Cao Bằng ra mắt các nền tảng số, giúp người dân tương tác tốt hơn với chính quyền
Nền tảng Công dân số Cao Bằng là một hệ sinh thái công nghệ số toàn diện, giúp công dân tương tác với chính quyền, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, và tham gia vào các hoạt động xã hội một cách hiệu quả.
Ngày 31/10/2024, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ công bố các nền tảng số: Công dân số Cao Bằng, Nông dân Việt Nam và chiến dịch ra quân cao điểm hướng dẫn cài đặt sử dụng các nền tảng số trên địa bàn toàn tỉnh.
Nền tảng Công dân số Cao Bằng là một hệ sinh thái công nghệ số toàn diện, giúp công dân tương tác với chính quyền, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), và tham gia vào các hoạt động xã hội một cách hiệu quả.
Nhiều công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn đã được ứng dụng vào Nền tảng công dân số. Ngoài ra, các chức năng bảo mật cũng được chú trọng nhằm đảm bảo an toàn thông tin và cung cấp trải nghiệm tối ưu cho người dùng.
Các chức năng chính của Nền tảng Công dân số tỉnh Cao Bằng
Nền tảng Công dân số của Cao Bằng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp (DN) có thể tra cứu các tiện ích cơ bản như: Thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ, thủ tục trực tuyến, tra cứu thông tin đất đai, thửa đất quy hoạch tại tỉnh và tương tác với hệ thống nền tảng khác, thực hiện mua hàng trên các sàn thương mại điện tử… thực hiện phản ánh kiến nghị người dân và chính quyền, kết nối người dân và chính quyền tương tác trên môi trường số.
Thông qua nền tảng, người dân và DN có thể tương tác với chính quyền, cùng chính quyền xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Nền tảng Công dân số cũng cung cấp công cụ cho cán bộ, công chức trong việc điều hành, xử lý và hỗ trợ các yêu cầu, phản ánh của người dân đến với cơ quan nhà nước, đảm bảo các phản ánh của người dân được gửi đến cơ quan nhà nước và được điều hành xử lý nhanh chóng, minh bạch và công khai đến với người dân.
Cụ thể, những chức năng chính của Nền tảng Công dân số Cao Bằng bao gồm:
Cung cấp DVCTT: Nền tảng công dân số cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ hành chính (như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe…) một cách thuận tiện và nhanh chóng, không cần đến trực tiếp cơ quan nhà nước, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu, giảm thời gian và chi phí của người dân. Đồng thời, Nền tảng số cũng tạo cơ chế cho người dân theo dõi và phản hồi về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính công.
Phản ánh, kiến nghị: Người dân có thể dễ dàng phản ánh, kiến nghị về các vấn đề xã hội như tình hình an ninh trật tự, môi trường, giao thông, hoặc gửi khiếu nại đến cơ quan chức năng qua ứng dụng và theo dõi tiến độ xử lý.
Lãnh đạo các cấp cũng có thể giám sát, theo dõi được quá trình, tiến độ xử lý các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, qua đó tăng cường sự tương tác của người dân, DN với chính quyền.
Thông tin tin tức, sự kiện, cảnh báo, ứng phó linh hoạt với các tình huống khẩn cấp: Nền tảng Công dân số sẽ cung cấp thông tin chính thống, cập nhật các chính sách, sự kiện xã hội, văn hóa, và thông báo từ chính quyền địa phương; Nền tảng công dân số có thể gửi cảnh báo thiên tai, dịch bệnh hoặc các tình huống khẩn cấp trực tiếp đến người dân qua điện thoại hoặc ứng dụng di động.
Thanh toán trực tuyến: Cho phép người dân kết nối với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các chi phí dịch vụ hành chính công, dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, viễn thông…
Cung cấp các thông tin dịch vụ khác như cung cấp danh bạ các cơ quan chức năng của tỉnh, các dịch vụ an sinh xã hội, trợ lý ảo, camera công cộng giúp người dân dễ dàng tìm kiếm các thông tin, truy cập dịch vụ mà mình cần.
Tăng cường tương tác, lắng nghe và giải quyết các nhu cầu xã hội của người dân
Bên cạnh những chức năng thuận tiện dành cho người dân, Nền tảng Công dân số cũng mang lại lợi ích quan trọng cho lãnh đạo chính quyền các cấp, giúp quản lý, điều hành và tương tác với người dân, DN một cách hiệu quả. Chẳng hạn, nền tảng giúp quản lý dữ liệu, tổng hợp, phân tích dữ liệu từ người dân, hỗ trợ lãnh đạo theo dõi các vấn đề của địa phương một cách toàn diện.
Thông qua dữ liệu phân tích thời gian thực, cán bộ các cấp có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác, giải quyết các vấn đề cấp bách của người dân. Hệ thống cũng giúp lãnh đạo các cấp tăng cường tương tác với người dân, có thể trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ người dân qua nền tảng, tăng cường sự lắng nghe và giải quyết các nhu cầu xã hội.
“Xây dựng nền tảng công dân số tại Cao Bằng được xem là một bước tiến lớn để địa phương phát triển bền vững và hiện đại hóa, tạo cơ hội cho người dân kết nối, tương tác và tham gia vào các hoạt động cộng đồng một cách thuận lợi và nhanh chóng. Nền tảng công dân số không chỉ giúp người dân hưởng lợi từ những tiện ích của công nghệ số, mà còn góp phần tạo ra một xã hội minh bạch, văn minh và hiện đại, nơi mỗi cá nhân đều có thể tham gia vào quá trình phát triển chung của tỉnh nhà. Đây chính là tiền đề để Cao Bằng vươn lên thành một tỉnh thông minh và phát triển trong thời kỳ số hóa”, bà Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc Sở TT&TT Cao Bằng, cho biết.
Nền tảng Công dân số Cao Bằng là một công cụ quan trọng giúp hiện đại hóa quản lý hành chính và nâng cao tương tác giữa người dân với chính quyền. Việc triển khai nền tảng này không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước.
“Với sự đồng hành của các DN công nghệ thông tin (CNTT) và các cơ quan ban ngành, chúng tôi tin tưởng rằng nền tảng này sẽ góp phần quan trọng vào thành công của quá trình chuyển đổi số tại tỉnh Cao Bằng”, lãnh đạo Sở TT&TT nói.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đề nghị các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã, các đơn vị, DN viễn thông, các hiệp hội DN, các cơ quan báo chí, truyền hình đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Công dân số Cao Bằng, Nông dân Việt Nam đến các cơ quan, tổ chức, từng cán bộ, đảng viên, hội viên và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh được biết, hưởng ứng tham gia.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông và đề nghị Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về số lượng cài đặt ở các cơ quan, tổ chức, địa phương; hướng dẫn cụ thể về cách thức cài đặt, sử dụng các Nền tảng để tất cả mọi người dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
“Trong quá trình vận hành nền tảng, cần chú trọng công tác đánh giá chất lượng, hiệu quả để tiếp tục cải tiến công nghệ, hoàn thiện các tính năng để người dân, DN thực sự được hưởng lợi từ dịch vụ công, với các tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết./.