Bước chuyển mình ngoạn mục
Chỉ trong vòng hơn 20 năm, từ chỗ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, Trung Quốc đã có bước phát triển nhảy vọt, tham gia thị trường chip toàn cầu, và vươn lên trở thành quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Thành công và kinh nghiệm của Trung Quốc là kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia đi sau học tập.
Khởi đầu từ… con số 0!
Những năm 50 của thế kỷ trước, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu và tiếp cận công nghệ bán dẫn, với việc thành lập Viện nghiên cứu Bán dẫn thuộc Viện Khoa học Trung Quốc năm 1959, rồi nghiên cứu thành công chip đầu tiên năm 1965. Giai đoạn những năm 1970-1990, ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc dần hình thành, với những tiến bộ về công nghệ và năng lực sản xuất, nhiều doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn ra đời. Chính phủ Trung Quốc ban hành Quy hoạch phát triển ngành mạch tích hợp (IC), bắt đầu nhập khẩu các thiết bị và công nghệ bán dẫn tiên tiến từ nước ngoài. Tuy có nhiều chính sách hỗ trợ, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành bán dẫn Trung Quốc chưa có sự bứt phá, thậm chí vẫn chỉ là con số 0 với nhiều dự án chậm tiến độ, và khoảng cách so công nghệ bán dẫn tiên tiến của thế giới ngày càng xa.
Mười năm đầu thế kỷ 21 chứng kiến sự phát triển nhảy vọt của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, quy mô sản xuất mở rộng, trình độ kỹ thuật nâng cao, định hình một số doanh nghiệp đầu tàu có sức cạnh tranh quốc tế như: SMIC, HUAHONG, HiSilicon… Ngoài những thành công trong thiết kế và chế tạo chip, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu tham gia nghiên cứu, phát triển và sản xuất thiết bị và vật liệu bán dẫn. Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc trở thành thị trường bán dẫn quan trọng trên phạm vi toàn cầu, dù vẫn có khoảng cách nhất định với trình độ tiên tiến của thế giới về công nghệ cũng như năng lực sản xuất. Đặc biệt, trong lĩnh vực chế tạo chip cao cấp, thiết bị và vật liệu cốt lõi, Trung Quốc vẫn phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu.
Trước những thách thức trong giai đoạn cạnh tranh toàn cầu, Trung Quốc đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nhằm tăng sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh thông qua các hình thức mua bán, sáp nhập, liên doanh…
Theo thống kê của Tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS), quy mô thị trường của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc tăng từ 98,6 tỷ USD năm 2015 lên 180,3 tỷ USD năm 2022, chiếm khoảng một phần ba quy mô thị trường toàn cầu, dự kiến đạt 246,4 tỷ USD vào năm 2029. Trong đó, thị trường vật liệu bán dẫn tăng nhanh và dự kiến đạt 22,46 tỷ USD năm 2024, tăng trưởng bình quân 32,66%/năm trong giai đoạn 2017-2024. Đáng chú ý, quy mô thị trường chip không ngừng mở rộng, theo thống kê của cơ quan chức năng Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2024, sản lượng chip các loại đạt 395,27 tỷ chiếc, tăng 23,1%; giá trị xuất khẩu đạt 1.030 tỷ nhân dân tệ (khoảng 143 tỷ USD), tăng 20,3% so cùng kỳ năm 2023.
Minh chứng cho đà tăng trưởng liên tục và năng lực sản xuất chất bán dẫn không ngừng được nâng cao, Công ty Nghiên cứu thị trường TechInsights công bố, khả năng sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng hơn ba lần ở giai đoạn 2018-2023, và sẽ tăng 38,7% từ 631msi (triệu inch vuông) năm 2023 lên 875msi vào năm 2029. Nhiều công ty bán dẫn Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, đơn cử như SMIC sản xuất thành công chip 7nm vào năm 2023, và trở thành một trong số ít công ty trên thế giới làm chủ được công nghệ này. Hay, Will Semiconductor trở thành công ty thiết kế bán dẫn đứng thứ ba trong tốp 10 về thiết kế vi mạch toàn cầu; HiSilicon đã tự chủ sản xuất chip 5G cho điện thoại thông minh của Huawei…
Thành công nhờ có “chìa khóa vàng”
Để từng bước khẳng định vị thế trên “bản đồ” chip bán dẫn toàn cầu, Trung Quốc đã có những chiến lược, quy hoạch, lộ trình và bước đi bài bản, đồng thời tìm kiếm cơ hội vươn lên trong cuộc đua ở một lĩnh vực chiến lược quan trọng.
Là người có nhiều năm làm việc, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đánh giá, việc sớm xác định ngành công nghiệp bán dẫn, mạch tích hợp là mũi nhọn chiến lược, từ đó huy động sự tham gia, phối hợp của nhiều chủ thể như: Chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu… chính là chìa khóa vàng để Trung Quốc thành công và hướng đến “tự chủ” khi đối mặt rào cản từ bên ngoài. Đơn cử, Huawei - một “ông lớn” của ngành bán dẫn thế giới, luôn dành đến vài chục phần trăm lợi nhuận chi cho nghiên cứu, phát triển, hợp tác các bên để thành lập phòng nghiên cứu trọng điểm, từ đó sản xuất được chip 5G cho điện thoại thông minh, thay thế nguồn nhập khẩu đang bị hạn chế.
Đặc biệt, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung Quốc đã xác định vai trò, tầm quan trọng, cũng như đã đề ra định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, mạch IC một cách rất đồng bộ, chi tiết. Cụ thể: Đề cương thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp IC quốc gia (năm 2014) yêu cầu đổi mới công nghệ, mô hình và cơ chế, tháo gỡ nút thắt trong phát triển, đề xuất thành lập quỹ đầu tư quốc gia, khuyến khích các quỹ đầu tư khác tham gia; Chiến lược “Made in China” (năm 2015) xác định tập trung nâng cao trình độ thiết kế, thử nghiệm đột phá về công nghệ sản xuất, ứng dụng các linh kiện, vật liệu bán dẫn chính; Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược quốc gia (năm 2016) xác định nâng cao trình độ thiết kế các chip chủ chốt và phát triển chip cho các ứng dụng mới; “Một số chính sách thúc đẩy phát triển chất lượng cao ngành công nghiệp mạch IC và công nghiệp phần mềm trong kỷ nguyên mới” (năm 2020) yêu cầu miễn thuế có thời hạn cho doanh nghiệp thiết kế chip…
Dẫn số liệu đầu tư, hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong những năm qua, ông Trịnh Mạnh Toàn, Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Trung Quốc nhận định, chính sách hỗ trợ đồng bộ, mạnh mẽ, liên tục đã giúp ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc phát triển nhanh chóng, đạt tiến bộ vượt bậc. Ngoài ra, chiến lược hợp tác và chuyển giao công nghệ quốc tế cũng giúp các công ty bán dẫn Trung Quốc tiếp cận, cập nhật, cải tiến các công nghệ tiên tiến của thế giới, từ đó hình thành năng lực sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trung Quốc hiện đối mặt nhiều thách thức lớn, đặc biệt là khả năng làm chủ các công nghệ cốt lõi, sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Và với quy mô, nhu cầu đa dạng, khó định lượng của thị trường chip cao cấp cũng như những lợi thế sẵn có cùng tầm nhìn dài hạn, Trung Quốc vẫn có thể điều tiết ngành công nghiệp bán dẫn đứng vững, phát triển để tham gia chi phối chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Về định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, ông Trịnh Mạnh Toàn khuyến nghị, Việt Nam có thể tham khảo các kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc tránh “bẫy công nghệ trung bình” về chip bán dẫn, xây dựng tầm nhìn, hoạch định và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển ngành bán dẫn trong nước; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích liên kết, hợp tác trường đại học-viện nghiên cứu - doanh nghiệp; bảo đảm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tài chính ổn định, dài hạn và điều kiện phát triển thuận lợi cho các chủ thể tham gia, nhất là các doanh nghiệp lớn có tiềm lực và mức độ thị trường hóa cao.
Quỹ đầu tư công nghiệp mạch IC quốc gia của Trung Quốc được thành lập năm 2014, với quy mô ngày càng tăng trong từng giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014-2018), với tổng mức đầu tư 138,7 tỷ nhân dân tệ; Giai đoạn 2 (tháng 10/2019- 4/2024), với quy mô 204,2 tỷ nhân dân tệ; Giai đoạn 3 (từ tháng 5/2024), với quy mô 344 tỷ nhân dân tệ.