Bộ Công Thương CĐS toàn diện để tăng cường tương tác với người dân, DN

Hoàng Linh| 11/05/2022 15:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ Công Thương lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm trong Chương trình chuyển đổi số (CĐS) của Bộ giai đoạn 2022 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định ban hành Chương trình CĐS giai đoạn 2022 - 2025 nhằm đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và DN làm trung tâm, Bộ Công Thương sẽ thực hiện CĐS một cách tổng thể, toàn diện đối với mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cách thức làm việc dựa trên công nghệ số, hướng tới Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin (ATTT).

CĐS ưu tiên tập trung cho ngành điện lực, công nghiệp

Theo đó, Chương trình CĐS giai đoạn 2022 - 2025 có mục tiêu nâng cấp, vận hành Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng đảm bảo kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử qua tất cả các cấp chính quyền của Bộ và kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia.

Tỷ lệ văn bản trao đổi, hồ sơ công việc tái cấp Bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt 100% đối với các nội dung không mật; Khai thác sử dụng triệt để hộp thư điện tử được cấp, các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; sử dụng hiệu quả mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn; xây dựng, khai thác dịch vụ nền tảng để đăng nhập các hệ thống thông tin theo cơ chế đăng nhập một lần (SSO - Single Sign On)...

Chương trình cũng đặt mục tiêu hoàn thiện Cổng Dịch vụ Công (DVC), hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính trên Cổng DVC, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVC quốc gia, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đăng ký DN và CSDL quốc gia khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt mục tiêu 100% DVC trực tuyến cấp độ 3, 4 phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, DN được tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng DVC Quốc gia, Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được xác thực điện tử; 100% DVC trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu được tích hợp lên cơ chế một cửa Quốc gia; Hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, DN của Bộ Công Thương với Hệ thống của Chính phủ, đảm bảo tiếp nhận 100% thông tin phản ánh của người dân và chuyển cho các đơn vị liên quan giải quyết. Công bố 100% thông tin phản hồi đảm bảo người dân, DN tiếp cận được thông tin một cách chính xác và kịp thời...

Để thực hiện các nhiệm vụ kể trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra lộ trình thực hiện với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển các hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu, phát triển các ứng dụng dịch vụ, bảo đảm ATTT và phát triển nguồn nhân lực.

Đi kèm với từng nhiệm vụ là những giải pháp cụ thể trong đó có việc nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN; Ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; Phát triển mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, DN; Tăng cường hợp tác quốc tế...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ để triển khai có hiệu quả Chương trình CĐS giai đoạn 2022-2025. Trong đó, đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ yêu cầu phải xây dựng kế hoạch CĐS ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả; kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, góp phần hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng.

Bộ Công Thương CĐS toàn diện để tăng tương tác với người dân, DN - Ảnh 1.

Phần lớn các trạm biến áp 110kV và 220kV trong EVN đã chuyển sang mô hình không người trực và được điều khiển xa. Ảnh: Trung tâm điều khiển xa tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Nguồn: evn.com.vn)

Đối với lĩnh vực công nghiệp, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng kế hoạch CĐS trong sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột, xây dựng chiến lược, cơ cấu tổ chức thông minh, nhà máy thông minh, vận hành thông minh để tạo ra các sản phẩm thông minh...

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2010-2015 và đạt được những kết quả nhất định về công tác ứng dụng CNTT trong các hoạt động của đơn vị trực thuộc Bộ. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, về mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan Trung ương, qua các năm, từ vị trí cuối, Bộ Công Thương đã vươn lên top đầu.

Theo kết quả đánh giá mức độ CĐS cấp bộ, cấp tỉnh (DTI) năm 2020 và thúc đẩy cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, Bộ Công thương xếp hạng 6/18 bộ được xếp hạng đánh giá.

CĐS đang diễn ra mạnh mẽ trên lĩnh vực thương mại và công nghiệp

Tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban CĐS quốc gia mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết từ tháng 4/2021, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS của Bộ, Ban hành kế hoạch hành động đồng thời tái chỉ đạo Đề án và Dự án theo Kế hoạch đầu tư công. Ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo CĐS đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện chương trình CĐS của Bộ.

Bộ Công Thương CĐS toàn diện để tăng tương tác với người dân, DN - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: quan trọng nhất của CĐS vẫn là CSDL

Đến nay, 100% DVC trực tuyến của Bộ Công Thương là đạt mức độ 2 trở lên, trong đó 80% mức độ 4, 16% mức độ 3 và 4% ở mức độ 2. Bộ đã có 45% DVC kết nối vơi Cổng DVC quốc gia. Bộ đã kết nối 16/60 thủ tục hành chính với cơ chế một cửa quốc gia với Bộ Tài chính.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, CĐS đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Thương mại điện tử (TMĐT) được ghi nhận là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, với mức tăng trưởng cao và đồng đều khoảng 25 - 30% trong 10 năm vừa qua. Đến nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về TMĐT. Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch, TMĐT vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số, góp phần tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến tiêu thụ và lưu thông hàng hóa giữa đại dịch.

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan bộ, ngành, địa phương, các sàn TMĐT lớn triển khai kết nối và hỗ trợ bán hàng, tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Cùng với TMĐT, Bộ Công Thương cũng phát huy vai trò của hệ thống thương vụ nên đã thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, biệt là hàng nông sản, đặc sản vùng miền đến các thị trường để tận dụng cơ hội từ các FTA…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hóa truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0".

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, Bộ đã xác định CĐS ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới, hướng việc cung ứng điện một cách hiệu quả, nhằm xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn. Lĩnh vực công nghiệp cũng đã sử dụng các biện pháp kiểm soát quá trình và tự động hóa, số hóa trong những năm gần đây, để tối đa hóa chất lượng, sản lượng trong khi giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các chi phí đầu vào liên quan.

Qua thực tế quản lý, có thể thấy vai trò của các CSDL nhằm hỗ trợ công tác ra quyết định, quản lý, điều hành, xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng lớn và cấp thiết. Điển hình, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ TT&TT đã phối hợp để xây dựng hệ thống CSDL quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu quốc gia ngay sau phiên chất vấn của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thì đến giờ này chúng tôi đã hoàn thành phần mềm quản lý đối với DN đầu mối, các thương nhân phân phối và đang xây dựng phần mềm quản lý đến các cửa hàng bán lẻ.

Theo đó, giai đoạn 1, Bộ Công Thương sẽ quản lý trực tiếp đến 36 DN đầu mối, 330 thương nhân phân phối và phân cấp các UBND các tỉnh, thành phố quản lý 17.000 cửa hàng bán lẻ. Giai đoạn 2, dự kiến đến hết 2022, Bộ Công Thương sẽ kết nối tất cả hệ thống kinh doanh xăng dầu từ trung ương đến địa phương, đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng hệ thống CSDL quản lý bằng công nghệ đối với lĩnh vực điện, khoáng sản, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông xuất khẩu nhưng việc tiếp cận số liệu, dữ liệu đôi khi phải gián tiếp qua một đơn vị thứ 2 hoặc thứ 3. Ví dụ như dữ liệu xuất nhập khẩu phải thông qua Tổng cục Hải quan mới có được, như vậy là chậm các kỳ chỉ đạo.

"Tôi rất muốn Ban chỉ đạo quốc gia, đặc biệt là Bộ TT&TT với tư cách là cơ quan thường trực và cơ quan chuyên môn sẽ giúp chúng tôi kết nối để Bộ Công Thương có thể liên thông được với các bộ, ngành liên quan để có được dữ liệu kịp thời. Đề nghị Bộ TT&TT giúp chúng tôi mấy chương trình quản lý xăng dầu, điện, khoáng sản, quản lý xuất nhập khẩu và một số lĩnh vực khác trong Bộ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương CĐS toàn diện để tăng cường tương tác với người dân, DN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO