Bình Phước đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống truyền thanh cơ sở phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số

XT| 29/09/2021 17:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, Bình Phước đã đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ truyền thanh thông minh nhằm phục vụ nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Nhờ đó, hệ thống thông tin cơ sở đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân, đồng thời góp phần tăng hiệu quả tuyên truyền, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS.

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số 994.679 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) có 195.635 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, với 41 thành phần dân tộc sống đan xen thành cộng đồng tại 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới, 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn.

Hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông

Những năm gần đây, với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ, tỉnh Bình Phước đã và đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của đồng bào DTTS, đặc biệt là bà con sinh sống ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, nhằm tăng cường truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con vùng DTTS, tỉnh đã đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh thay thế hệ thống truyền thanh có dây truyền thống.

Cùng với đó, nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, từ đó đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 18/5/2020 về việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% thông tin thiết yếu từ hệ thống thông tin cơ sở được phổ biến đến người dân; 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống thông tin cơ sở; 100% nội dung thông tin thiết yếu từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để tuyên truyền, phổ biến đến người dân được cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn; 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật phù hợp với vị trí việc làm.

Kế hoạch hướng đến tầm nhìn năm 2030, người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu và phản ánh thông tin về hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật ở cơ sở trên hệ thống thông tin cơ sở; hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở để góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở.

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung: Hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông, đánh giá, xây dựng kế hoạch thiết lập mới hoặc nâng cấp đầu tư đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT – viễn thông phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo tránh lãng phí trong đầu tư. Từng bước chuyển đổi đài truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (FM, không dây) đã hư hỏng, xuống cấp không còn hoạt động sang truyền thanh ứng dụng CNTT – viễn thông.

Bên cạnh đó, Bình Phước cũng đặt ra yêu cầu xây dựng hệ thống Bảng tin điện tử công cộng; Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở và cán bộ phụ trách về CNTT; Tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng CNTT trong hoạt động thông tin cơ sở…

Bình Phước đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống truyền thanh cơ sở phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thay thế hệ thống truyền thanh hữu tuyến bằng hệ thống truyền thanh vô tuyến

Truyền thanh thông minh có thể coi là một giải pháp quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh mà nhiều đô thị trong nước đã triển khai thực hiện. Giải pháp ra đời dựa trên nền tảng 4.0 và triển khai trên hạ tầng Cloud của Mobifone, nhằm thay thế và khắc phục các nhược điểm của truyền thanh có dây hoặc không dây trước đây.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bình Phước, trước đó, vào tháng 10/2020, Công ty viễn thông Mobifone Bình Phước đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin, Đài Truyền thanh và Truyền hình thành phố Đồng Xoài tiến hành lắp đặt thí điểm truyền thanh thông minh. Mobifone Bình Phước đã hỗ trợ toàn bộ trang thiết bị và thực hiện lắp đặt thí điểm 2 cụm loa truyền thanh thông minh cho thành phố Đồng Xoài. Mỗi cụm gồm 2 loa và thiết bị ứng dụng thông minh.

Các cụm loa truyền thanh không dây sau khi được kết nối với các thiết bị điều khiển thông qua wifi, Internet còn được điều khiển độc lập bằng các thiết bị điện thoại thông minh hoặc qua Zalo. Vì vậy, việc điều hành hệ thống sẽ được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, có thể cài đặt giờ hoặc phát tự động khi cần. Các lỗi khi phát hoặc hư hỏng của từng cụm loa cũng sẽ được thông báo tự động, đặc biệt các cụm loa đặt gần các camera an ninh khi được kết nối qua wifi cũng sẽ phát cảnh báo về trung tâm xử lý.

Đến nay, toàn thành phố Đồng Xoài đã có 5 trạm phát sóng FM, gồm: 1 trạm phát sóng FM do Đài Truyền thanh và Truyền hình thành phố quản lý, vận hành; 4 trạm phát sóng FM cấp xã, được đầu tư cho 2 phường Tân Đồng, Tiến Thành và 2 xã Tân Thành, Tiến Hưng. Riêng hệ thống truyền thanh nội thị gồm các tuyến đường trục chính và địa bàn 4 phường Tân Phú, Tân Bình, Tân Thiện và Tân Xuân do Đài Truyền thanh và Truyền hình thành phố đảm nhiệm.

Ngoài 4 trạm FM được lắp đặt cho các phường, xã từ năm 2015-2017, đến cuối năm 2019, Đài Truyền thanh và Truyền hình thành phố đã lắp đặt 24 trụ điện cao 14m/trụ, tương đương với 24 bộ thu, trong đó mỗi bộ thu/trụ điện gắn từ 2-4 loa.

Điểm khác biệt với hệ thống truyền thanh hữu tuyến trước đây tại khu vực nội thị cũng như hệ thống loa lắp đặt theo các trạm FM của phường, xã là các trụ gắn loa đứng độc lập trên các tuyến đường, tại khu dân cư, khu công cộng và hoàn toàn không phụ thuộc trụ điện của điện lực. Hệ thống truyền thanh không dây thu sóng ở băng tần cao được mã hóa bằng tín hiệu số trực tiếp của Đài Truyền thanh và Truyền hình thành phố.

Về công nghệ, sử dụng công nghệ truyền thanh hiện đại không dây, số hóa đảm bảo vận hành, quản lý, bảo trì đơn giản, chất lượng tín hiệu thu tốt. Bộ thu có thể tắt, mở theo tín hiệu điều khiển của máy phát FM.

Thành phố Đồng Xoài hiện tại đã hoàn thành toàn bộ việc thay thế hệ thống truyền thanh hữu tuyến (có dây) bằng hệ thống truyền thanh vô tuyến (không dây). Với những ưu điểm vượt trội, hệ thống truyền thanh không dây đã và đang phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, phù hợp xu thế phát triển công nghệ số hiện nay.

Truyền thanh thông minh đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân

Cũng theo Sở TT&TT Bình Phước, truyền thanh không dây thông minh phát sóng trên nền tảng data 3G, 4G, internet và ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) quản lý từng thiết bị phát thanh, đảm bảo sự thông suốt và đa dạng của thông tin.

Trước đây, hệ thống truyền thanh có dây truyền được thu - phát sóng trên tần số FM theo khung giờ nhất định. Chính vì vậy, phần lớn thông tin đến với người nghe được tiếp âm của đài Trung ương, đài tỉnh nên hạn chế thời lượng. Nhưng nay, với hệ thống truyền thanh không dây thông minh thì hạn chế này đã được khắc phục.

Sự thông minh của truyền thanh không dây đem đến người nghe nhiều lựa chọn tiếp nhận thông tin. Cùng một khung giờ, mỗi cụm loa khác nhau có thể phát những thông tin khác nhau, giọng đọc khác nhau, phù hợp với văn hóa từng vùng, miền và nhu cầu, sở thích tiếp nhận thông tin của người nghe.

Bình Phước đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống truyền thanh cơ sở phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước cùng Công ty TNHH MTV Viễn thông số VTC chi nhánh phía Nam trao hệ thống truyền thanh thông minh cho lãnh đạo xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: bptv.vn).

Đài Truyền thanh xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp là đài cấp xã đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm chuyển đổi từ tần số FM sang truyền thanh thông minh. Đây là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2020 tại tỉnh. Vận hành hệ thống này, người phụ trách chuyên môn chỉ cần soạn thảo bản tin hoặc các thông báo của địa phương trên phần mềm truyền thanh thông minh. Sau khi được lãnh đạo duyệt nội dung, cán bộ phụ trách chỉ cần một thao tác nhấp chuột vào phần chuyển đổi văn bản sang giọng nói, phần mềm sẽ tự động đọc văn bản rất "chuyên nghiệp".

Bà Nguyễn Thị Lan ở ấp 5, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp chia sẻ: "So với loa cũ thì loa không dây nghe rõ hơn. Thông tin cũng nhiều hơn, chuyện xa, chuyện gần gì cũng có. Trong đó, những chuyện xảy ra ngay tại xã, huyện nhưng nếu không có truyền thanh mới, người dân khó mà biết được. Vui nhất là chúng tôi được nghe những thông tin mình muốn, gắn với cuộc sống hằng ngày".

Ông Huỳnh Huy Hoàng, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp 9, xã Thanh Hòa cho biết: "Cụm loa truyền thanh thông minh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong tuyên truyền. Bên cạnh những thông tin giải trí thì chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần với nhân dân hơn".

Theo Bà Hoàng Thị Thanh Vân, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp - Mobifone Bình Phước: "So với truyền thanh có dây thì truyền thanh thông minh là giải pháp công nghệ rất mới, giải quyết được rất nhiều vấn đề. Vì là truyền thanh không có dây nên rất cơ động, đồng thời cho phép kiểm soát vận hành, kiểm soát thông tin... Mỗi loa có thể phát nội dung khác nhau phù hợp với người nghe và được cấp quyền phân cấp cũng là ưu điểm vượt trội".

Sở TT&TT Bình Phước cho biết: Hệ thống truyền thanh thông minh đã và đang nhận được nhiều đánh giá tích cực. Hiện nay, Bình Phước tiếp tục thực hiện đầu tư thay thế dần truyền thanh thế hệ cũ, đưa hệ thống truyền thanh thông minh lan rộng ra toàn tỉnh.

Năm 2020, tỉnh đã đầu tư, lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại 5 xã thuộc 3 huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và Bù Đăng với 42 cụm loa truyền thanh thông minh từ nguồn tài trợ của Quỹ Thiện Tâm.

Trong năm 2021, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tỉnh tiếp tục đầu tư 29 cụm loa tại xã Thanh Hòa (huyện Bù Đốp) và xã Bình Minh (huyện Bù Đăng). 

Việc ứng dụng công nghệ số trong truyền thanh cơ sở tại Bình Phước thời gian qua đã thu gọn được hệ thống máy móc cồng kềnh, đồng thời nâng cao chất lượng tuyên truyền, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân trên địa bàn trong tỉnh, đặc biệt là đối với bà con DTTS, vùng biên giới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống truyền thanh cơ sở phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO