 bậc, và chỉ số thành phần về cải cách tổ chức bộ máy hành chính tăng 36 bậc so với năm 2019.

Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn công tác CCHC của tỉnh cho thấy, việc tập trung tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện CCHC, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã tác động tích cực để chỉ số CCHC năm 2020 của tỉnh đạt thứ hạng cao. Trong đó, nổi bật nhất là các giải pháp thực hiện sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ CBCCVC đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng CBCCVC, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc cũng như ý thức, tinh thần trách nhiệm của CBCCVC; luôn coi trọng yếu tố năng lực, trình độ chuyên môn và đặc biệt là phong cách, đạo đức của CBCCVC; luôn lấy yếu tố con người làm trọng tâm cùng với ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh CCHC, tạo động lực phát triển.

Bình Dương hiện thực hóa nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả - Ảnh 2.

CCHC phải bắt đầu từ yếu tố con người.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương Lý Văn Đẹp, CCHC bắt đầu từ yếu tố con người. Vấn đề cốt lõi của cải cách là phải nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ CBCCVC; phải xây dựng đội ngũ CBCCVC có tính chuyên nghiệp cao, có đủ trình độ, kỹ năng để triển khai những quyết định hành chính và ý thức chuyên nghiệp trong thực thi công vụ.

Khi đội ngũ CBCCVC có chuyên môn, đạo đức tốt thì việc rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và hướng đến phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện có hiệu quả.

"Mỗi CBCC-VC nhà nước phải phát huy sáng kiến CCHC để cải tiến công việc của đơn vị, cơ quan mình sao cho hiệu quả hơn nữa, theo tinh thần phục vụ xã hội, vì lợi ích chung. CBCC-VC, những "công bộc của nhân dân" phải có trách nhiệm quản lý công việc của nhà nước, giữ gìn bảo vệ quyền lợi công và phục vụ nhu cầu của nhân dân trên cơ sở những quy định của pháp luật".

Theo UBND tỉnh Bình Dương, xuất phát từ yêu cầu CCHC và định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã cần thực hiện tốt việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các địa phương xây dựng, triển khai các đề án mang tính chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương hiện thực hóa nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO