Truyền thông

Thúc đẩy một nền báo chí với “hàng thật” và “hàng chất lượng cao”

Trường Thanh 15:35 13/09/2023

Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.

Ngày 13/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” nhằm làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay; đồng thời thảo luận và tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số.

Hội thảo cũng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo; đồng thời đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.

dsc_7272.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của lĩnh vực báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới.

Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số (CĐS) báo chí. Do đó, bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí và đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhấn mạnh, bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo (ĐMST) báo chí.

"Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay", Phó Chủ tịch Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.

dsc_7270.jpg
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng: Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án ĐMST báo chí

Ông Trần Trọng Dũng cho biết, một trong những thách thức lớn đối với CĐS báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số. Hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng nó trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với CĐS báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo, thúc đẩy một nền báo chí với “hàng thật” và “hàng chất lượng cao”.

“Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án ĐMST báo chí”, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo nhấn mạnh.

Cần giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo Phó Chủ tịch VDCA Hồ Quang Lợi, trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH), các nền tảng số xuyên biên giới, hệ thống trang tin tổng hợp, báo chí đối mặt nhiều thách thức, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ; đặc biệt là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí ngày càng phổ biến. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí, cơ quan QLNN có liên quan đến lĩnh vực bản quyền, sở hữu trí tuệ.

dsc_7288.jpg
Phó Chủ tịch VDCA Hồ Quang Lợi: Trong kỷ nguyên số, nội dung số nói chung và bản quyền tác phẩm báo chí nói riêng phải đối diện với những thách thức mới, đòi hỏi môi trường pháp lý phải được định hình lại

Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, nội dung số nói chung và bản quyền tác phẩm báo chí nói riêng phải đối diện với những thách thức mới, đòi hỏi môi trường pháp lý phải được định hình lại. Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phổ biến, tinh vi, đặc biệt là trong môi trường số, với sự bùng nổ của MXH trang tin tổng hợp…

Ông Hồ Quang Lợi cũng chỉ rõ, không chỉ vi phạm bản quyền, những tin, bài bị “đánh cắp bản quyền” trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo và khai thác nội dung báo chí lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại chảy về các trang web, trang điện tử, các tài khoản MXH, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn lớn về nguồn thu. Định hình lại mối quan hệ giữa báo chí và các nền tảng MXH về bảo vệ và khai thác phân phối bản quyền giữa báo chí và các nền tảng MXH”, Phó Chủ tịch VDCA nhấn mạnh.

dsc_7278.jpg
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền: Quá trình CĐS báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý

Cùng quan điểm này, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí không có cách nào khác là phải CĐS để tồn tại và phát triển.

"Nhờ CĐS, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, quá trình CĐS báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý", Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhận định.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã thảo luận và nhận diện các hành vi xâm phạm bản quyền: Chiếm đoạt bản quyền; mạo danh bản quyền (ví dụ giả danh thương hiệu Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hay các trang web giả mạo báo điện tử - có nội dung, giao diện gần như y hệt, chỉ hơi khác tên miền); phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; sửa chữa, cắt xén, làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền.

Các diễn giả cũng thảo luận về các giải pháp giúp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp công nghệ và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bản quyền.

dsc_7354.jpg
Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam ký kết hợp tác về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”./.

Bài liên quan
  • Xây dựng, hoàn thiện thể chế số để phát triển báo chí số
    Trong bối cảnh Kỷ nguyên số và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với rất nhiều sự thay đổi và mới mẻ, chuyển đổi số (CĐS) là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí và không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ, mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy một nền báo chí với “hàng thật” và “hàng chất lượng cao”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO