Cà Mau: 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được cấp định danh và xác thực điện tử

Đỗ Thêu| 06/05/2022 10:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Nỗ lực nâng cao chất lượng các dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT), Cà Mau đang tăng cường hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận CNTT, thay đổi nhận thức, thói quen của mỗi người về các thủ tục hành chính (TTHC), dần dần phát triển chính quyền điện tử (CQÐT), hướng đến chính quyền số.

Đặt ra nhiều nhiệm vụ để triển khai CQĐT, chính quyền số

Theo Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 31/3/2022 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Cà Mau, đến năm 2025, Cà Mau phấn đấu 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin của tỉnh. 

Ngoài ra, 80% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, DN đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành không phải cung cấp lại.

Cà Mau: 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được cấp định danh và xác thực điện tử - Ảnh 1.

Đến năm 2025, Cà Mau phấn đấu 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin của tỉnh.

Cà Mau phấn đấu tối thiểu 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh sẽ được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành. 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 50% hoạt động kiểm tra của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Đặt mục tiêu dài hạn hơn, đến năm 2030, Cà Mau phấn đấu 100% DVCTT mức độ 4 sẽ được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tối thiểu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Quyết định số 985/QĐ-UBND cũng chỉ rõ những nhiệm vụ cần làm nhằm triển khai CQĐT, chính quyền số. 

Đối với việc hoàn thiện môi trường pháp lý, lãnh đạo tỉnh yêu cầu rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định của địa phương phù hợp với khung pháp lý của bộ, ngành Trung ương nhằm hỗ trợ xây dựng, phát triển CQĐT, chính quyền số. Đồng thời, sẽ cập nhật kiến trúc CQĐT tỉnh Cà Mau phù hợp với Khung kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam khi có phiên bản mới.

Đối với việc phát triển hạ tầng số, Cà Mau sẽ phát triển hạ tầng truyền dẫn đáp ứng nhu cầu triển khai CQĐT hướng tới chính quyền số; phát triển hệ thống dữ liệu, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT bảo đảm đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ phát triển CQĐT hướng tới chính quyền số.

Tỉnh sẽ đầu tư mở rộng năng lực hoạt động Trung tâm dữ liệu tỉnh, tạo tiền đề cho việc triển khai các hệ thống IoT (các công nghệ trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0) hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh.

Phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, DN

Theo Quyết định số 985/QĐ-UBND, để phục vụ người dân và DN, Cà Mau sẽ phát triển, hoàn thiện Cổng DVC, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh kết nối, tích hợp với Cổng DVC quốc gia, các CSDL quốc gia, hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành; hoàn thành việc tích hợp toàn bộ DVCTT mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng DVC quốc gia. 

Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong các hoạt động kết nối, tỉnh sẽ triển khai các kênh tương tác trực tuyến, các dịch vụ đô thị thông minh hỗ trợ người dân, DN tham gia tương tác trực tuyến với CQĐT, chính quyền số. Đặc biệt, chính quyền sẽ tích hợp các ứng dụng thanh toán điện tử, đa dạng hóa, hiện đại hóa các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để phổ cập, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử một cách rộng rãi tới tất cả người dân, ưu tiên triển khai ở các lĩnh vực: y tế, giáo dục, thương mại điện tử…

Trước đó, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, hạn chế đi lại, tiếp xúc trong việc cấp, gia hạn giấy đi đường, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công văn cho phép cấp giấy đi đường bằng mã QR-Code trên nền tảng Zalo DVCTT tỉnh Cà Mau. 

Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, cho biết mục tiêu của việc ứng dụng CNTT, cấp phát gia hạn giấy đi đường bằng mã QR-Code trên nền tảng Zalo là để dần hình thành những công dân điện tử, tạo điều kiện để người dân tiếp cận được chính quyền số, CQÐT.

Xây dựng và tiếp tục hoàn thiện ứng dụng CQĐT CaMau-G

Cà Mau: 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được cấp định danh và xác thực điện tử - Ảnh 2.

Cà Mau đã xây dựng ứng dụng CaMau-G, hướng tới phục vụ đa dạng người sử dụng DVC của cơ quan nhà nước.

Theo Báo cáo về kết quả ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền số tỉnh Cà Mau năm 2021, Cà Mau đã xây dựng ứng dụng CaMau-G với mục đích làm đại diện cho hệ thống phần mềm CQĐT của tỉnh Cà Mau, từng bước tích hợp các ứng dụng CNTT của tỉnh, tập trung về một đầu mối truy cập, nhằm hướng tới phục vụ đa dạng người sử dụng dịch vụ công của cơ quan nhà nước. 

CaMau-G sẽ là kênh kết nối để thông tin, tương tác trực tuyến giữa chính quyền với người dân, DN trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng có thể tải sử dụng trên hai nền tảng di động IOS và Android.

Đặc biệt, ứng dụng phản ánh hiện trường được triển khai tích hợp vào ứng dụng CaMau-G hiện có của tỉnh. Ứng dụng này hỗ trợ cho người dân, DN và khách du lịch phản ánh khi nhận thấy những vấn đề bất cập trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Cà Mau; là công cụ giúp người dân phản ánh nhanh chóng và thuận tiện thông quan ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Đây là ứng dụng quan trọng trong mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, cải thiện chất lượng dịch vụ của chính quyền các cấp đối với người dân và giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tích cực.

Thông qua ứng dụng này, người dân cũng có thể gửi thông tin phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề như: an ninh trật tự, hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường, y tế - sức khỏe, điện - chiếu sáng, cấp thoát nước, thực hiện DVCTT... góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn.

Trong khi đó, cơ quan nhà nước thông qua ứng dụng phản ánh hiện trường có thể tiếp cận nhanh chóng thông tin phản ánh của người dân, kịp thời đưa ra các phương án xử lý, từ đó giúp phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng cung cấp DVC. Ngoài ra, ứng dụng phản ánh hiện trường sẽ cung cấp số liệu báo cáo về công tác xử lý phản ánh, số lượng phản ánh theo thời gian thực phục vụ cho công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được cấp định danh và xác thực điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO