Cần đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền
Một trong những giải pháp hàng đầu, quan trọng cần tiếp tục đẩy mạnh đó là đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ, gây ra nhiều ảnh hưởng, thiệt hại đối với sự phát triển của mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam là một trong những nước chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng chịu nhiều sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như các vấn đề nảy sinh từ quy mô dân số hơn 100 triệu dân... khiến công tác bảo vệ môi trường ngày càng trở nên khẩn thiết và nhiều khó khăn.
Triển khai thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và cộng đồng.
Trong những năm qua, các cơ quan tuyên giáo trung ương và địa phương đã quán triệt sâu sắc và tổ chức thông tin, tuyên truyền, triển khai quyết liệt, có nhiều đổi mới sáng tạo trong công tác truyền thông vận động; Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng với các hình thức, phương pháp thông tin, tuyên truyền đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận; Giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần ổn định xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, việc phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở một số địa phương, đơn vị còn có những hạn chế nhất định. Hình thức truyền thông, phương pháp công tác tuyên truyền ở một số nơi còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; Công tác phối kết hợp giữa các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện các hình thức tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa phong phú, ấn tượng và đa dạng, nhất là việc tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở.
Theo các chuyên gia, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền dài hạn và hằng năm; Kế hoạch tuyên truyền liên quan các vấn đề môi trường trước, trong và sau các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước; Củng cố đội ngũ cán bộ tuyên truyền, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, giúp nâng cao bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng là nhiệm vụ rất cấp thiết. Ngoài các kênh thông tin truyền thống, cần nghiên cứu xây dựng bổ sung những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả cho từng đối tượng khác nhau; Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, liên thông, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành các nhiệm vụ liên quan tới thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước đi trước đã thành công trong công tác bảo vệ môi trường; Huy động các nguồn lực góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng tránh thiên tai.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân; Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại những nhiệm vụ cụ thể, các kịch bản ứng phó, khắc phục hậu quả trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với thực tế. Công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cần kịp thời và chính xác hơn. Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ, đặc biệt là qua hệ thống tin nhắn điện thoại để chính quyền, người dân biết, chủ động trong công tác chỉ đạo, ứng phó, phòng, tránh thiên tai hiệu quả.