Bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”
Để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cũng như hướng tới hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030", Uỷ ban Dân tộc đã có công văn hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 1087/QĐ-TTg với các nội dung cụ thể.
Ngày 2/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030” tại Quyết định số 1087/QĐ-TTg. Mục tiêu của Đề án là tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc; xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Đề án "Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030"; xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu tại Ủy ban Dân tộc.
Đề án cũng đưa ra một số mục tiêu lớn cho giai đoạn 2026 - 2030 như: 100% lãnh đạo Ủy ban Dân tộc sử dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường số; 80% lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc cấp tỉnh, 70% lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc cấp huyện sử dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường số;…
Đặc biệt, trong phát triển xã hội số cần triển khai đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số cho ít nhất 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu; 80% trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc…
Về phát triển kinh tế số cần đạt 50% chủ thể OCOP là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, góp phần chuyển đổi số vùng dân tộc thiểu số
Việc tham mưu, xây dựng và trình ban hành Đề án cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Dân tộc để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cũng như hướng tới hoàn thành các mục tiêu của Đề án, Ủy ban Dân tộc đã có công văn hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 1087/QĐ-TTg với các nội dung cụ thể.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc (UBDT), các địa phương cần bám sát các nội dung của Quyết định số 1087/QĐ-TTg và kế hoạch thực hiện đề án của UBDT về việc thực hiện quyết định này với các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương để đưa vào cụ thể trong kế hoạch triển khai Đề án hoặc lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án do địa phương phụ trách.
UBDT nêu rõ, với các mục tiêu, nhiệm vụ không chỉ rõ trách nhiệm của địa phương thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, giao cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn có liên quan xác định các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch cần đảm bảo sự nhất quán từ mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp, để đảm bảo mỗi mục tiêu đều có nhiệm vụ, giải pháp tương ứng để hoàn thành mục tiêu. Trong kế hoạch không đề xuất xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin đã có, đang xây dựng hoặc trong quá trình chuẩn bị đầu tư; trường hợp cần thiết có thể đề xuất bổ sung, nâng cấp thêm các chức năng theo nhu cầu thực tế. Đồng thời rà soát các hệ thống thông tin theo danh sách các nền tảng số quốc gia do các Bộ, ngành triển khai trên toàn quốc được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Văn bản số 2765/BTTTT-CĐSQG ngày 15/7/2024 để địa phương khai thác, tránh trùng lặp.
UBDT cũng yêu cầu các địa phương cần phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian cho từng tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện Đề án; bố trí nguồn lực con người, nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; đảm bảo tính đồng bộ từ chủ trương trong kế hoạch đến thực tiễn triển khai; bảo đảm triển khai các hoạt động của Đề án đúng thời gian, chất lượng và hiệu quả.
Theo hướng dẫn từ UBND, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc để thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ của Đề án với các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo đúng quy định của pháp luật, cụ thể, chặt chẽ, đúng chức năng và bảo đảm tính khả thi.
Hướng dẫn của UBDT là kim chỉ nam dẫn đường cho các ban ngành, địa phương hoàn thành được mục tiêu Đề án đặt ra, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số đất nước, đặc biệt là chuyển đổi số vùng dân tộc thiểu số./.