Với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ thông minh và số hóa, dường như thế giới đang nhanh chóng chuyển sang kỷ nguyên của cuộc CMCN 4.0. Truyền thông và ngân hàng là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của quá trình này, sau đó đến sản xuất.
Châu Á hiện được biết đến như là trung tâm sản xuất của thế giới và một số quốc gia ở Đông Nam Á như Singapore và Malaysia đang chuẩn bị lực lượng lao động để sẵn sàng cho CMCN 4.0.
Vào năm 2018, Malaysia đã công bố Chính sách quốc gia về Công nghiệp 4.0 (Industry4WRD) nhằm thúc đẩy đất nước trở thành trung tâm công nghiệp 4.0 của Đông Nam Á. Khi đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài việc tích cực ứng dụng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới.
Theo báo cáo của McKinsey & Company, nền công nghiệp 4.0 ở ASEAN có thể từ tăng từ 216 tỷ đến 637 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng khẳng định: "Cuộc CMCN lần thứ tư là một quá trình năng động và liên tục".
Thủ tướng Singapore cho rằng, thế giới đang đứng trước cuộc CMCN 4.0, đang thay đổi cách con người và các doanh nghiệp hoạt động. Việc phát triển các sáng kiến mới để chuẩn bị cho nền kinh tế trong tương lai chính là con đường phía trước, bởi những đột phá về công nghệ chắc chắn sẽ trở nên nhanh hơn và thậm chí còn tiên tiến hơn.
Ông Lý Hiển Long tin tưởng, các quốc gia thành viên ASEAN có thể tận dụng những cơ hội có được từ môi trường mới này. ASEAN sẽ có thể củng cố vị thế của mình, cũng như đối phó với những thách thức trong tương lai.
"Chúng ta không thể dự báo chính xác nó sẽ diễn ra như thế nào, nhưng tôi lạc quan về tương lai của ASEAN vì ASEAN có những thế mạnh cạnh tranh riêng. Bằng cách kết hợp các ý tưởng, nguồn lực và hội nhập các nền kinh tế, khối khu vực sẽ nắm giữ một vị thế vững chắc để mang lại lợi ích hữu hình cho các nền kinh tế thành viên và người dân", Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết.
Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghiệp 4.0 ở nhiều nước đang phát triển như Campuchia, một quốc gia thành viên của ASEAN, vẫn còn tương đối chậm.
Những thách thức đối với Campuchia
Trong những năm qua, Campuchia đã đạt được những tiến bộ quan trọng khi nền kinh tế của nước này tăng trưởng với tốc độ hàng năm trên 7% kể từ năm 2011, và tỷ lệ người nghèo đói đã giảm hơn một nửa trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Campuchia có tiêu đề "Thích ứng và ứng dụng công nghiệp 4.0 ở Campuchia", quốc gia thành viên ASEAN này phải khai thác tiềm năng của các công nghệ mới để cải thiện và đa dạng hóa nền kinh tế của mình nhằm trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Thực tế, việc phát triển các công nghệ mới ở các nước đang phát triển là đặc biệt khó khăn vì khả năng đổi mới cơ bản vẫn còn ở giai đoạn đầu.
"Việc tạo ra tri thức nội sinh thường khan hiếm và có hạn chế - hoặc không có - cơ chế chuyển giao công nghệ. Do đó, các nước đang phát triển có xu hướng dựa vào các công nghệ nhập khẩu, khiến quá trình thích ứng và áp dụng trở nên khó khăn hơn, cần xét đến khoảng cách văn hóa và vật chất giữa các nhà phát triển công nghệ và những người áp dụng", báo cáo của UNDP lưu ý.
UNDP cho rằng sự thiếu hụt các chuyên gia STEM, an ninh mạng ở mức thấp, các quy định về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, dịch vụ Internet hạn chế, vấn đề tài chính và khoảng cách về kỹ năng như ngôn ngữ và kỹ thuật số chính là những rào cản, trở ngại chính đối với việc ứng dụng các công nghệ 4.0 tại Campuchia.
"Có quá ít doanh nghiệp ở Campuchia nhận thức được các vấn đề này, chưa nói đến việc tiếp cận với những công nghệ mới của CMCN 4.0. Do đó, nền kinh tế đang bỏ lỡ cơ hội tăng năng suất lớn, còn người lao động đang bỏ lỡ các công việc đòi hỏi tay nghề cao và mức lương tốt hơn", Nick Beresford, đại diện thường trú của UNDP tại Campuchia cho biết.
Lĩnh vực sản xuất của Campuchia hiện đóng góp tới 17,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và cung cấp 1,4 triệu việc làm. Tuy nhiên, sản xuất tại đây chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực chính là công nghiệp may mặc và thực phẩm.
Báo cáo của UNDP cũng nêu rõ Campuchia có cơ hội phát triển và ứng dụng các công nghệ mới dựa trên một số điều kiện thực tế hiện nay. Thứ nhất, Campuchia có một nền kinh tế đang phát triển với dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) và tỷ lệ nhân khẩu học những người trẻ tuổi ngày càng tăng. Thứ hai, chính phủ Campuchia hiện đã đưa ra một số sáng kiến nhằm thúc đẩy công nghệ và đổi mới ở đất nước, bao gồm Khung chiến lược cho nền kinh tế kỹ thuật số của Campuchia. Thứ ba, cơ hội để khai thác các công nghệ từ nguồn vốn FDI, thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển hơn nữa các quan hệ đối tác kinh tế quốc tế đã được thiết lập.
UNDP cũng đã xác định 5 lĩnh vực chính để có thể áp dụng và thích ứng với công nghiệp 4.0 tại quốc gia này: cơ sở hạ tầng cơ bản và kỹ thuật số; khung thể chế; kết nối mạng; phát triển kỹ năng; các khả năng đổi mới và khả năng tiếp cận kiến thức.