Đến thời điểm hiện nay, tiến độ giải ngân nguồn vốn của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG DTTS&MN) còn đạt thấp. Ban Chỉ đạo Trung ương, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, tạo điều kiện để đồng bào phát triển kinh tế - xã hội.
Chậm tiến độ thực hiện chương trình
Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời là chương trình có tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước lớn nhất hiện nay.
Triển khai Chương trình MTQG DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành việc thành lập Tổ công tác về Chương trình MTQG DTTS&MN để thực hiện giúp việc Tổ trưởng Tổ công tác-Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác, kiện toàn đơn vị giúp việc; tập trung phối hợp thực hiện một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế chính sách mang tính nền tảng để tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN trong giai đoạn I (từ 2021-2025).
Tuy nhiên, theo Ủy ban Dân tộc, hiện nay, tiến độ giải ngân chung nguồn vốn của chương trình trong năm 2022 trên cả nước ước đạt 4,05% trong số tổng kinh phí 626.229 tỷ đồng, chủ yếu từ các địa phương triển khai thực hiện bằng ngân sách địa phương…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Minh Tiến cho biết: Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Điện Biên đặt kỳ vọng sẽ giảm 5% tỉ lệ hộ nghèo/năm giai đoạn 2022-2025 và đưa 45 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 29 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022-2025.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện chương trình tại địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như, Bộ Tài chính quyết định phân vốn sự nghiệp năm 2022 cho các địa phương theo từng lĩnh vực (y tế, giáo dục, văn hoá, hoạt động kinh tế…), nhưng nhiều nội dung chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương.
Nguyên nhân giải ngân chậm mang nhiều yếu tố khách quan do đây là một chương trình mới hoàn toàn, vì vậy cần nhiều các văn bản hướng dẫn cũng như cần nhiều khảo sát đánh giá thực trạng của các địa phương để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Hơn nữa, theo Luật Đầu tư và Luật Ngân sách Nhà nước thì vốn đầu tư phải được Quốc hội thông qua. Tháng 7/2022, nguồn vốn mới được phân bổ. Thời điểm phân bổ vốn muộn trong khi chương trình chủ yếu thực hiện các tại các địa phương nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phải hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2022…
Hơn nữa, nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mới được giao năm 2022, chưa giao cả giai đoạn 2021-2025 nên địa phương gặp nhiều khó khăn về xây dựng các dự án sử dụng vốn sự nghiệp thực hiện chương trình, nhất là việc lựa chọn, xác định các dự án thực hiện có thời gian thực hiện trong nhiều năm. Ngoài ra việc giao dự toán ngân sách chậm tạo áp lực giải ngân trong thời gian từ nay đến cuối năm là rất lớn.
Bên cạnh đó, thời hạn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, dự toán thực hiện năm 2022 và xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc giai giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý trước ngày 1/7/2022 theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ là gấp rút trong khi hệ thống văn bản của cấp Trung ương chưa đầy đủ, dẫn đến khó khăn, bất cập cho địa phương trong công tác lập, giao kế hoạch theo quy trình...
Tập trung thực hiện chương trình nhằm tạo động lực bứt phát cho đồng bào dân tộc miền núi
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt và tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc đi cùng với việc đôn đốc các bộ, ngành Trung ương và địa phương hoàn thành cơ bản việc đề xuất và ban hành đủ hệ thống các quy định, hướng dẫn cụ thể để bảo đảm cho việc tổ chức triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần của chương trình.
Tính đến hết tháng 8/2022, đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để quy định các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi từ Trung ương đến địa phương.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành để cùng có sự đồng thuận cho một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế, chính sách mang tính nền tảng, phương án phân bổ vốn nguồn ngân sách Trung ương để triển khai tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Công điện số 698/CĐ-TTg ngày 04/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh "Xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2022; phấn đấu hoàn thành 100% tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 đảm bảo hiệu quả và đúng quy định của pháp luật".
Trước băn khoăn, lo lắng của nhiều địa phương về vấn đề tiến độ, vốn đầu tư không giải ngân hết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay, Trung ương giao tổng mức đầu tư, địa phương sẽ có thẩm quyền đối với các dự án. Để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn, ban dân tộc, sở KH&ĐT các địa phương cần nghiên cứu thật kỹ các văn bản hướng dẫn để tham mưu cho UBND quyết định đầu tư từ nay đến cuối năm, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung có tính khả thi nhất, không nhất thiết phải 100% các dự án. Cùng với đó, các địa phương cần rà soát nhu cầu vốn trong năm 2023, không vì quá tập trung vào công việc năm 2022 mà quên các nhiệm vụ của cả giai đoạn.
Ban Chỉ đạo Trung ương, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch giải ngân năm 2022 ở mức cao nhất.
Với quyết tâm cao, dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng không "bàn lùi", Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ công tác về Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu. Đặc biệt là đôn đốc một số bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; chỉ đạo ưu tiên tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp.
Phê duyệt cho các địa phương thực hiện chỉ đạo điểm một số nội dung thuộc chương trình để rút kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án và nội dung của chương trình. Nghiên cứu, đề xuất các hoạt động thu hút, huy động nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để thực hiện thành công mục tiêu của chương trình, trọng tâm là chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi…
Hoàn thiện phê duyệt phương án phân bổ vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành hệ thống giám sát, đánh giá chương trình.../.