Ngày 13/10, Hội thảo “Hội đồng FTTH châu Á – Thái Bình Dương Việt Nam” năm 2016 đã được tổ chức tại Hà Nội. Tới dự Hội thảo có các thành viên của Hội đồng FTTH châu Á – Thái Bình Dương, đại diện các nhà cung cấp FTTH tại Việt Nam: VNPT, Viettel, MobiFone…
FTTH (Fiber to the Home) là dịch vụ băng thông rộng cáp quang, được nối tới tận nhà để cung cấp các dịch vụ tốc độ cao như điện thoại, Internet và truyền hình.
Tại Hội thảo tình hình phát triển của FTTH trong khu vực, những thách thức đối với việc triển khai FTTH, các ứng dụng, nội dung FTTH, kinh nghiệm triển khai FTTH, các sản phẩm FTTH và đặc biệt tình hình triển khai FTTH tại Việt Nam đã được chia sẻ.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông trình bày tình hình phát triển FTTH tại Việt Nam
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã nhấn mạnh: “Phương thức truyền dẫn cáp quang dần chiếm ưu thế. Để thúc đẩy FTTH, việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước, doanh nghiệp, cơ quan quản lý là nội dung quan trọng, hữu ích. Phát triển hạ tầng viễn thông, truyền dẫn cáp quang, cáp quang đến hộ gia đình FTTH và tòa nhà rất quan trọng.
Bộ TT&TT đã xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lộ trình phát triển viễn thông nói chung và phát triển băng rộng cho Việt Nam đến năm 2020 và xây dựng các cơ chế đảm bảo người dân sử dụng dịch vụ chất lượng tương ứng gói cước họ đã thuê bao, đảm bảo giá thành dịch vụ ở mức hợp lý có thể tiếp cận, tạo cơ hội cho nhiều người dân tiếp cận dịch vụ băng rộng, khuyến khích người dân chia sẻ hạ tầng tích cực, đường truyền dẫn FTTH, để tăng cấp độ phủ sóng cáp quang đến mọi miền tổ quốc.
Theo chương trình phát triển để xây dựng hạ tầng băng rộng đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam sẽ xây dựng hạ tầng băng rộng hiện đại, an toàn, có dung lượng lớn tốc độ cao để đáp ứng các dịch vụ đa dạng, như truyền hình chất lượng cao, truy nhập Internet dung lượng lớn, cũng như các dịch vụ truyền thống như truyền hình, dữ liệu đáp ứng sự bùng nổ dữ liệu ở Việt Nam, khi các thành phố thông minh được xây dựng ở các quốc gia và ở Việt Nam, các căn nhà thông minh, các ứng dụng IoT...
Một số mục tiêu cụ thể của Chương trình bao gồm: đến năm 2020 ít nhất 40% số hộ gia đình (hoặc thuê bao cá nhân) trên toàn quốc được tiếp cận và sử dụng dịch vụ băng rộng cố định, trong đó ít nhất 60% thuê bao được kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 25 Mb/s; 100% các điểm truy nhập viễn thông công cộng trên cả nước sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong đó ít nhất 50% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50 Mb/s; Hơn 99% các điểm thư viện công cộng trên cả nước sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong đó ít nhất 50% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50 Mb/s. Đảm bảo tối thiểu 95% các khu vực dân cư được phủ sóng 3G/4G với tốc độ trung bình đường xuống lớn hơn 4Mb/s tại thành thị và 2 Mb/s tại nông thôn.
Đồng thời, hơn 99% các cơ sở giáo dục có kết nối băng rộng, trong đó ít nhất 60% các cơ sở giáo dục bậc cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu sử dụng dịch vụ băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 1 Gb/s; ít nhất 60% các Cơ sở giáo dục bậc phổ thông, Trung học chuyên nghiệp, Cơ sở dạy nghề có truy nhập băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50 Mb/s.
Chương trình còn đặt mục tiêu hơn 99% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước có kết nối băng rộng trong đó ít nhất 20% cơ sở có truy nhập băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 100 Mb/s; 40% đến 60% các kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 25 Mb/s. 100% các cơ quan, đơn vị của Đảng, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp có kết nối băng rộng trong đó ít nhất 30% kết nối có tốc độ tối thiểu đường xuống là 100 Mb/s; 40% đến 60% các kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 25 Mb/s. 100% các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị của Đảng, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội; các cổng thông tin cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công hỗ trợ đồng thời giao thức Internet IPv4 và IPv6.
Để thực hiện các mục tiêu, Nhà nước tạo điều kiện mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường viễn thông, viễn thông băng rộng. Bộ TTTT tham mưu xây dựng các chính sách, tăng cường thực thi, tuyên truyền sử dụng băng rộng, phối hợp với các Sở TT&TT xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật sử dụng chung hạ tầng, yêu cầu chi nhánh các doanh nghiệp viễn thông tỉnh/thành xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động, tránh việc chồng chéo, đào đường và chia sẻ hạ tầng với các ngành khác…
“Tất cả các giải pháp là tạo môi trường minh bạch, cung cấp hạ tầng viễn thông, khuyến khích doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng, tạo điều kiện cho người sử dụng được sử dụng các dịch vụ viễn thông băng rộng đa dạng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường. Với các chính sách như vậy, dịch vụ băng rộng được kỳ vọng ngày càng phát triển”, ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh.
Ông Peter Macaulay, Chủ tịch hội đồng FTTH Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại Hội thảo
Ông Peter Macaulay, Chủ tịch hội đồng FTTH Châu Á - Thái Bình Dương thay mặt Hội đồng đã khẳng định vai trò của Hội đồng FTTH châu Á – Thái Bình Dương là thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ cáp quang bằng việc định hướng nhà cung cấp và người dùng về những cơ hội và lợi ích của FTTH để nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững; cung cấp một cái nhìn nhất quán và chính xác về tình hình FTTH; cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường FTTH. Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á đang phát triển FTTH mạnh mẽ. Việt Nam đã hiện diện trên bản đồ FTTH và đang phát triển nhanh chóng
Theo ông Peter Macaulay, xu hướng là số lượng kết nối cáp quang tăng lên, kết nối cáp đồng giảm, người dùng muốn có tốc độ tăng lên để có thể xem truyền hình 4K, tiến tới 8K, trong gia đình có nhiều kết nối di động làm nhu cầu băng thông. Khách hàng đang trở nên thông minh hơn, nội dung ngày càng nhiều.
Chúng ta đang sống trong một thế giới vô tuyến, thế giới cáp quang, đó chính là tương lai để theo đó chúng ta có thể di động. Tương lại sẽ có tới 70% người dùng các thiết bị di động trong nhà nên cần triển khai nhiều cáp quang. Chúng ta đã có kết nối 3G, đang kiểm thử 5G, cáp quang sẽ đi sâu vào hạ tầng, người dùng, để đáp ứng chính phủ điện tử, học tập điện tử và các dịch vụ công cộng, theo phân tích của ông Peter Macaulay.
Toàn cảnh Hội thảo
Cũng tại Hội thảo các chuyên gia lĩnh vực FTTH cũng đã khẳng định cơ sở hạ tầng cáp quang là một nhu cầu cơ bản đối với bất kỳ thành phố thông minh nào và việc lên kế hoạch và thiết kế mạng lưới này nên là một phần quan trọng của bất kỳ dự án nào. Những tiêu chuẩn trong việc thiết kế và vận hành mạng lưới cáp quang là cần thiết để công dân của thành phố thông minh được cung cấp các ứng dụng cần thiết để đưa ra quyết định “thông minh” xác định các dự án này.
Được biết, Hội nghị các chuyên gia FTTH khu vực châu Á Thái Bình Dương được tổ chức luân phiên mỗi năm 1 lần tại các nước châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị tiếp theo dự kiến được tổ chức tại New Dehli (Ấn Độ).