Hiện đại hóa hệ thống CNTT: "Át chủ bài" của BĐVN
Xác định CĐS là giải pháp sống còn, là ưu tiên số 1 trong mọi hoạt động, ngay từ năm 2019, Vietnam Post đã hoàn thành việc xây dựng chiến lược CĐS của doanh nghiệp (DN). Ngay sau đó, DN bưu chính lớn nhất Việt Nam đã từng bước cụ thể hóa thành các chương trình, dự án trong từng lĩnh vực; từ quản trị hệ thống, quản lý khách hàng đến tự động hóa trong khai thác, chia chọn, phát hàng hóa cũng như đưa ra các dịch vụ số mới…
Trong lĩnh vực quản trị hệ thống, BĐVN đang triển khai dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, dự án "Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam" (MPITS). Đây được coi là "con át chủ bài" của Vietnam Post. MPITS không chỉ góp phần tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ mà còn giúp khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ, tiết kiệm thời gian và tăng trải nghiệm đáng kể tại quầy giao dịch.
Hệ thống ứng dụng MPITS được BĐVN triển khai, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Với nhiều tính năng nổi trội, mang tính nền tảng số hóa cao, MPITS cho phép triển khai hệ thống bưu cục số, điểm phục vụ thông minh trên toàn hệ thống BĐVN. Ở đó, khách hàng có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ từ tài chính bưu chính, bưu chính chuyển phát, hành chính công, thu thuế, trả cước điện thoại, tiền điện, nước, gửi tiết kiệm, chuyển tiền… cho một lần giao dịch, tương tự, một giao dịch viên có thể tác nghiệp tất cả các dịch vụ cung cấp tại điểm trên cùng một màn hình, một máy tính.
Không những thế, MPITS còn kết nối mạnh mẽ với các thiết bị thông minh, thiết bị cầm tay và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong quy trình vận hành khép kín của vòng dịch vụ như ứng dụng phát Dingdong, Pack and send, chăm sóc khách hàng CRM…
Với khả năng này, trải nghiệm cho khách hàng được tối ưu hoá, quy trình triển khai, vận hành dịch vụ được rút ngắn mang lại vô vàn tiện ích cho khách hàng đồng thời tiết kiệm 90% ấn phẩm nghiệp vụ, giảm 70% tác vụ trong thực hiện các hành vi giao tiếp khách hàng. Đồng thời ở bất kỳ đầu, khi nào khách hàng đều có thể tra cứu, định vị, hỏi đáp về trạng thái sản phẩm, dịch vụ qua hệ thống tổng đài đa kênh, website, fanpage.
Với việc cung cấp đa dịch vụ trên cùng một nền tảng đồng nhất, giúp tối ưu hóa việc cung cấp dịch vụ và đổi mới tổ chức sản xuất, MPITS cũng hỗ trợ việc thêm mới, điều chỉnh, bổ sung sản phẩm dịch vụ cung cấp thuộc các trụ cột kinh doanh Bưu chính chuyển phát, Tài chính Bưu chính và Phân phối truyền thông, hành chính công của BĐVN. Qua đó, gia tăng nhiều dịch vụ mới, số hóa Bưu chính, một lĩnh vực tưởng như chỉ có phát triển vật lý cũng như mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác lớn trong và ngoài nước, đẩy nhanh tiến trình phát triển sản phẩm dịch vụ mới, góp phần đưa công nghệ tiên tiến hiện đại vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững cho BĐVN.
Chủ động nghiên cứu, áp dụng các giải pháp vào thực tế
Trên cơ sở các nền tảng ứng dụng CNTT của dự án MPITS, BĐVN đã nghiên cứu các giải pháp, vận dụng vào điều kiện thực tế tại mỗi đơn vị. Cũng nhờ vậy, các đơn vị trên toàn mạng lưới BĐVN đã chủ động sắp xếp lại tổ chức lại sản xuất tại đơn vị, thực hiện chuyển đổi tổ chức sản xuất để áp dụng các nhóm giải pháp nền tảng của dự án MPITS.
Trong đó nổi bật nhất là các nhóm nền tảng chính gồm: Nền tảng "Quầy giao dịch đa dịch vụ Bưu điện"; "Trung tâm Dịch vụ (Service Center) - phục vụ dịch vụ Bưu chính"; "Phân phối bán lẻ, Quản lý cung ứng"; Phân hệ CRM "Tập trung hóa kho dữ liệu báo cáo chi tiết, tổng hợp nghiệp vụ, kế toán" và nền tảng "Hệ thống báo cáo điều hành thông minh từ cấp Tổng công ty đến bưu cục". Đi cùng với các nền tảng này gói gọn trong 11 ứng dụng cho từng lĩnh vực đảm bảo dễ vận hành, dễ triển khai, chính xác, bảo mật, an toàn và hiệu quả cao.
Với các giải pháp công nghệ nền tảng, kết hợp với các hệ thống phần mềm hiện hành khác, MPITS sẽ giúp BĐVN chuyển đổi, cải tiến mô hình tổ chức sản xuất hướng đến tiên tiến, hiện đại, ứng dụng đầy đủ các chức năng hệ thống ứng dụng MPITS trong sản xuất, kinh doanh và quản lý, trên các mặt hoạt động cụ thể như: Marketing - bán hàng; Quy trình nghiệp vụ - vận hành; Chăm sóc - hỗ trợ khách hàng; Thống kê - kế toán; Quản lý - quản trị…
Đặc biệt, điểm nổi bật của dự án MPITS là nền tảng "Điều hành kế hoạch sản xuất kinh doanh thông minh BI" (Business Intelligence). Đây là nền tảng cho phép lập báo cáo phân tích, đánh giá theo các lĩnh vực hoạt động của đơn vị, giúp quản lý kế hoạch, phân kỳ kế hoạch, giám sát mục tiêu, kiểm soát thực thi tại tất cả các cấp từ Tổng công ty đến các điểm phục vụ bao gồm cả cấp xã, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hỗ trợ điều hành quản lý kinh doanh một cách chuyên nghiệp, linh hoạt, từ đó thúc đẩy kinh doanh, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với 11 ứng dụng, 5 nhóm giải pháp nền tảng, toàn bộ dữ liệu của BĐVN đã được xử lý tự động, tích hợp kết nối và lưu trữ tập trung dữ liệu thành một hệ thống thông tin đồng nhất. Cán bộ công nhân viên, đặc biệt là giao dịch viên của BĐVN có thể khai thác thông tin, báo cáo trực tiếp trên hệ thống theo thời gian thực.
MPITS không chỉ góp phần tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ của DN bưu chính – chuyển phát, mà còn giúp người dân và khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ, tiết kiệm thời gian và giảm áp lực đáng kể tại quầy giao dịch.
Với việc triển khai đồng bộ và rộng khắp trên toàn mạng lưới cùng nền tảng công nghệ tối tân, MPITS đang được coi là một trong những nền tảng công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong Bưu chính để đưa BĐVN nhanh chóng CĐS thành công, đồng thời tiếp tục giữ vị thế là DN Bưu chính quốc gia số một tại Việt Nam.
Hướng tới phát triển thành công ty công nghệ số
Tại buổi làm việc với 3 DN bưu chính lớn nhất thị trường là Tổng công ty BĐVN, Viettel Post và Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm (GHTK) hồi đầu tháng 5/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo một số công việc trọng tâm như xây dựng nền tảng "Địa chỉ số" thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng cho lĩnh vực bưu chính mà các ngành khác có thể sử dụng như công an, y tế...; xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng bưu chính, CĐS bưu chính, DN bưu chính thành công ty công nghệ số, phát triển 2 sàn TMĐT Postmart, Vỏ Sò…
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các DN bưu chính cần xây dựng lực lượng đội ngũ nhân lực chuyên trách về công nghệ số (chiếm tối thiểu 2% tổng số nhân lực đối với các DN bưu chính như BĐVN và Viettel Post và tối thiểu 5% tổng số nhân lực đối với các bưu chính khác như GHTK). Vụ Bưu chính sẽ là đầu mối để tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của DN trong lĩnh vực bưu chính và làm việc với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ giải quyết. Cục Tin học hóa phối hợp, hướng dẫn các DN bưu chính thúc đẩy phát triển hoạt động CĐS của DN./.