Cụ thể, tỉnh đặt ra mục tiêu tổng quát từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ chức và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành số hoá các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hoá toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh; phấn đấu Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố CĐS thành công của cả nước.
Trong đó, đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4. 100% người dân và doanh nghiệp (DN) sử dụng DVCTT được định danh và xác thực điện tử. Ngoài ra, 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Đến năm 2030, 100% DVCTT mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Tỉnh sẽ hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giảm 30% thời gian giải quyết TTHC; mở dữ liệu cho các tổ chức, DN, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, DN. 70% hoạt động kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, từng bước thích ứng với trạng thái bình thường sau đại dịch COVID-19, Cà Mau xác định CĐS là chiến lược tất yếu, là lựa chọn cần thiết giúp DN phục hồi và phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đánh giá: "CĐS không chỉ giúp DN nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới".
Vừa qua, Hiệp hội DN tỉnh Cà Mau đã ký kết thỏa thuận, hợp tác hỗ trợ CĐS DN giai đoạn 2022 - 2025 với Tập đoàn VNPT. Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% DN vừa và nhỏ tiếp cận nền tảng CĐS; 100% DN sử dụng hoá đơn điện tử; tỷ trọng thương mại điện tử (TMĐT) trong tổng mức bán lẻ đạt 10%. Kinh tế số Cà Mau sẽ chiếm 10% GRDP và đến năm 2030 sẽ chiếm 20% GRDP.
Để thực hiện hiệu quả công tác CĐS, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện lĩnh vực này. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/7/2022 của Tỉnh ủy Cà Mau về CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ CĐS là quá trình thay đổi tổng thể, căn bản và toàn diện hoạt động lãnh đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, phương thức sản xuất, kinh doanh, phương thức sống, làm việc của người dân dựa trên công nghệ số.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS; do đó trước tiên phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội. CĐS hướng đến lợi ích của người dân và DN, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững; đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng đến tháng 6/2023
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký ban hành kế hoạch thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trên địa bàn tỉnh. Tổ CNSCĐ là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn và ấp, khóm.
Theo kế hoạch, UBND các huyện, thành phố Cà Mau lựa chọn ít nhất 01 đơn vị cấp xã để triển khai thí điểm. Hoạt động của Tổ CNSCĐ sẽ tập trung vào thông tin, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS đến các hộ gia đình, người dân trong ấp, khóm.
Tổ sẽ hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT trên thiết bị di động; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua ứng dụng phản ánh hiện trường. Ngoài ra, tổ cũng sẽ hướng dẫn DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia sàn TMĐT; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ cũng hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục… thông qua các nền tảng số.
Các hoạt động trên của tổ CNSCĐ nhằm đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, từ đó thúc đẩy CĐS, dẫn dắt người dân tiếp cận môi trường số, tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Qua đó, nhân dân sẽ trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn.
CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. CĐS nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì CĐS sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Kế hoạch về thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ sẽ được tỉnh Cà Mau thực hiện đến hết tháng 6/2023./.